Tổng thống Barack Obama đã thay mặt nhân dân Mỹ gửi những lời chúc mừng nồng nhiệt đến tân Giáo hoàng Francis I ngay sau khi biết thông tin Vatican có Giáo hoàng Mỹ Latin đầu tiên.
"Như một nhà vô địch của tầng lớp dân nghèo và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta, ông ấy đã mang đến thông điệp của tình yêu và lòng từ bi, nguồn cảm hứng cho thế giới hơn 2.000 năm nay, khiến chúng ta nhìn thấy gương mặt của Chúa trong nhau", ông Obama nói.
"Sự lựa chọn ông cũng thể hiện sức mạnh và sức sống của một khu vực đang ngày càng hình thành nên thế giới của chúng ta, và cùng hàng triệu người Mỹ gốc Tây Ban Nha xin chia sẻ niềm vui với ngày lịch sử này", ông nói thêm. "Cũng như tôi từng đánh giá cao cựu Giáo hoàng Benedict XVI, tôi mong chờ ngài sẽ cùng thúc đẩy hòa bình, an ninh và phẩm giá đến đồng loại của chúng ta, bất kể đức tin của họ là gì".
Hồng y Jorge Bergoglio vẫy tay chào giáo dân từ ban công Vương cung Thánh đường
Thánh Phêrô sau khi được bầu làm Giáo hoàng thứ 266 của Giáo hội
Phó tổng thống Mỹ Joe Biden, một tín đồ Công giáo, sẽ đại diện Mỹ đến Rome tham dự lễ nhậm chức của Giáo hoàng Francis I vào thứ ba tuần sau. "Tôi rất hạnh phúc khi có cơ hội được gửi những lời chúc tốt đẹp của cá nhân tôi và cả người dân Mỹ", ông nói trong một thông cáo.
"Giáo hội Công giáo đóng một vai trò thiết yếu trong cuộc sống của tôi cũng như hơn một tỷ tín đồ ở Mỹ và trên khắp thế giới, không chỉ về đức tin mà còn về cả khát khao vươn tới hòa bình và phẩm giá con người cho tất cả mọi đức tin", ông nói.
Khoảng một phần tư người Mỹ, tương đương 80 triệu người, là tín đồ Công giáo, nhóm quốc gia lớn thứ tư về Công giáo trên toàn cầu.
Liên minh Châu Âu (EU) cũng gửi những lời chúc mừng chân thành đến tân Giáo hoàng Francis của Argentina, kêu gọi ông thúc đẩy hòa bình, đoàn kết và phẩm giá con người trong một thế giới đang biến đổi nhanh chóng.
"Chúng tôi chúc ngài một nhiệm kỳ dài lâu và may mắn, để Đức Giáo hoàng và Giáo hội bảo vệ và thúc đẩy những giá trị cơ bản của hòa bình, đoàn kết và phẩm giá con người", thông cáo chung của các quan chức đứng đầu EU có đoạn. "Chúng tôi tin rằng Đức Giáo hoàng sẽ kế tục sự quyết đoán và sức mạnh của người tiền nhiệm để mang người dân và các tôn giáo trên thế giới xích lại gần nhau".
Thủ tướng Australia Julia Gillard hôm nay cũng ca ngợi việc lựa chọn Giáo hoàng Francis I là "một mốc lịch sử thực sự". Australia là nơi sinh sống của hơn 5 triệu giáo dân và bà Gillard, một người vô thần, cho biết bà đồng cảm với họ khi Hồng y Jorge Mario Bergoglio được xướng tên thay thế cựu Giáo hoàng Benedict XVI.
"Hôm nay là một ngày ý nghĩa với giáo dân Australia và có lẽ rất đặc biệt với những người Australia gốc Argentina", bà nói.
Đức Tổng Giám Mục Denis Hart, chủ tịch của Hội đồng Giám mục Công giáo Australia, cơ quan quốc gia của Giám mục Australia, cho hay Giáo hoàng Francis nổi tiếng với cam kết thực hiện giáo lý, công bằng xã hội và là một người rất khiêm tốn.
"Sự lựa chọn này là một dấu hiệu gửi đến các tín đồ ở Mỹ Latin và trên toàn thế giới rằng tất cả mọi người đều được mời đi theo bên Chúa", ông Hart nói. Ông nói thêm rằng ông sẽ viết thư cho Đức Giáo Hoàng thay mặt cho tất cả người dân Australia cam kết trung thành và ủng hộ ngài.
Đức Hồng y Jorge Mario Bergoglio, 76 tuổi, trở thành lãnh đạo của 1,2 tỷ tín đồ Công giáo sau 5 vòng bỏ phiếu ở Tòa thánh Vatican, nhiều hơn một vòng so với cuộc bầu chọn cựu Giáo hoàng Benedict XVI năm 2005. Ông là Giáo hoàng thứ 266 trong lịch sử 2.000 năm của Giáo hội.
Theo VNE