Tại cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch cúm gia cầm và lở mồm long móng do Cục Thú y chủ trì diễn ra chiều 2/4, vấn đề nóng đang gây hoang mang trong dư luận là xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới (H7N9) tại Trung Quốc gây chết người nhưng chưa có vắc xin đặc trị.
Trong cuộc họp, ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Cuối tháng 3 vừa qua, tại Trung Quốc đã phát hiện có 3 người nhiễm virus cúm gia cầm H7N9, đây là những ca bệnh đầu tiên trên thế giới nhiễm chủng virus cúm mới này và đã có 2 trường hợp tử vong, trường hợp thứ 3 đang trong tình trạng nguy cấp.
Hiện ở Trung Quốc và các nước trên thế giới chưa sản xuất được vắc xin cúm gia cầm chủng H7N9 để tiêm phòng cho đàn gia cầm”.
Nhập lậu chưa được kiểm soát khiến người dân lo ngại nguy cơ xuất hiện chủng virus cúm gia cầm mới ở nước ta trong thời gian tới. Ảnh: PT |
Cũng trong cuộc họp, nhiều ý kiến chỉ ra, tình trạng nhập lậu gia cầm và con giống vào nước ta tuy đã được kiểm soát, nhưng vẫn chưa triệt để, tại một số địa phương gà nhập lậu vẫn được bày bán công khai dưới hình thức nhỏ lẻ.
Giá con giống gia cầm trong nước và bên kia biên giới chênh lệch lớn khiến đầu nậu vẫn tiếp tục nhập con giống gia cầm vào nước ta. Điều đó gây tâm lý lo ngại chủng virus cúm gia cầm mới sẽ xuất hiện ở nước ta.
Ông Vũ Văn Hòa – Phó trưởng phòng kiểm soát chất lượng hàng hóa – Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết:
“Thời gian gần đây, chúng tôi đi khảo sát ở các chợ trên Cao Bằng, Hà Vĩ, Phú Xuyên vẫn thấy bày bán gia cầm nhập lậu công khai nhưng nhỏ lẻ. Tình trạng nhập lậu con giống giảm so với giai đoạn trước nhưng do biến động giá, hiện giá gà giống tăng khoảng 20% nên là nguyên nhân khiến tình trạng nhập lậu gà giống vẫn diễn ra khó ngăn chặn triệt để”.
Tiếp lời về vấn đề nhập lậu gà giống, ông Đông cho biết: “Trong những ngày vừa qua, các cơ quan chức năng tại tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh đã tổ chức bắt giữ, tiêu hủy hàng chục nghìn con gà giống và hàng tấn gà loại thải nhập lậu qua biên giới”.
Để chủ động ngăn chặn sự xâm nhiễm chủng virus cúm gia cầm mới (H7N9) từ nước ngoài vào Việt Nam có hiệu quả, không để lây lan dịch bệnh cho người và gia cầm, sáng ngày 2/4 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã có công điện khẩn gửi các địa phương về việc tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua các tỉnh biên giới phía Bắc.
Công điện khẩn Bộ NN&PTNT đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung Ương, các tỉnh biên giới phía Bắc cần thực hiện các nhiệm vụ: Nghiêm cấm tất cả các hình thức vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới các tỉnh phía Bắc.
Bao gồm cả hình thức cho, tặng gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới của các tổ chức, cá nhân; các ban ngành của địa phương và các lực lượng liên quan như Bộ đội biên phòng, hải quan, công an, quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với lực lượng thú y tổ chức giám sát tại các thôn bản, các khu tập kết buôn bán gia cầm nhằm phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc; tăng cường tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về nguy cơ lây nhiễm chủng virus cúm gia cầm mới H7N9 cho người gây tử vong…
Hiện nay, bệnh cúm gia cầm, lở mồm long móng, dịch tai xanh ở nước ta vẫn chưa được kiểm soát. Thời tiết là một trong những yếu tố tác động đến công tác phòng chống dịch bệnh.
Trong những ngày vừa qua, dịch lở mồm long móng và tai xanh trên gia súc vẫn tiếp tục bùng phát ổ dịch mới tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Tĩnh. Các ổ dịch cũ ở một số tỉnh như Nghệ An, Bắc Ninh tiếp tục lây lan rộng. Dịch bệnh lở mồm long móng và tai xanh tại các tỉnh Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đều chưa qua 21 ngày.
Theo Infonet