Bẩn vẫn hoàn bẩn
Theo quy định, người bán hàng ăn phải đảm bảo các điều kiện: Quầy hàng phải để xa cống rãnh và địa điểm ô nhiễm; có phương tiện bảo quản, che chắn thức ăn, chống bụi, côn trùng; người bán hàng phải sử dụng găng tay nylon dùng một lần để bốc thức ăn hoặc dụng cụ gắp thức ăn...
Thế nhưng, trên nhiều phố ở Hà Nội, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống lớn, nhỏ đều không thực hiện đủ các điều kiện trên. Thậm chí, nhiều gánh hàng vỉa hè không đáp ứng được bất kỳ điều kiện nào về ATTP.
Chủ gánh hàng dùng tay không cắt thực phẩm chín. |
Tại phố Nguyễn Thiện Thuật, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đồ ăn chín không có tủ kính và người bán hàng dùng tay trần bốc, cắt thức ăn. Trên phố Cầu Đông, những gánh hàng rong đặt ngay cạnh cống thoát nước và điểm tập kết xe rác, nhưng vẫn đông khách vào các giờ ăn trưa, ăn tối.
Chủ cửa hàng trứng vịt lộn rửa chén bát trong xô nước bẩn. |
Đầu giờ tối, trước cổng Trường Đại học Thương mại luôn tấp nập khách vào ăn bún đậu mắm tôm. Để khách không phải chờ lâu, nhân viên ở đây chùi mâm đĩa nhựa bằng giấy ăn mà khách hàng đã dùng trước đó. Những chiếc bát nhựa đựng mắm tôm được quăng vào một góc, ruồi bu đầy.
Một ông chủ gánh hàng trứng vịt lộn trên đường Nam Trung Yên - Cầu Giấy thì cho tay vào khuấy bát trong xô nước đã đục ngầu mà không cần dùng đến nước rửa chén bát...
Quy định vẫn ở... trên “trời”
Chị Xuân (quê Nam Định) - chủ xe bánh mì bán rong dưới cầu vượt Mai Dịch - cho biết: “Hằng ngày vẫn bị công an phường đuổi, nhưng phạt vì ATTP thì chẳng thấy, đây là lần đầu tiên tôi nghe nói đến các quy định về ATTP, nên không biết”. Rất nhiều chủ gánh hàng rong cũng ngơ ngác khi nghe nói đến việc buộc phải đeo găng tay khi bán hàng.
Những xe bánh mì dưới lòng đường phơi bụi vẫn đông khách. |
Khi thông tư 30 của Bộ Y tế quy định về thức ăn đường phố bắt đầu có hiệu lực, nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của thông tư, nhưng đại diện Cục ATTP khẳng định, khó vẫn phải làm.
Ông Nguyễn Thanh Phong – Phó Cục trưởng Cục ATTP - khẳng định: “Việc đầu tư những vật dụng như găng tay, kẹp gắp thức ăn, chuyển địa điểm xa cống rãnh, ghi rõ nguồn gốc... hoàn toàn không tốn kém. Chúng tôi cũng xác định đây là việc lâu dài, có thể sau 3 năm, 5 năm hoặc lâu hơn nữa mới hoàn thành, nhưng vì tính cần thiết chúng ta vẫn phải duy trì thực hiện”.
Tuy nhiên, qua 1 tháng thực hiện các quy định trên, vệ sinh ATTP thức ăn đường phố vẫn chưa có cải thiện. Người kinh doanh thức ăn vẫn chưa nhiều người biết đến các quy định đó và người ăn có vẻ như đã quen với việc ăn “bẩn” nên cũng chẳng mấy quan tâm. Nếu sau 3, 6 tháng hay 1 năm nữa mà tình trạng vẫn không có gì thay đổi thì e rằng một quy định nữa lại bị dần lãng quên.
Theo Laodong