Báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác phòng, chống HIV/AIDS năm 2012 và trọng tâm năm 2013 của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm tổ chức vào ngày 5/3 cho biết: Tại Việt Nam, tính đến 30/11/2012, số trường hợp nhiễm HIV hiện còn sống là 208.866 trường hợp, số bệnh nhân AIDS hiện còn sống là 59.839 và 62.184 trường hợp tử vong do AIDS.
11 tháng đầu năm 2012, cả nước phát hiện 11.102 trường hợp nhiễm HIV, 3.716 bệnh nhân AIDS và 961 người tử vong do AIDS. So với cùng kỳ năm 2011, số trường hợp nhiễm HIV phát hiện và báo cáo giảm 26%, số người tử vong giảm 53%.
Về hình thái dịch HIV tiếp tục ghi nhận có sự thay đổi, trong số người nhiễm HIV báo cáo năm 2012 có 31,5% người nhiễm là nữ giới, cao hơn 0,5% so với năm 2011; đường lây truyền HIV lần đầu tiên ghi nhận số người nhiễm HIV bị lây nhiễm qua quan hệ tình dục cao hơn lây truyền qua tiêm chích ma túy (45,5% so với 42,1%), trong khi năm 2011 tương ứng là (41,8% so với 46,4%).
Bác sĩ Bệnh viện đa khoa Quảng Ninh đang tư vấn cho một trường hợp nhiễm HIV |
Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM (tình dục đồng giới) là 2,3%, so với 5% năm 2011, tuy nhiên, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm MSM chưa phản ánh đầy đủ nhiễm HIV trong nhóm này chung cho cả nước, do cỡ mẫu nhỏ.
Năm 2012, công tác chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được đẩy mạnh trên quy mô rộng hơn. Bộ Y tế tổ chức 3 sự kiện lớn cấp quốc gia, bao gồm Tháng hành động dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; Tháng chiến dịch truyền thông về công tác phòng, chống HIV/AIDS; Lễ phát động chương trình 100% sử dụng bao cao su.
Ngoài ra, tổng kết thí điểm chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, tổng kết phong trào “Toàn dân tham gia công tác phòng, chống HIV/AIDS”…
Theo bà Phan Thị Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, mặc dù dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, số bệnh nhân AIDS và tử vong do AIDS, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững, dịch HIV/AIDS ở nước ta vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả.
Một số tỉnh có nguy cơ dịch gia tăng trở lại, nếu như không triển khai các biện pháp can thiệp trên quy mô lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Thái Nguyên.
Việt Nam đã cơ bản triển khai tất cả các hoạt động theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuy nhiên, do đặc điểm của đối tượng nguy cơ là người nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm, nam có quan hệ tình dục đồng giới, do đó việc tiếp cận và đảm bảo chất lượng số liệu giám sát trên các nhóm này rất khó khăn.
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS, trong năm 2013, tổng kinh phí cho Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS là 1.092 tỷ đồng. Tổng kinh phí sự nghiệp cho công tác phòng, chống HIV/AIDS là 952,25 tỷ đồng. Kinh phí đầu tư phát triển dự kiến là 140 tỷ đồng.
Theo VOV