Ngay từ 7 giờ sáng, bệnh nhân đã xếp hàng đông kín tại BV Ung bướu TP.HCM. |
Trong khi đó, BV nào cũng khẳng định cải tiến kỹ thuật như lấy số điện tử, mở thêm phòng khám, khám thông tầm, tăng cường BS, nhưng đâu lại vào đấy.
Chờ 4 giờ, được khám trong 1 phút
Tại BV ĐH Y - Dược TP.HCM mới 4 giờ sáng, người bệnh và thân nhân đã xếp hàng đông nghẹt để lấy số thứ tự.
Bệnh nhân Hà (48 tuổi, quê ở Cà Mau) muốn khám bệnh phải đi từ tối hôm trước để đến được BV lúc 3 giờ sáng. Mặc dù lấy số từ sớm, nhưng phải đến 9h45 phút chị mới được gặp BS khám tiêu hoá trong vòng chỉ 1 phút và xếp hàng mua thuốc đến hơn 10 giờ 30 mới xong.
Chị tỏ ra bức xúc: “Tôi muốn biết rõ bệnh tình và muốn hỏi nhiều hơn, nhưng BS rất kiệm lời vì còn nhiều bệnh nhân đang chờ”.
Không chỉ ở BV ĐH Y - Dược mà tại các BV Chợ Rẫy, Ung bướu, Viện Tim, Nhi Đồng 1, 2, Chấn thương chỉnh hình... tình trạng xếp hàng chờ đợi 4-5 giờ, nhưng được khám chỉ trong 1 phút cũng trở nên phổ biến.
Hai vợ chồng ông Hải (52 tuổi) và bà Vi (50 tuổi) - trú tại Long An - bị đau lưng và đến BV Chấn thương chỉnh hình khám.
Cả hai vợ chồng có mặt khám vào lúc 6h, nhưng phải mất hơn một tiếng rưỡi để lấy được số và mua được sổ khám bệnh. Để được khám và lãnh được thuốc trong tay, hai ông bà phải chờ đợi và chen chúc trong tình trạng BV quá tải trầm trọng, chật hẹp, đến 11h15 phút mới xong.
Ông Hải cho biết: “BS hỏi tôi mấy câu và chỉ định đi chụp phim. Thời gian khám chưa đầy 1 phút”.
Chờ đợi lâu nhất phải kể đến BV Ung bướu TP.HCM; theo các BS trực, bệnh nhân có mặt để chờ được khám tại BV thường bắt đầu từ 3 giờ sáng. Từ hành lang cho đến cầu thang, ngoài sân đều không còn chỗ trống, vì người bệnh và thân nhân ngồi nằm la liệt chờ đến lượt.
Anh Vũ (46 tuổi, ngụ tại Biên Hoà, Đồng Nai) khám gan vì BV tuyến dưới nghi ngờ ung thư. Anh Vũ cùng vợ phải trải chiếu nằm ngoài sân suốt đêm chờ đến sáng hôm sau kịp lấy số để khám. Dù đã dự định từ trước, nhưng chờ đợi hơn 3 giờ vẫn chưa đến lượt khám.
Mỗi ngày, tại 2 BV Nhi là Nhi Đồng 1, 2 của TP.HCM tiếp nhận từ 7.000 – 8.000 trường hợp đến khám, nên hiện tượng chờ 4 giờ khám trong 1 phút đã thành điệp khúc.
Tại BV Nhi Đồng 1, ở dãy D khoa khám có 15 phòng khám, nhưng mỗi ngày phải gồng gánh lượng bệnh nhân quá lớn. Tại các phòng khám D6, 7 (nội tổng quát), D14 (nội tiêu hoá), trung bình mỗi trẻ được khám kéo dài 1 phút. Chỉ một số ít, các BS mới khám tới hơn 2 phút.
Tắc ở đâu?
Mặc dù BV nào cũng đã tăng cường phòng khám, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin nhưng vẫn còn tắc quá nhiều khâu, khiến bệnh nhân mất thời gian “chết” vô ích.
Mới đây, khi làm việc với Đoàn ĐBQH TP.HCM, BV Chợ Rẫy nhìn nhận, thường một bệnh nhân đến khám vào buổi sáng phải chờ bình quân từ 6 - 7 tiếng. Vì thế, bệnh nhân phải đợi từ buổi sáng qua buổi chiều mới xong các khâu khám, làm các xét nghiệm.
Theo BS Phạm Xuân Dũng - Phó Giám đốc BV Ung bướu TP.HCM - nếu không có tình trạng quá tải thì thời gian trung bình để một người bệnh làm thủ tục từ quầy đăng ký đến phòng khám chỉ mất 10 phút.
Tuy nhiên, con số này chỉ là ước mơ bởi thực tế theo tính toán của BV, chỉ riêng việc chờ từ lấy số đến làm thủ tục để được khám, mỗi bệnh nhân phải mất từ 40-60 phút.
Theo BS Dũng, thời gian bệnh nhân chờ đến lúc khám bệnh xong mất thêm 60 phút nữa, tổng thời gian từ khi lấy số cho đến lúc khám xong mất 2 giờ.
Còn tại BV Cấp cứu Trưng Vương, mặc dù BV đã áp dụng cho bệnh nhân lấy số thứ tự trước qua tổng đài 1080 hoặc số điện thoại của BV, nhưng biện pháp này vẫn chưa mấy hiệu quả.
Trong khi đó, thời gian chờ lấy số thứ tự trung bình của một người bệnh đến khám tại đây mất từ 50 - 75 phút; xét nghiệm mất từ 80 - 95 phút và việc di chuyển giữa các khoa, phòng mất 55 phút; song thời gian BS thăm khám cho bệnh nhân chỉ được từ 9 - 13 phút.
Để hạn chế được thời gian “chết”, theo đề xuất của BS Lê Thanh Chiến - Giám đốc BV Cấp cứu Trưng Vương - khi đăng ký khám bệnh mỗi bệnh nhân sẽ có một mã số riêng để dùng cho xét nghiệm, đơn thuốc và BV có thể quản lý bệnh án điện tử cho bệnh nhân; BS cho toa thuốc trên máy vi tính và nối mạng với khoa dược để lấy thuốc cho bệnh nhân theo toa, sau khi kết thúc quy trình khám, bệnh nhân chỉ việc đến quầy nhận thuốc mà không phải chen mua, chờ đợi.
Điều này sẽ hạn chế được thời gian “chết” như chờ lấy số thứ tự; rút ngắn thời gian xét nghiệm, di chuyển và tăng thêm thời gian thăm khám cho người bệnh từ 9-13 phút lên 10 – 15 phút.
Theo Laodong