Trên đường Bình Long (Q.Tân Phú, TP.HCM), hàng chục cơ sở gia công sắt thép sử dụng bình gió đá đã gỉ sét có nguy cơ cháy nổ. Trong ảnh: một thợ dùng gió đá cắt sắt tại một cơ sở gia công sắt thép trưa 25-2 - Ảnh: Minh Mẫn |
Chất cháy nổ: mua là có
Chiều 25-2, chúng tôi đến chợ Kim Biên (Q.5, TP.HCM). Hỏi mua “nguyên liệu” để làm thuốc pháo tại cửa hàng N thì nhân viên này dò xét, nói: “Mua chất đó về làm phân bón hả? Chỉ bán sỉ bao 25kg giá 30.000 đồng/kg”.
Nhân viên cho hay đây là hàng loại 1, chất lượng hơn nên có giá cao hơn hàng loại 2 (chỉ 17.000 đồng/kg).
Chúng tôi cầm một danh sách gồm năm nguyên phụ liệu để “chế” thuốc nổ đến cửa hàng hóa chất trên đường Hải Thượng Lãn Ông (Q.5). Nhân viên nữ ở cửa hàng này lần lượt báo giá cụ thể từng loại, trong đó loại có giá cao nhất xuất xứ từ Trung Quốc giá 825.000 đồng/bao 25kg.
Nhân viên này cho biết có thể xuất hóa đơn chứng từ mua bán nếu người mua có nhu cầu. Đồng thời, nếu mua với số lượng lớn (hơn chục bao) giá có thể bớt một chút.
Cũng với danh sách nguyên phụ liệu trên, ông G., nhân viên bán hàng ở cửa hàng gần đó, ra giá thấp hơn. Ông G. nói: “Ở đây hàng bảo đảm chất lượng. Nếu mua sỉ (nguyên bao) mới có giá đó. Mua lẻ thì mỗi ký tăng thêm 1.000 đồng”.
Giảng viên Ngô Văn Cờ - khoa kỹ thuật hóa học Trường ĐH Bách khoa TP.HCM - nhìn nhận trên thị trường hiện nay bán rất nhiều chất khi pha trộn vào nhau tạo thành hỗn hợp có thể gây cháy nổ, đó là những nguyên liệu gốc để từ đó có thể tạo ra chất nổ.
Ông Cờ khuyến cáo với những chất có nguy cơ cháy nổ cần phải bảo quản cẩn thận, không để chúng ở gần nhau. Đối với những người tiếp xúc với chất cháy nổ cần tuân thủ các điều kiện về an toàn, phải có chuyên môn về chất cháy nổ và nhất là phải hết sức cẩn thận.
“Quả bom” trong các khu dân cư
Ngày 25-2, chúng tôi đến một số khu dân cư ở TP.HCM và nhận thấy nguy cơ cháy nổ cao, nhiều người dân vẫn thờ ơ với hiểm họa. Ông Nguyễn Văn Hà (38 tuổi, ngụ khu phố 8, P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức) bức xúc bởi trước đây tại khu vực này tồn tại một điểm sang chiết gas trái phép.
Ông cho biết cơ sở này cứ sang chiết gas thường xuyên với dụng cụ rất thô sơ, mỗi lần sang chiết mùi gas bay nồng nặc cả xóm.
“Bà con chúng tôi rất lo sợ vì điểm sang chiết gas nằm ngay giữa khu dân cư đông đúc, tứ phía đều có nhà dân. Lỡ bị nổ thì hậu quả sẽ rất nặng nề. Cũng may mới đây cơ quan chức năng đến kiểm tra xử phạt cơ sở mới chịu ngưng hoạt động” - ông kể.
Rảo dọc đường Bình Long (Q.Tân Phú), chúng tôi thấy xen kẽ nhà dân là hàng chục cơ sở chuyên gia công, hàn, cắt các loại sắt thép, tiệm sửa xe... sử dụng bình gió đá, bình hơi đã gỉ sét. Các cơ sở này án ngữ ngay mặt tiền đường đông người qua lại và sát với khu dân cư đông đúc.
Tại tiệm gia công, cắt sắt thép ở ngã tư Bình Long - Lê Thúc Hoạch (Q.Tân Phú), dù giữa trưa nắng nhưng chủ tiệm vẫn khởi động máy để cắt sắt. Tiệm được thiết kế với hai bình gió đá, một bình hơi đặt sát mép đường, giữa nền nhà dây nhợ kéo loằng ngoằng.
Vừa bước chân vào cơ sở kinh doanh gạch men trên đường Phan Anh (P.14, Q.6), chúng tôi ngửi thấy mùi khét tỏa ra từ tiệm gia công, cắt các loại sắt thép kế bên đang hoạt động.
Ông Phát - chủ cơ sở này - rầu rĩ nhắc lại vụ nổ thương tâm làm tử vong 10 người được phát trên ti vi tối 24-2 nhưng lại nói bình thản: “Nổ bình gas mới đáng sợ, còn bình hơi, bình gió đá có hề gì”.
Tương tự, một tiệm hớt tóc đông khách ra vào trên đường Tân Kỳ Tân Quý (Q.Tân Phú) bị hai tiệm sửa xe máy và một tiệm hàn, cắt sắt bủa vây xung quanh. Các tiệm này đều được trang bị bình hơi, bình gió đá gỉ sét nằm lăn lóc giữa nền nhà. “Nhìn vậy chứ xài vẫn ngon lắm” - một nhân viên cắt sắt, tia lửa văng tung tóe, bình thản nói.
Khó kiểm soát hóa chất gây nguy hiểm Theo một đại diện Sở Công thương TP.HCM, Luật hóa chất cũng như nghị định, thông tư hướng dẫn quy định việc các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất, kể cả hóa chất nguy hiểm dễ gây cháy... đảm bảo một số điều kiện nhất định thì được hoạt động. Việc mua bán hóa chất tại các chợ, cửa hàng cũng tương đối “thoáng” vì đây là hành vi dân sự và còn được điều chỉnh theo Luật thương mại. Riêng hóa chất gây nổ công nghiệp thì đã được TP.HCM cấm sử dụng mấy năm nay nên tại các chợ không bán loại hóa chất này. Việc mua hóa chất để sử dụng là việc bình thường, nhưng hành vi mua nhiều loại hóa chất, trộn lẫn chúng với nhau tạo ra một loại hóa chất có thể gây cháy nổ gây nguy hiểm hay nhằm mục đích xấu nào đó lại thuộc về khía cạnh đạo đức và rất khó kiểm soát. Sở Công thương cũng thường xuyên cử lực lượng thanh tra kiểm tra hoạt động mua bán, lưu trữ hóa chất tại các chợ nhưng không thể kiểm soát triệt để được. |
Theo Tuoitre