PGS.TS BÙI THỊ AN (ủy viên Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội):
Phải rà soát kỹ đối tượng
Cá nhân tôi cho rằng những người có trí tuệ, được đào tạo bài bản, có khả năng đóng góp thì việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của họ sẽ có lợi cho xã hội. Với việc giới hạn tuổi nghỉ hưu như lâu nay, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia để lãng phí chất xám nhiều nhất.
Vì vậy, Bộ luật lao động được Quốc hội thông qua năm 2012 quy định kéo dài tuổi hưu với nhóm đối tượng này. Tôi được biết, hiện nay nhiều nước trên thế giới tuổi nghỉ hưu của nam và nữ bằng nhau, chứ không như chúng ta quy định tuổi nghỉ hưu của nữ sớm hơn nam năm năm.
Nghị định của Chính phủ cần phải quy định rất kỹ, tránh kẽ hở tạo điều kiện cho “lợi ích nhóm” như dư luận băn khoăn. Tôi đồng ý kéo dài tuổi hưu với nhóm đối tượng có trình độ cao như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thợ chuyên môn kỹ thuật cao và cán bộ quản lý từ cấp vụ trưởng trở lên, tuy nhiên không thể cào bằng.
Cần quy định rõ các tiêu chí: sức khỏe có đảm bảo không, chất lượng và hiệu quả công việc thế nào (hằng năm phải có đánh giá, nhận xét), có được đa số người lao động trong đơn vị đó tín nhiệm hay không?...
Khi có bộ tiêu chí đánh giá phù hợp và được kiểm soát tốt thì sẽ chọn được những người giỏi, tâm huyết cống hiến thêm năm năm cho xã hội, còn nếu không sàng lọc tốt thì sẽ rơi vào tình trạng vàng thau lẫn lộn, tạo sức ỳ trong bộ máy cũng như cản trở sự thăng tiến của lớp trẻ.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng (trái - nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) về hưu năm 61 tuổi. Hiện nay bà đã 69 tuổi nhưng vẫn tiếp tục cống hiến trong lĩnh vực chuyên môn của mình - Ảnh: T.T.D. |
* TS BÙI SỸ LỢI (phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội):
Không đặt nặng vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu
Quan điểm của tôi là chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, vì vậy không nên đặt nặng vấn đề kéo dài độ tuổi nghỉ hưu. Nhưng cũng phải tính để tận dụng được nguồn nhân lực tiếp tục đóng góp cho đất nước. Đồng thời cần phải tránh được rào cản làm cho một bộ phận nhân lực trẻ, có chuyên môn không tiếp cận được những vị trí, chức vụ cao để họ phát huy năng lực của mình.
Cũng cần nói thêm ở những nhóm lao động trong lĩnh vực độc hại, khu vực đặc thù, vùng sâu vùng xa... thì họ phải được nghỉ hưu sớm so với quy định. Riêng nhóm có chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý được kéo dài tuổi hưu tối đa không quá năm năm để sử dụng được năng lực, kinh nghiệm của họ trong việc phát triển đất nước, không lãng phí nguồn nhân lực.
Lãnh đạo tập đoàn kinh tế được đề xuất chậm về hưu Việc xây dựng nghị định hướng dẫn điều 187 của Bộ luật lao động về tuổi nghỉ hưu đã nhận được nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy Bộ Lao động - thương binh và xã hội chưa trình Chính phủ mà đang tiếp tục nghiên cứu. Bà Phạm Thị Hải Chuyền (bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH) cho biết như trên khi trả lời báo Tuổi Trẻ ngày 1-3. Bà Hải Chuyền nói: “Bộ LĐ-TB&XH hiện nay đang tiến hành một số công việc để triển khai việc xây dựng dự thảo nghị định này, trong đó có việc xin ý kiến của Ban Tổ chức trung ương và Bộ Nội vụ. Ngoài ra, chúng tôi còn có ý định xin thêm ý kiến của Thường trực Chính phủ, rồi nếu cần thiết thì báo cáo Ban Bí thư Trung ương Đảng”. Cũng theo bà Hải Chuyền, Bộ luật lao động đã quy định một số trường hợp có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn (ba đối tượng gồm: người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và các trường hợp đặc biệt), nhưng “một số” đó cụ thể gồm những ai thì lại đang có rất nhiều góc độ tiếp cận, vì vậy bộ sẽ lắng nghe ý kiến của người dân, các chuyên gia để đưa ra các phương án phù hợp với quy định pháp luật và thực tiễn để trình cấp có thẩm quyền. Ông Nguyễn Duy Cường (Vụ Bảo hiểm xã hội, Bộ LĐ-TB&XH) cho biết hiện nay đã có một số đối tượng được kéo dài thời gian công tác khi đến tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên diện khá hẹp, chủ yếu trong lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy và trong thời gian kéo dài thêm thì người đó không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Chỉ riêng cán bộ nữ từ cấp thứ trưởng được kéo dài thời gian làm việc mà giữ nguyên chức vụ quản lý. Như vậy, theo đề xuất ban đầu của các bộ liên quan, diện đối tượng kéo dài thời gian làm việc có thể được mở rộng tới cấp vụ trưởng, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước... Vì chưa có dự thảo nghị định chính thức nên chưa thể làm rõ việc người làm công tác quản lý thuộc đối tượng kéo dài thời gian làm việc thì tiếp tục giữ chức vụ hay không, tuy nhiên “mọi người đang hiểu theo hướng tiếp tục, bởi vì đã quy định chức danh quản lý mà kéo dài thì đương nhiên vẫn được quản lý”. Bước đầu có hai phương án về lộ trình kéo dài tuổi nghỉ hưu, một là mỗi năm kéo dài thêm một năm, hai là kéo dài ngay thêm năm năm. Phương án thứ nhất được cho là đảm bảo thuận lợi hơn trong việc thực hiện, còn phương án thứ hai lại đảm bảo tận dụng được tối đa nguồn nhân lực có trình độ, tuy nhiên phương án kéo dài ngay thêm năm năm lại có tác động mạnh đến việc quy hoạch cán bộ, vấn đề việc làm. Các bộ liên quan nghiêng về thực hiện theo phương án thứ nhất. V.V.THÀNH |
* Ông TRẦN TRUNG DŨNG (giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM): Cần tách hệ số chức vụ của nam và nữ riêng Vào cuối tháng 1-2013, UBND TP.HCM đã ủy nhiệm cho Sở LĐ-TB&XH TP tham dự tại hội thảo do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức để lấy ý kiến về tuổi nghỉ hưu. Chúng tôi đã có một số ý kiến cụ thể, trong đó thống nhất phương án mà Bộ LĐ-TB&XH đưa ra là tăng độ tuổi nghỉ hưu của nhóm làm công tác quản lý đối với những cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức có hệ số chức vụ lãnh đạo từ 0,7 trở lên. Tuy nhiên, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH cần nghiên cứu trình Chính phủ xem xét tách hệ số chức vụ của nam và nữ riêng làm căn cứ kéo dài tuổi nghỉ hưu để thúc đẩy bình đẳng giới. Cụ thể, cán bộ nữ có hệ số chức vụ lãnh đạo từ 0,5 trở lên có thể được tăng tuổi nghỉ hưu. * Ông NGUYỄN VĂN KHẢI (phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM): Không phải cứ lãnh đạo là được tăng tuổi hưu Tôi cho rằng việc tăng tuổi hưu nên xét theo từng nhóm, tùy đặc điểm ngành nghề, môi trường lao động... chứ không nên làm đại trà. Đơn cử như với những công nhân trực tiếp sản xuất thì việc kéo dài thời gian làm việc là không hợp lý, gây khó cho người lao động bởi người làm việc trong nhóm này có độ hao mòn sức khỏe cao. Những nhóm được đề nghị kéo dài thời gian làm việc nhất thiết phải có kèm điều kiện. Không phải cứ là lãnh đạo có hệ số chức vụ cao, cứ là vụ trưởng, chủ tịch, tổng giám đốc, phó tổng giám đốc hay giáo sư, tiến sĩ là mặc nhiên được giữ lại làm việc lâu hơn người khác. Điều kiện đầu tiên phải xét tới là cơ quan, đơn vị mà người đó công tác có nhu cầu giữ họ lại hay không. Trên thực tế, dù Nhà nước chưa quy định nhưng nếu các doanh nghiệp, cơ quan có nhu cầu thì những cán bộ, công nhân, chuyên viên giỏi nghề đến tuổi nghỉ hưu vẫn được tiếp tục ký hợp đồng. Điều kiện thứ hai là phải có sự đồng ý, tự nguyện muốn được tiếp tục làm việc của đương sự. Nói tóm lại, nếu có quy định lại về độ tuổi nghỉ hưu thì phải theo hướng mở, linh động, tùy hoàn cảnh, điều kiện cụ thể của từng đơn vị. Không nên làm theo kiểu cứng nhắc, máy móc, rập khuôn mà vô tình lại làm mất cơ hội nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến và khẳng định mình của những người trẻ. * Luật sư BÙI QUANG NGHIÊM (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM): Dễ bị lạm dụng bởi nhóm lợi ích Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, mức lương hưu mà quỹ bảo hiểm xã hội chi trả cho người đóng bảo hiểm xã hội về hưu ở mức cao nhất cũng chỉ tối đa là 75% của tháng lương bình quân mà người tham gia bảo hiểm xã hội đã đóng. Trong khi đó, nếu kéo dài tuổi nghỉ hưu cho những vị trí chủ chốt, quản lý cao cấp trong các cơ quan nhà nước thì ngân sách sẽ phải chi trả 100% lương. Mà thường những vị trí quản lý cao cấp, cán bộ công chức có thâm niên lại có ngạch, bậc lương rất cao. Thế nên quan điểm cho rằng kéo dài tuổi hưu để giảm bớt gánh nặng chi trả lương hưu của bảo hiểm xã hội là không thuyết phục. Nếu cho rằng cần tận dụng chất xám, kinh nghiệm của những cán bộ quản lý thì cũng không ổn vì chỉ 30-40 tuổi là người lao động đã có nhiều kinh nghiệm. Ở nhiều nước trên thế giới, người 30-40 tuổi đã có thể làm tổng thống, thủ tướng rồi. Theo tôi, việc kéo dài tuổi hưu rất dễ bị lạm dụng bởi nhóm lợi ích, nhiều người muốn kéo dài tuổi hưu cũng chỉ vì lý do “giữ ghế”. Tôi ủng hộ quan điểm chỉ nên áp dụng việc kéo dài tuổi hưu đối với lao động nữ bởi tình trạng sức khỏe, tinh thần của nữ giới không có sự chênh lệch nhiều so với nam giới, nên bắt buộc nữ về hưu khi 55 tuổi, trong khi nam 60 tuổi là không phù hợp. Quy định cũng nên linh động, nếu lao động nữ muốn làm việc thêm thì có thể làm đến 60 tuổi, còn không thì họ có quyền nghỉ hưu ở 55 tuổi. * Luật sư NGUYỄN SA LINH (Đoàn luật sư TP.HCM): Chỉ áp dụng khi thật sự cần thiết Tại điều 46 Luật viên chức hiện hành đã có quy định một số trường hợp đơn vị có thể ký hợp đồng vụ, việc với người hưởng chế độ hưu trí nếu đơn vị có nhu cầu và người hưởng chế độ hưu trí có nguyện vọng nhưng Bộ luật lao động thì giới hạn hơn, chỉ cho áp dụng đối với các lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, người làm công tác quản lý. Chính phủ cần đưa ra lấy ý kiến, chỉ những trường hợp thật sự cần thiết, đặc biệt thì mới nên kéo dài tuổi hưu chứ không nên quy định căn cứ hàm này, cấp nọ. Thật ra, nếu muốn sử dụng chất xám, kinh nghiệm của cán bộ quản lý đến tuổi hưu thì các cơ quan cũng có thể ký hợp đồng vụ việc với người nghỉ hưu như quy định của Luật viên chức mà không nhất thiết phải kéo dài tuổi hưu. MAI HƯƠNG - C.MAI ghi |
Theo Tuoitre