Những người đàn ông Việt tử tế vẫn còn đấy. Họ rất khổ sở trong cuộc chiến không cân sức với đàn ông Tây. Không phải tại họ thua kém gì, nhưng khổ nỗi số đông đàn ông Việt làm bao nhiêu cố gắng của họ lu mờ đi. Làm sao mà vượt qua tai tiếng của hàng triệu đàn ông Việt? Tôi xin chia sẻ những chuyện xung quanh mình để các bạn cùng suy nghĩ xem làm đàn ông Việt là như thế nào?
Tôi là phụ nữ Việt Nam, sinh ra lớn lên ở Việt Nam, sau này đi du học rồi định cư ở nước ngoài. Tôi biết rất nhiều người đàn ông Việt tử tế và không tử tế. Đáng tiếc là số không tử tế lại đông, và làm khổ cho những người tử tế trong cuộc chiến tranh giành phụ nữ Việt.
Cha tôi ngày xưa là giáo sư, trưởng khoa một trường đại học. Ông là một người đàn ông Việt hiếm có. Ông không hút thuốc, mỗi năm uống bia không tới năm lần, không bao giờ la cà quán xá. Lúc nào đi làm xong là ông cũng về nhà ngay.
Cha tôi giặt quần áo, rửa bát, quét nhà, dọn dẹp, chăm sóc con cái đều làm cả. Ông cũng thường xuyên làm cỏ, dọn sân, sửa nhà. Chỉ có nấu ăn thì ông ít nấu vì ông không khéo nấu, nhưng khi mẹ tôi đi vắng thì ông vẫn nấu. Chúng tôi cũng ăn dù không ngon.
Các bạn của cha tôi cũng tử tế không kém gì ông, nhưng họ cứ bị người khác cười như lạ lắm. Chúng tôi sống ở một tỉnh nhỏ, lúc tôi còn bé, cha chưa là trưởng khoa, nhà còn rất nghèo. Ở xóm, mỗi chiều phụ nữ hay chờ nước lên để ra sông giặt giũ. Cha tôi cũng hàng ngày ra sông giặt đồ cùng đám phụ nữ trong xóm. Hàng xóm có người sang nói khéo với mẹ là đừng để cha tôi làm thế, còn gì mặt mũi đàn ông.
Nhưng họ không biết rằng mẹ tôi không biết bơi mà sông quê tôi nước chảy xiết dòng. Rồi tôi lớn lên, lúc 12 tuổi tôi đã đủ sức để bê thau đồ ra sông. Tôi lại bơi giỏi nên ông chuyển nhượng cái thau đồ cho tôi, để thiên hạ đừng cười, và cũng để tôi quen việc nhà.
Cha mẹ tôi xem con trai con gái như nhau. Tôi được đi học như em trai. Tôi cũng biết làm nội trợ, nhưng có thể thay bóng đèn, sửa ống nước và trát xi măng. Em trai tôi cũng được giáo dục theo quan điểm nam nữ bình đẳng. Em tôi cũng nấu ăn, quét nhà, rửa bát, dọn dẹp và không bao giờ xem phụ nữ thấp kém hơn mình. Em đi du học, định cư nước ngoài, cũng thành đạt, nhưng việc tìm vợ của em thì khó hơn việc lập gia đình của tôi rất nhiều.
Tôi ra trường xong nhanh chóng lập gia đình với một người Tây. Tôi nghĩ là do duyên số, nhưng mọi người cho là tôi chê người Việt. Em tôi không được suôn sẻ như vậy. Em không hút thuốc, chẳng nhậu nhẹt, chẳng la cà, và luôn xông pha vào bếp để chứng tỏ khả năng nội trợ của mình. Nhưng để thuyết phục một người phụ nữ sống ở trời Tây lấy một chàng Việt Nam khó thật.
Em tôi nói rằng, con gái Việt Nam chê con trai Việt. Các bạn gái cùng du học với em cứ quen trai Tây cả. Các cô gái Tây thì chả bao giờ lại chịu lấy chồng Á Châu. Các chàng trai Á Châu không cao to, cũng chẳng có tiếng là ga lăng, có người còn đòi hỏi chuyện trinh tiết thì làm sao phụ nữ Tây yêu cho được. Dù là em tôi không đòi hỏi nhiều, nhưng tiếng xấu của đàn ông Á châu cứ bám lấy các chàng trai Á châu tử tế.
Tội nghiệp em tôi, công cuộc đi tìm người vợ đang chuyển hướng về Việt Nam, nhưng đường xa xa xôi cách trở, cũng không biết thành bại như thế nào. Em tôi lại nói rằng các bạn nam của nó cũng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Nhiều chàng trai Việt phải về Việt Nam dạm hỏi một cô nào đó vì không thể theo đuổi phụ nữ Việt sống ở nước ngoài nữa rồi. Đó là thực tế của việc tìm vợ Việt ở trời Tây.
Các anh chàng ở Việt Nam nên biết cho, rằng bây giờ Việt Nam con gái ít hơn con trai. Nền kinh tế mở cũng có nghĩa là phụ nữ có nhiều cơ hội để kiếm chồng Tây hơn. Với danh tiếng của đàn ông Việt, e rằng sẽ càng lúc càng có nhiều chàng trai phải chiến đấu như em trai tôi và những người bạn của nó.
Chỉ mong anh Việt Nam nào còn tư tưởng cổ hủ thì mau mau thay đổi, kẻo không tiếng xấu lại lan ra, và cuộc chiến tìm vợ rồi sẽ trở nên không cân sức cho những người đàn ông VN tử tế.
Theo VNE