Bài báo “Dù ngày càng giàu có, nhưng khẩu vị của người Việt chẳng giống ai” của tác giả Joel Brinkley, cựu phóng viên mảng đối ngoại Thời báo New York, và từng giành giải báo chí danh tiếng Pulitzer, được đăng trên trang Chicago Tribune hôm 3/2.
Kể lại chuyến đi của mình tới Việt Nam, nhà báo này nói rằng ông thấy nhiều sóc, chim và chuột bị giết lấy thịt. Brinkley còn nói “Việt Nam bị Quỹ động thực vật hoang dã quốc tế coi là nước tiêu diệt động vật hoang dã nhiều nhất thế giới”.
Brinkley bắt đầu câu chuyện như sau: “Khi ở Việt Nam, bạn không cần mất nhiều thời gian mới có thể nhìn thấy điều gì đó bất thường. Bạn không nghe được tiếng chim hót, không thấy sóc nhảy nhót trên cây hay chuột rúc rích trong thùng rác. Không có con chó nào đi dạo”.
Bài báo bị chỉ trích vì nói quá việc ăn thịt động vật ở Việt Nam, cũng như gắn vấn đề ăn thịt động vật thông thường với chuyện bảo tồn động vật hoang dã. (Ảnh tác giả sử dụng trong bài viêt) |
“Thực tế là, bạn gần như không thể nhìn thấy động vật hoang dã hay động vật được thuần hóa nào. Chúng đi đâu hết cả rồi. Có thể bạn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng: Hầu hết chúng đã bị ăn thịt”.
Bài báo gây ra phản ứng giận dữ từ rất nhiều người Việt Nam và nước ngoài, nhiều người nói rằng bài viết này mang tư tưởng phân biệt chủng tộc. Thứ 6 tuần qua, ban dịch vụ truyền thông của Chicago Tribine phải đưa ra thông báo xin lỗi, nói rằng bài viết này không đáp ứng đủ tiêu chuẩn báo chí cần thiết và cần phải qua nhiều bước biên tập”.
“Chúng tôi lấy làm tiếc vì điều này, và chúng tôi sẽ chú ý để bảo đảm quá trình biên tập chặt chẽ hơn trong tương lai”.
Gwen Uyen Nguyen, đồng sáng lập mạng lưới trực tuyến OneVietnam Network có trụ sở tại Mỹ với mục đích hỗ trợ các nước Đông Nam Á, nói rằng bài báo này là một sự “sỉ nhục”.
“Đó là sự tấn công trực diện vào nền văn hóa của chúng tôi. Tôi không tin rằng nó lại được viết bởi một người từng giành giải Pulitzer và là giáo sư ĐH Stanford”.
Quỹ động thực vật hoang dã thế giới (WWF) chỉ trích chính sách bảo tồn của Việt Nam đối với hổ, tê giác và voi, nhưng nỗ lực không mấy hiệu quả của chính phủ không liên quan gì đến việc tiêu thụ các loài động vật khác như chuột và chó. Đó là nhận xét của Pamela McElwee, trợ lý giáo sư về lĩnh vực hệ sinh thái con người tại ĐH Rutgers và là chuyên gia về bảo tồn hoang dã ở Việt Nam. Buôn bán động vật hoang dã là vấn đề ở rất nhiều nước.
“Tôi không hiểu tại sao ông ấy lại gắn việc không thích người ăn thịt chó và chuột với vấn đề bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam”, McElwee nhận xét.
McElwee, người đã sống ở Việt Nam 5 năm, cũng chỉ trích việc Brinkley suy luận thói quen ăn thịt của người Việt với tính hung hăng. “Lịch sử của Đông Nam Á là hầu hết mọi quốc gia đều đã trải qua chiến tranh. Nước Mỹ có dân số ăn thịt lớn thứ hai thế giới tính theo trung bình đầu người”, McElwee nói.
Trong một bài phỏng vấn, Brinkley nói ông viết bài báo nói trên sau chuyến đi 10 ngày tới Việt Nam. Trong suốt 6 năm viết thể loại bài này, Brinkley cho biết ông ta chưa từng vấp phải sự phản ứng nào dữ dội như vậy.
Theo Khampha