Trong dịp Tết năm này, nhiều hình ảnh về pháo Tết ngày xưa đã được đăng tải trên các diễn đàn và mạng xã hội Facebook, kéo theo hàng loạt ý kiến của các thành viên quanh chủ đề này.
Không còn pháo nghĩa là không còn tết?
Tiếc nuối và hoài niệm pháo Tết là tâm trạng chung của những người thuộc thế hệ 8X trở về trước.
Trên diễn đàn Làm cha mẹ, thành viên nick Coicoc chia sẻ: “Mình chợt nhớ cái Tết ngày xưa quá, nhớ tiếng pháo đì đùng nhất là đêm giao thừa tiếng pháo nổ vang trời, mùi khói pháo ngợp mọi nơi. Vậy mà đã hơn 15 năm ngày nhà nước cấm đốt pháo rồi. Giờ đêm giao thừa cảm thấy phố xá yên tĩnh quá, không còn bị đánh thức bởi tiếng pháo đì đùng nữa. Mình vẫn biết rằng đốt pháo có nhiều tiêu cực nhưng không có tiếng pháo sao thấy giao thừa trống vắng quá.
Trẻ nhỏ giờ không biết pháo là gì. Như bé nhà mình thấy đốt pháo trên phim ảnh lại hỏi mẹ đó là cái gì, nghe thế nào nhỉ, cảm thấy trẻ nhỏ giờ không biết pháo là gì và cảm nhận được mùi vị Tết khi có pháo, nghĩ cũng buồn…”.
Pháo là nét văn hóa quen thuộc trong ngày Tết của người Việt từ thập niên 1990 trở về trước. |
Thành viên transyhuan (Linkhay) nhớ lại kỷ niệm về Tết ngày xưa: “Mình cảm thấy nhớ tiếng pháo tuổi thơ mình quá! Ngày xưa cứ mỗi dịp gần tết là tất cả sách, vở cũ rồi cũng rồi cũng tan tành theo xác pháo đón xuân. Ngày đó bọn mình toàn tự mua thuốc pháo và ngòi pháo về tự cuốn thủ công bằng sách báo cũ, mà cái không khí đón tết ngày đó nó cũng khác xa như bây giờ, nghĩ lại mà thèm và nhớ cái tuổi thơ tôi!”.
Phục hồi pháo Tết, nên hay không?
Từ tâm trạng tiếc nuối, nhiều người đã bày tỏ mong muốn việc đốt pháo Tết sẽ được khôi phục.
“Ngày xưa Việt Nam mình không quản được thì cấm. Bây giờ dân trí đã cao hơn, các biện pháp bảo đảm an toàn cũng tốt hơn, chỉ cần thắt chặt các quy định về quản lý là hoàn toàn có thể đưa pháo Tết trở lại với đời sống. Trung Quốc cũng từng cấm pháo, nhưng bây giờ đã khôi phục rồi. Bao giờ thì đến Việt Nam”, thành viên Hoang Le bình luận trên mạng xã hội Facebook.
Trên Linkhay, thành viên nick SG_HN còn hiến kế cho nhà nước trong việc quản lý pháo Tết:
“Giả sử cho đốt pháo lại thì sẽ phải tính tới 3 yếu tố là an toàn, môi trường, kinh tế và đưa vào luật cụ thể rõ ràng.
Nên xây dựng nhà máy riêng biệt và nhà nước phải độc quyền sản xuất. Nhà máy phải đảm bào độ an toàn về các khâu sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ... Nguyên liệu là thuốc nổ và giấy phải như thế nào, tận dụng từ đâu để bảo vệ môi trường... Tốt nhất là giao luôn cho mấy nhà máy vẫn sản xuất pháo hoa luôn.
Có các quy định về kích cỡ pháo, chỉ cho làm loại nhỏ nhất, sát thương không đến mức nguy hiểm như pháo tép chẳng hạn, rồi có quy định về độ dài bánh pháo, số lượng được phép mua, độ tuổi được phép mua, thời điểm, địa điểm được đốt...
Chỉ cần mỗi gia đình mua một bánh pháo thôi là tốt cho kinh tế biết bao nhiêu…”.
Tuy vậy, không phải ai cũng đồng ý với việc “hồi sinh” tập quán đốt pháo ngày Tết.
Thành viên nick Cathinhngon (diễn đàn Làm cha mẹ) vừa nhớ pháo Tết, lại vừa cho rằng việc cấm đã đem lại kết quả tích cực: “Ngày bé rất thích pháo và thích cả mùi pháo nữa, nhiều bạn nhỏ con xô vào nhặt pháo xịt khi bánh pháo vẫn còn đang nổ trên đầu, bây giờ nghĩ lại thấy nguy hiểm thật.
Mình thấy việc cấm đốt pháo cũng giảm được rất nhiều tai nạn thảm thương và tiết kiệm nhiều cho người dân nhưng tết không pháo thì mất đi hương vị tết. Ngày xuân mùi hương trầm quyện khói pháo và xác pháo bay cùng mùi ngan ngát với màu trắng muốt của hoa bưởi đầu ngõ ngày nào vẫn còn in đậm trong ký ức tuổi thơ. Giờ hình ảnh ấy chỉ còn lại trong những bài văn tả cảnh mà thôi”.
Thành viên Krad (Linkhay) thì phản đối thẳng thừng vì cho rằng chỉ… đàn ông mới thích pháo: “Chỉ có mấy ông đàn ông là thích pháo. Còn con gái, đi đường bị ném pháo vào cháy áo, ngã xe là bình thường. Cái hồi còn đốt pháo, năm nào cũng có tin trẻ em chơi pháo bị tai nạn, cụt tay, mù mắt... Giả sử là con cháu các ông thì sao??? Sao các ông ích kỷ thế??? Sang Iraq ấy, tha hồ chơi pháo nhé”.
Theo Kienthuc