Chiếc hũ cao khoảng 35cm, nặng 34kg, được làm bằng gốm sành, có màu nâu, thân hũ phình ra. Bên trong chiếc hũ đựng nhiều đồng tiền tròn có lỗ vuông. Người nhà ông Hải cho biết, lúc đào lên tiền đã bị kết dính, hoen gỉ do ô xy hóa nên có màu xanh xỉn. Thấy vậy, gia đình ông đã đem rửa sạch đất ở mặt ngoài. Tuy nhiên, trong quá trình rửa đã làm cho nước xâm nhập vào bên trong nên tiền bị ướt.
Qua nghiên cứu 7 đồng tiền ở trên mặt hũ, cán bộ bảo tàng tỉnh Quảng Bình nhận định, đây là những đồng tiền cổ có niên đại cách đây hàng nghìn năm. Cụ thể, trong 7 đồng tiền được phận loại có 5 đồng là tiền thời nhà Tống (Trung Quốc), thế kỷ X - XI. Đồng tiền có lỗ vuông, gờ nhỏ, chỉ có chữ ở một mặt, vành gờ chỉ có 2mm. Chữ trên mặt tiền thuộc loại chữ chân, chữ thảo.
Hũ tiền cổ có niên đại hàng nghìn năm. |
Theo đó, có một đồng tiền là Thánh Tống nguyên bảo (thời Bắc Tống Huy Tông) hiệu Triệu Cát 1100 - 1125, niên hiệu Kiến Trung Tĩnh Quốc, đúc vào năm 1101. Một đồng Nguyên Hựu Thông bảo, cũng thuộc thời Bắc Tống (1085 - 1100).
Một đồng Nguyên Phong thông bảo, chữ thảo, thuộc thời Bắc Tống, hiệu Triệu Húc (1067 - 1085), niên hiệu Nguyên Phong (1078 - 1085), đúc năm 1078. Đường kính đồng tiền này 24mm, vành gờ 2mm, lỗ 6x6mm, dày 1mm, trọng lượng 2,6mg. Một đồng Hoàng Tống thông bảo, cũng thuộc thời Bắc Tống (1024 - 1064).
Một đồng Nguyên Phù Thông bảo, thuộc thời Bắc Tống Triết Tông, niên hiệu Nguyên Phù (1098 - 1100), đúc khoảng 1098 -1100. Một đồng Tường Phù nguyên bảo, thuộc Bắc Tống (977 - 1022) và một đồng tiền thời Minh, niên hiệu Vĩnh Lạc (1403 - 1424). Một đồng tiền Việt Nam thời vua Lê Thánh Tông (1460 - 1497), niên hiệu Quang Thuận, đường kính 23mm, dày 1mm, lỗ 5x5mm, trọng lượng 2,6mg.
Cũng theo nhận định của cán bộ Bảo tàng tỉnh này thì đây là những đồng tiền cổ đã được nhân dân Đại Việt sử dụng và cất giữ làm của cải cách đây khoảng trên 10 thế kỷ.
Theo Dantri