Theo Điều 39 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp (sửa đổi, bổ sung Điều 64 Hiến pháp năm 1992): “1. Nam, nữ có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau; 2. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”.
Nhóm chuyên gia LGBT cho rằng, cụm từ “nam, nữ” đã loại trừ những người liên giới tính được quyền kết hôn. Không phải người liên giới tính nào cũng muốn xác định giới tính mình thành nam hoặc nữ, chưa kể hiện tại thủ tục thay đổi giấy tờ của họ còn rất nhiều khó khăn.
Điển hình là trường hợp của cô giáo Quỳnh Trâm (tức anh Phạm Văn Hiệp) bị xét thu hồi giấy tờ mới, trả về giấy tờ nam giới dù cơ thể đã là nữ giới. Bên cạnh đó, việc quy định nguyên tắc “một vợ, một chồng” sẽ là cánh cửa đóng cho hôn nhân cùng giới, không đảm bảo được quyền mưu cầu hạnh phúc chính đáng của người đồng tính.
Ảnh minh họa |
Muốn vậy thì phải trung tính hóa các từ ngữ phân biệt giới tính như “nam, nữ” hay “vợ chồng”. Theo đó, cần sửa Điều 39.1 thành “Công dân có quyền kết hôn và ly hôn. Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau giữa hai người”.
Có như thế mới tránh được thực trạng nhiều cặp đồng tính sống chung với nhau nhưng pháp luật chỉ xem họ như những người xa lạ, không được thừa kế (theo pháp luật), không thể đại diện cho nhau (tài sản hoặc nhân thân, đau ốm)…
Đại diện Trung tâm Hành động vì quyền của LGBT (ICS) nhấn mạnh: Đứng từ góc độ quyền con người thì rõ ràng người đồng tính có quyền mưu cầu hạnh phúc, từ đó mà họ cũng có quyền tạo lập mối quan hệ với nhau.
Cụ thể hóa của việc tạo lập mối quan hệ đó chính là kết hôn hoặc các chế định tương tự. Với quy định hiện tại như Dự thảo Hiến pháp, liệu có thể giải thích nguyên tắc “một vợ, một chồng” là hôn nhân là giữa một nữ và một nam hay một người chỉ được có một vợ hoặc một chồng.
Nếu hiểu theo cách thứ hai thì người đồng tính nam cũng có quyền có cho mình một người chồng, cũng như người đồng tính nữ cũng có thể có một người vợ. Tuy nhiên, dù với cách hiểu nào thì Hiến pháp cũng nên trung tính hóa các từ ngữ phân biệt về giới tính.
“Ở pháp luật nhiều quốc gia (cả các quốc gia chưa và đã hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới) thường dùng từ “phối ngẫu” hay “bên” (spouse/party) để tránh phân biệt giới tính như “vợ/chồng” (husband/wife)” – vị đại diện này dẫn chứng.
Theo PLTP