Khó xác định hành vi chế giễu hay vui đùa
Để giảm thiểu vấn đề trên, điều 96, mục 5 dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đưa ra biện pháp: “Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1.000.000 đồng đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sử dụng biện pháp tránh thai, người sinh toàn con trai hoặc sinh toàn con gái”.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng quy định phạt tiền như vậy không khả thi khi áp dụng vào thực tế đời sống.
Cần giáo dục ý thức người dân hơn xử phạt hành vi chế giễu sinh con một bề. |
Trao đổi với PV, PGS. TS dân tộc học Nguyễn Văn Tiệp, Trưởng khoa nhân học, Trường Đại học KHXH&NV TP HCM nhận định: "Trên thực tế, không ít người sinh con một bề bị xúc phạm danh dự nhân phẩm, nhưng cần giáo dục nhận thức của người dân còn hơn đưa ra một quy định phạt mà không thể thực hiện được.
Bởi không có căn cứ để biết được họ xúc phạm danh dự nhân phẩm như thế nào. Nhiều khi những lời chế giễu, xúc phạm ấy chỉ bắt đầu từ câu nói đùa, không thể kết luận câu nói đùa là xúc phạm. Lời nói có ghi âm cũng không thể lấy làm bằng chứng, mà phải xác định rõ, người ta chế giễu trong hoàn cảnh nào".
"Đa số những người chế giễu sinh con một bề đều là bạn bè, anh em thân thiết. Nhiều khi họ trêu đùa cho vui chứ không có hàm ý gì. Em trai sinh được con trai, trong bữa tất niên vẫn trêu anh trai mình sinh toàn con gái, xử phạt sao được.
Hơn nữa, quy định này không có cơ sở để xử phạt, không có bằng chứng thì lấy đâu ra cơ sở để đánh giá họ vi phạm mà xử phạt, mà ai xử phạt, xử phạt như thế nào cho thỏa đáng. Quan trọng nhất vẫn là giáo dục nhận thức, không phải cái gì không cấm được là áp phạt vào" - ông Tiệp nhấn mạnh.
Quy định "trên giấy" sẽ làm nhờn luật
Đồng quan điểm với PGS Nguyễn Văn Tiệp, Luật sư Trần Đình Triển, Trưởng văn phòng luật sư Vì Dân cũng cho rằng, quy định về xử phạt hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh con một bề khó khả thi, thậm chí không thể thực hiện khi áp dụng vào cuộc sống.
Ông Triển phân tích: "Xem xét cả hai khía cạnh trong quan hệ sinh con cái, về luật pháp nam nữ luôn bình đẳng, trai cũng như gái. Mỗi cặp vợ chồng nên có từ một đến hai con, dù đó là con trai hay con gái. Trên thực tế, suốt thời gian dài, truyền thống dân tộc vẫn coi trọng nam giới hơn để nối dõi tông đường. Quan niệm người Việt Nam không ít người vẫn cho rằng, con trai là vốn quý, nên tình trạng trọng nam khinh nữ vẫn xảy ra.
Không chỉ có quan niệm trong gia đình, ngay trong hộ khẩu, hộ tịch, giấy khai sinh, con trai vẫn mang họ bố, trường hợp con cái mang họ mẹ rất hiếm, chỉ rơi vào gia đình có mẹ mà không có bố. Vì thế, vấn đề phân biệt nam nữ bắt đầu ngay trong giấy khai sinh. Muốn thay đổi quan niệm trọng nam khinh nữ, đảm bảo nam nữ bình đẳng cần thay đổi ngay trong giấy khai sinh, hộ khẩu".
Luật sư Trần Đình Triển: Nếu quy định xử phạt này được áp dụng sẽ nảy sinh những thù oán khác. |
Theo ông Triển, quy định xử phạt người có hành vi chế giễu người sinh con một bề rất khó thực hiện, dù mang hàm nghĩa tốt. Bởi làm sao phân biệt rạch ròi hành vi chế giễu cố ý hay hành vi trêu đùa. Khi không có căn cứ thì không thể nào mà xử phạt.
"Nghiêm trọng hơn, nếu quy định xử phạt này được áp dụng sẽ nảy sinh những thù oán khác, ví như người sinh con một bề khi bị người thân bạn bè trêu đùa sẽ coi đó là hành vi chế giễu và lấy đó để làm đơn đề nghị xử phạt, sẽ dẫn đến nhiều sự việc khác xảy ra.
Cần phải nghiên cứu kỹ trước khi áp dụng vào cuộc sống để quy định pháp luật không chỉ là quy định trên giấy dẫn đến người dân nhờn luật. Muốn người dân chấp hành tốt, cần những quy định có tính khả thi cao, thiết thực với cuộc sống", ông Triển cho biết thêm.
Theo Kienthuc