Có thể khởi tố ai trong vụ nổ chết 10 người?

Thứ hai, 25/02/2013, 14:39
Tối qua, 24/2, Đại tá Lê Anh Tuấn – Chánh Văn phòng Công an TP.HCM cho biết, đã khởi tố vụ án nổ sập nhà làm 10 người chết. Thông tin khởi tố vụ án làm khá nhiều người bất ngờ, bởi vụ nổ đã làm cả gia đình chủ nhà chết thảm. Nhiều người cũng đặt ra câu hỏi, nếu khởi tố vụ án, liệu có bị can nào bị khởi tố hay không?

Vụ nổ sập nhà 10 người chết

Đại tá Lê Anh Tuấn (người đứng) chủ trì buổi gặp gỡ báo giới tối 24/2

Theo thông tin mới nhất của Công an TP.HCM, công việc khám nghiệm đang diễn ra nhưng khả năng lớn vụ nổ sập tại nhà ông Lê Minh Phương (sinh năm 1955, HKTT số 486 đường Lê Quang Định, Phường 11, Quận Bình Thạnh) tại 384/9 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (P.8, Q.3, TP.HCM) là do tai nạn. Mặc dù vậy, cơ quan điều tra vẫn tiến hành khởi tố vụ án.

Khởi tố vụ án có hợp lý?

Điều khiến dư luận băn khoăn là việc khởi tố vụ án sập nổ tại TP.HCM có hợp lý hay không, bởi cả 6 người gia đình nhà ông Phương đều đã thiệt mạng.

Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tố tụng Hình sự, việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can được hiểu là những việc làm của cơ quan có thẩm quyền liên quan đến việc ra quyết định khởi tố vụ án (hoặc quyết định không khởi tố vụ án) và quyết định khởi tố bị can.

Trong khoa học tư pháp hình sự, việc ban hành các quyết định, khởi tố vụ án, khởi tố bị can được hiểu là cơ quan có thẩm quyền tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát) được quyền tiến hành các biện pháp điều tra để xác định có hay không có tội phạm xảy ra; nếu có tội phạm xảy ra thì ai là người đã thực hiện tội phạm và những tình tiết khác liên quan đến vụ án hình sự.

Ngoài ra, việc cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can còn giúp cho cơ quan có chức năng kiểm sát, giám sát hoạt động điều tra nắm được diễn biến tình hình tội phạm và công tác điều tra tội phạm để có thể đặt ra các yêu cầu trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, truy tố, buộc tội người phạm tội, góp phần quan trọng trong công tác giữ gìn an ninh, trật tự đất nước.

Luật Tố tụng hình sự Việt Nam coi khởi tố vụ án là giai đoạn tố tụng, được bắt đầu kể từ khi cơ quan có thẩm quyền nhận được những thông tin tội phạm từ các nguồn khác nhau về một sự việc, sự kiện có dấu hiệu phạm tội; sau đó, các cơ quan này thẩm tra, xác minh nội dung của các thông tin này.

Chính vì vậy, việc khởi tố này là việc làm hoàn toàn bình thường.

Đây cũng là nhận định của luật sư Vũ Thái Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH YouMe. Vị luật sư này cho biết việc khởi tố vụ án là bình thường. Nhưng có xem xét khởi tố bị can hay không thì còn cần quá trình điều tra làm rõ có ai liên quan đến vụ nổ hay không.

Chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm đến đâu trong vụ nổ?

Sau khi vụ nổ diễn ra, sau khi thông tin chi tiết về vụ việc được cơ quan điều tra công bố, câu hỏi xuất hiện ngay trong đầu người tiếp nhận thông tin là liệu chính quyền có biết về việc ông Phương tàng trữ một số lượng lớn chất nổ trong nhà, dù để phục vụ cho bối cảnh phim trường!

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Vũ Thái Hà cho biết, nếu theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng chất nổ thì rõ ràng là việc làm vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, do người sử dụng chất nổ là ông Lê Minh Phương đã thiệt mạng nên không thể xem xét và truy cứu trách nhiệm được nữa.

Về trách nhiệm của chính quyền địa phương, theo luật sư Vũ Thái Hà, nếu đúng chính quyền địa phương biết về việc tàng trữ chất nổ mà không có ý kiến nhắc nhở thì đúng là buông lỏng quản lý. Có điều vấn đề này cần phải được điều tra, làm rõ.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc.

Pháp lệnh về Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ:

Điều 10. Bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ

1. Vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được quản lý, bảo quản chặt chẽ theo quy định.

2. Kho, nơi cất giữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ phải được thiết kế, xây dựng đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn về phòng, chống cháy, nổ và bảo đảm môi trường theo quy định; có nội quy, phương án bảo vệ, phương án phòng, chống cháy, nổ, phương tiện bảo đảm an toàn được cơ quan chủ quản và cơ quan chức năng phê duyệt.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ. Bộ trưởng Bộ Công an quy định việc bảo quản vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ đối với các đối tượng khác.

Theo VnMedia

Các tin cũ hơn