Kho báu 4.000 tấn vàng núi Tàu
Câu chuyện về “kho vàng 4.000 tấn do quân đội Nhật chôn giấu ở núi Tàu” (xã Phước Thể, huyện Tuy Phong, Bình Thuận) hơn nửa thế kỷ qua được thêu dệt như một huyền thoại. Chính vì thế, cuộc tìm kiếm kéo dài gần 20 năm nay của ông Trần Văn Tiệp và các con ông vẫn chưa vào hồi kết.
Theo ông Tiệp, kho vàng núi Tàu có không ít hơn 4.000 tấn, đó là chưa kể kho vàng của người Chăm xưa chôn ở gần đó chừng 1.000 tấn. Cộng với châu báu khác nữa thì kho vàng núi Tàu trị giá không dưới... 100 tỉ USD.
Những "báu vật" của ông Tiệp thu từ núi Tàu. Ảnh: Thanh Niên. |
Ông Tiệp khẳng định rằng, trong tay ông có rất nhiều hồ sơ cho biết, vào cuối chiến tranh thế giới thứ II, sau khi Nhật đầu hàng quân đồng minh, vị tướng Yamashita đã đưa một hạm đội gồm 84 tàu chiến chở đầy vàng đến vịnh Cà Ná (giáp ranh tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận) trú ẩn.
Tuy nhiên, sau đó lực lượng không quân của quân đồng minh đã đánh chìm 66 tàu của quân đội Nhật xuống khu vực này. Còn lại 18 tàu khác kịp thời chạy thoát và sau đó chính quân đội Nhật đã đưa số vàng khoảng 4.000 tấn xuống một hòn núi sát với vùng biển này. Sau này mới biết đây là núi Tàu. Sau thế chiến thứ II, nhiều lần người Nhật đã đến Việt Nam để tìm tung tích kho vàng cực lớn này nhưng đều thất bại.
Ông Trần Văn Tiệp (phải) và ông Tám Hiền tại núi Tàu năm 1999. Ảnh: Thanh Niên |
Ngày 16/10/1993, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đặng Văn Hải, lần đầu tiên cấp giấy phép cho ông Trần Văn Tiệp được “tìm kiếm kim loại” tại núi Tàu. Công việc tìm kiếm của ông Tiệp tiến hành từ đầu năm 1994.
Bao đời qua, chuyện về các vị vua Chàm cùng những kho báu đồ sộ với những chiếc rương bằng gỗ quý trĩu nặng vô số vật dụng, đồ trang sức, triều phục, biểu tượng quyền lực (kiếm và ấn triện) bằng vàng, bạc, ngọc ngà... luôn kích thích sự hiếu kỳ của người đời cũng như thu hút sự quan tâm của xã hội.
Người ta không thể không quan tâm, hiếu kỳ khi thi thoảng lại nở rộ thông tin có người tìm thấy nải chuối bằng vàng, con ngựa bằng vàng, pho tượng bằng vàng... tại ngôi cổ mộ, cánh đồng hay khu rẫy nào đó.
Trong một thời gian dài, chuyện về những kho báu của vua Chàm được người đời thêu dệt thành những huyền thoại. Người ta đồn đại và tin rằng những kho báu ấy từng một thời ẩn sâu trong lòng đất, được trấn giữ bởi những trinh nữ bị táng sống để bảo vệ bảo vật của vua. Và cũng có lời đồn, những kho bảo vật ấy đã biến mất theo dấu vết của thời gian, chiến tranh và những cuộc tàn phá, cướp bóc thuở lịch sử nhuốm đầy "mùi" binh đao, khói lửa.
Lễ hội Kate của đồng bào dân tộc Chăm ở Ninh Thuận. Ảnh: Ninh Thuận. |
Tương truyền, kho báu của vua Chàm với muôn vàn ngọc ngà châu báu… phần lớn ẩn giữa rừng sâu, và được gìn giữ bởi tộc người Churu và Raglai. Hơn 170 năm trước, các bảo vật Chàm vẫn do các thế hệ con cháu vua Chàm giữ. Thế nhưng từ năm 1831, các bảo vật Chàm trải qua quá trình lưu lạc và thất lạc nhiều. Chỉ còn một số bảo vật được con cháu vua Chàm gửi người Raglai và Churu giữ hộ.
Đến nay, người Chàm cũng không có ý định thu hồi vì giữa người Raglai và người Chàm có mối quan hệ mật thiết, gần gũi như anh em. Hơn nữa, với bản chất thật thà lại được sự gửi gắm kỳ vọng, bao năm qua người Raglai vẫn thủy chung, cố tâm gìn giữ những báu vật, không có ý định chiếm hữu làm của riêng.
Với những tín đồ sưu tầm đồ cổ, những báu vật của vua Chàm đến nay vẫn có sức hút lạ kỳ. Không ít người vẫn ao ước tìm được vài báu vật quý hiếm đó.
Tán gia bại sản vì... kho báu khổng lồ thế kỷ 19
Người dân xã Vĩnh Phúc thu thập được một số tài liệu về kho báu khổng lồ ở Hà Giang của toán quân khởi xướng phong trào Quảng Mã. Đây là phong trào chống Pháp sôi sục ở Hà Giang hồi cuối thế kỷ 19 do ba anh em kết nghĩa Hoàng Đình Cắm, Nguyễn Đình Thái và Tăng Văn Dần đứng đầu.
Những món đồ cổ lạ được người dân tìm thấy quanh khu khai quật kho báu. |
Ông Lò Văn Quán, một cán bộ nghỉ hưu ở thành phố Hà Giang kể lại, dựa trên một số tư liệu lịch sử, khi nghĩa quân của phong trào Quảng Mã giải tán đã chôn giấu kim ngân, tiền bạc ở lại căn cứ.
Nơi cất giấu kho báu, theo lời kể là khoảnh đất dưới chân một ngọn núi thấp ở thôn Vĩnh Chà, bây giờ người ta quen gọi là núi Bạc. Không có thông tin nào nói chính xác về số lượng của cải trong kho báu, mà chỉ có lời đồn đại để chôn cất số của cải, vũ khí trên, người ta đã huy động cả mấy chục người hì hục đào lấp hơn chục đêm mới xong.
Thông tin về kho báu trên chỉ vỏn vẹn có vậy nhưng theo ông Quán, những năm qua, nhiều người dân khi thì bí mật, khi thì công khai tìm kiếm. Rầm rộ nhất là cuộc tìm kiếm của cha con ông Hứa Văn Dự ở thôn Vĩnh Chà. Cha con ông Dự đã đầu tư cả cơ nghiệp cho hai cuộc tìm kiếm, khai quật quy mô lớn bởi họ có niềm tin lớn là sẽ tìm được những gì tiền nhân để lại.
Nơi anh em ông An khai quật kho báu giờ đã thành ao. |
Ông Hứa Văn An, em trai ông Dự, cũng bỏ nhiều của cải, công sức tìm kiếm kho báu. Bằng rất nhiều cách, đào bới, và dùng cả thuốc nổ mong tìm kho báu nhưng cuối cùng ông An vẫn thất bại. Đang tìm kiếm thì bất ngờ ông An bị ốm, toàn thân đau nhức, khám không ra bệnh và không thầy thuốc nào chữa khỏi. Thầy cúng “phán” ông bị “người âm bắt vạ”, nên ông An mới chịu dừng công cuộc tìm kiếm vì sợ hãi.
Từ những lời đồn, hoặc những thông tin không mấy xác thực, nhiều người đã không tiếc công tìm mọi cách "chinh phục" kho báu. Tiền, vàng và công sức của người tìm kiếm thì thấy rõ, nhưng kho báu khổng lồ vẫn cứ là bí ẩn chưa có lời giải đáp.
Theo Kienthuc