Băn khoăn "phương án tối ưu"
Thông tin mới nhất vừa chính thức được UBND TP. Hà Nội xác nhận, cuối tháng 2/2013, cơ quan này đã có văn bản chấp thuận đề nghị của Sở Quy hoạch Kiến trúc (Sở QHKT) về việc giữ nguyên địa điểm quy hoạch ga C9 (thuộc Dự án ĐTXD tuyến đường sắt đô thị số 2, TP. Hà Nội). Theo đó, một nhà ga quy mô sẽ được xây dựng ngầm dưới lòng đất đoạn đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước cổng Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội).
Theo thuyết trình của Sở QHKT Hà Nội, đây là ga chìm hoàn toàn dưới lòng đất, sẽ chỉ có đường lên xuống là phần nổi, hạng mục này có giải pháp thiết kế đẹp, trồng cây xanh che phủ và lắp ánh điện. Việc thẩm định, lựa chọn địa điểm quy hoạch ga C9 đã bắt đầu được tiến hành từ năm 2010.
Khi đó, có 3 phương án đề xuất, phương án A đặt tại vườn hoa trước đền Ngọc Sơn gần khu vực đền Bà Kiệu; phương án B cách vị trí phương án A 60m về phía Nam, nằm trên đường Đinh Tiên Hoàng, phía trước EVN Hà Nội và phương án cách vị trí A 185m, nằm dưới khu phố cổ, bao gồm cả Nhà hát múa rối Thăng Long.
Một nhà ga ngầm hiện đại liệu có đáng phải đánh đổi nhiều di tích Văn hóa Lịch sử.
Sau nhiều lần nâng lên hạ xuống, cuối cùng đơn vị nghiên cứu đã đề xuất chọn phương án B - là phương án hợp lý nhất đặt ga C9. Lý giải cho phương án được lựa chọn, ông Dương Đức Tuấn, phó Giám đốc Sở QHKT Hà Nội cho hay:
“Vị trí này sẽ giảm thiểu tác động và bảo tồn khu vực di tích của Hồ Gươm (gồm cả Tháp Bút và đền Bà Kiệu) hơn phương án A. Hơn nữa, đặt ga tại vị trí này du khách có khả năng tiếp cận thuận tiện vườn hoa Lý Thái Tổ, Bưu điện Thành phố và khu phố thương mại Tràng Tiền. Chúng tôi luôn thận trọng và ý thức rất rõ việc bảo vệ không gian Hồ Gươm".
"Do vậy, việc quy hoạch tổng mặt bằng sẽ được cơ quan tư vấn của nước ngoài, chủ đầu tư dự án và các cấp, ngành nghiên cứu chi tiết, kỹ lưỡng trước khi trình duyệt", ông Tuấn nói.
Phương án phê duyệt chưa ráo mực, ngay lập tức đã nhận được phản ứng với những ý kiến e ngại về di sản trong lòng đất khu vực Hồ Gươm nơi trước đây và hiện tại có khá nhiều di tích Văn hóa Lịch sử, khi tính toán làm ngầm sẽ khó tránh những điều bất thường xảy ra.
50 di tích văn hóa - lịch sử sẽ "lung lay"?
Mặc dù cả Sở QHKT và UBND TP. Hà Nội vẫn một mực bảo lưu ý kiến về việc lựa chọn "bãi đáp" cho nhà ga C9, tuy nhiên nhiều kiến trúc sư và chuyên gia trong lĩnh vực môi trường đã bắt đầu bày tỏ nỗi lo ngại về mức độ va chạm giữa nhà ga ngầm C9 và môi trường sinh thái của Hồ Gươm - có giá trị lớn lao trong lịch sử dân tộc và đời sống tinh thần của người dân Việt Nam.
GS. Hà Đình Đức - nhà nghiên cứu về Hồ Gươm cho biết: "Tôi tiếp cận dự án này từ nhiều năm trước. Khi đó, Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và phát triển bền vững, trường đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội mời tôi kiểm kê các di tích văn hóa lịch sử mà tuyến tàu điện ngầm đi qua. Tôi đã thống kê được tất cả 50 di tích nằm trên 4 tuyến đường dự kiến.
Bẵng đi một thời gian, mới đây một người đại diện cho ông Daisuke Oura, chuyên gia phân tích môi trường thuộc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản đã đến tìm gặp tôi để tham khảo ý kiến về việc tuyến đường tàu điện ngầm đi qua đường Đinh Tiên Hoàng và Lê Thái Tổ. Vì thế tôi thấy rất cần phải lên tiếng".
Hồ Gươm sẽ bị xáo trộn khi Hà Nội thực hiện dự án nhà ga ngầm?
Khi được hỏi về vấn đề này, ông Dương Trung Quốc cũng lo ngại không kém: "Đối với việc đặt nhà ga ở cạnh Hồ Hoàn Kiếm, tôi cũng băn khoăn rằng công trình ngầm ở phố Đinh Tiên Hoàng có gây ảnh hưởng gì đến mực nước Hồ Gươm hay không. Chúng ta biết rằng, Hồ Hoàn Kiếm là phần còn lại của sông Hồng khi dịch chuyển.
Nước sông Hồng hình như vẫn thẩm thấu vào lòng Hồ Hoàn Kiếm như Hồ Tây, vì có hiện tượng khi nước sông Hồng lên thì nước trong lòng hồ Hoàn Kiếm cũng đầy hơn. Vậy các khối bê tông có làm ảnh hưởng đến sinh thái tự nhiên của hồ hay không? Điều này phải để cho các nhà chuyên môn trả lời".
Ông Dương Trung Quốc cũng cho rằng, chọn địa điểm nào phải hết sức cân nhắc, có thể tiếp cận đến khu di tích, nhưng chọn vị trí nào để không tạo ra sự phản cảm, nhất là về mặt tâm linh. Hồ Hoàn Kiếm không chỉ là thắng cảnh, mà đối với người Việt Nam, nó như là linh hồn của Hà Nội.
"Tôi cho rằng, khi làm đường tàu điện ngầm này, điều cần cân nhắc không phải chỉ là vấn đề kỹ thuật giao thông, vạch ra một con đường là xong. Việc này, Ban Dự án ngoài việc thảo luận với ngành văn hoá thì cũng cần thảo luận với các nhà khoa học để tạo dựng sự thông suốt trong người dân.
Ví dụ, chuyện long mạch chẳng hạn. Đây là một chuyện cũng phải bàn cho người dân thông. Nếu không, nó có thể tác động vào một công trình mang lại lợi ích cho dân nhưng lại để dân băn khoăn. Đó là một nghịch lý!", ông Dương Trung Quốc bày tỏ quan điểm.
GS.TS. Đặng Đình Kim, Viện Công nghệ môi trường cho hay: "Tôi đã nghe thông tin về việc xây dựng ga ngầm cạnh Hồ Gươm. Tuy nhiên, hiện chưa có nghiên cứu kỹ về mức ảnh hưởng đến nước hồ nên rất khó xác định. Nhưng không ngoại trừ khả năng sẽ có ảnh hưởng".
Chính vì thế, khi PV đặt câu hỏi, KTS Trần Huy Ánh phân tích: Đối với các đô thị có đường sắt đô thị, việc xuất hiện ga ngầm ở các vị trí tương tự sẽ làm thay đổi đáng kể hạ tầng kỹ thuật, không gian ngầm và mặt đất cũng như giá trị kinh tế đô thị, văn hóa, giao dịch và mô hình dịch vụ thương mại.
Điều quan trọng nhất trước những dự án này, nếu được cung cấp đầy đủ thông tin, có sự đóng góp của đông đảo các chuyên gia, thảo luận rộng rãi của các bên liên quan sẽ tạo động lực lớn và cơ hội phát triển đô thị. "Hy vọng thành phố Hà Nội sẽ không bỏ lỡ cơ hội này", KTS Trần Huy Ánh nói.
Thậm chí, nhiều chuyên gia nghiên cứu về Hồ Gươm còn bày tỏ lo ngại bởi độ sâu Hồ Gươm rất khác biệt, chỗ sâu nhất là 1,2m còn độ sâu trung bình chỉ khoảng 0,8 - 0,9m. Nếu áp dụng kỹ thuật đào đường hầm bằng công nghệ ép với áp lực cao thì đáy Hồ Gươm sẽ bị đội lên là điều chắc chắn bởi vì vùng này mềm và không có điểm tựa khi bị dồn ép. Nó tiềm ẩn nhiều nguy cơ rất khó lường.
Theo Nguoiduatin