Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả khi chính sách hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh con gái một bề được thực hiện.
Chính sách không tưởng
Nghi ngờ hiệu quả của Đề án, ông Phạm Ngọc Tiến, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ LĐ-TB-XH) phân tích: “Thử hỏi, trong xã hội, những đối tượng thích sinh con trai là ai? Đó chính là những giới có tiền, có kiến thức mới sinh thêm con trai, còn đối với người vùng sâu vùng xa thì chuyện sinh con trai hay con gái cũng không quan trọng lắm. Trong khi đó các đối tượng giàu, sinh hai con gái rồi muốn sinh thêm con trai thực tế cũng không cần hỗ trợ”.
Theo ông Tiến, vô hình trung, việc làm trên lại càng tăng thêm định kiến, thậm chí là khẳng định các định kiến về giới vốn có sẵn trong xã hội. “Sau này giả sử tỷ lệ giới tính lại lật ngược lại, giới tính nữ lại áp đảo thì chính sách lại không phù hợp. Vì thế, biện pháp lâu dài cần phải tăng cường truyền thông và thay đổi hành vi nhận thức, đồng thời giám sát, xử lý tình trạng chẩn đoán giới tính thai nhi…”, ông Tiến nói.
Có ý kiến cho rằng chính sách hỗ trợ sinh con gái sẽ dễ bị “hớ” (Ảnh minh họa) |
Là một trong những người ngay từ đầu đã không đồng tình với ý tưởng hỗ trợ sinh con gái một bề, ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), nhận định: Đề án không những không làm giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh mà còn gây lãng phí ngân sách nhà nước một cách không cần thiết.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới, nêu kiến nghị: “Bất cứ một văn bản pháp quy nào trước khi ban hành cũng đều cần phải lấy ý kiến của người dân, những đối tượng chịu sự quy phạm của văn bản đó. Nên chăng với chính sách này, Bộ Y tế cũng nên thăm dò ý kiến của chính những gia đình sinh con một bề, để xem họ có cần được hỗ trợ hay không?”
“Cá nhân tôi cho rằng đây là chính sách không tưởng và cũng không cần thiết phải đưa ra một chính sách đi ngược lại với số đông người dân…”, bà Hồng nhận định.
Nhiều không có, ít không thông
Theo ông Nguyễn Đình Cử , nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, một chính sách liên quan đến tâm tư, tình cảm của hàng triệu gia đình và tiêu tốn kinh phí lớn thì nên cẩn trọng. “Nếu gọi là tạo động lực kinh tế thì quá nhẹ rồi vì chắc chắn không có nhiều tiền đâu, còn bảo hỗ trợ về tinh thần thì cũng khó, không thấm vào đâu so với những người “mắc bệnh di truyền khát con trai” đã có từ hàng trăm đời nay trong nếp nghĩ của người dân”.
Bộ Y tế cho biết, Đề án giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2013-2020, trong đó có đề án nhỏ hỗ trợ kinh tế gia đình sinh con gái một bề sẽ tiêu tốn khoảng 3.000 tỷ đồng. Theo đó, những gia đình sinh con một bề là gái sẽ được hỗ trợ tiền mặt, con gái của các gia đình này sẽ được miễn giảm học phí, ưu tiên cộng điểm cho nữ trong các kỳ thi đại học, cao đẳng, được ưu tiên học nghề, xin việc… |
Ông Cử tỏ ra băn khoăn với câu hỏi nếu có hỗ trợ thì bao nhiêu mới đủ, liệu chính sách có bị rơi vào thế: “Nhiều không có,ít thì không thông”. “Với những gia đình có khát vọng con trai, đây là đối tượng chính gây nên mất cân bằng giới tính khi sinh thì bao nhiêu cũng là ít, thậm chí là thưởng cả tiền triệu”, ông Cử nói.
Thêm vào đó, chính sách trên sẽ rất dễ bị “hớ” với những trường hợp người dân đã nhận tiền nhưng vẫn sin thêm con. “Độ tuổi sinh đẻ của chị em phụ nữ kéo dài đến khoảng 49 tuổi.
Giả sử, một phụ nữ sinh con đúng theo kế hoạch thì 27 tuổi đã có hai con. Nếu thưởng cho họ ngay thì ai đảm bảo rằng hơn 20 năm nữa họ không thay đổi ý định sinh con? Khi ấy có đòi lại tiền không? Có đòi được không? Có khi lại là chủ đề để dư luận phê phán chính sách thưởng tiền của Nhà nước”, ông Cử phân tích.
Theo ông Cử, ngay lúc này, khi chính sách trên còn chưa được phê duyệt, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ bài học kinh nghiệm của Trung Quốc. “Trung Quốc đã thưởng tiền cho các gia đình sinh con gái, cấp 600 nhân dân tệ/tháng cho cha mẹ lúc về già khi có hai con gái nhưng tỉ số giới tính khi sinh của Trung Quốc vẫn tăng lên không ngừng”, ông Cử cho biết.
Theo Khampha