Phải chăng ông Kim Jong-un muốn "tự sát"?

Thứ tư, 10/04/2013, 10:07
Nhìn bề ngoài, có vẻ như Triều Tiên muốn có chiến tranh. Nhưng xét đến các vấn đề nội bộ phức tạp, sự việc lại không phải như vậy.

Triều Tiên lại một lần nữa đề nghị nhân viên sứ quán nước ngoài rời Bình Nhưỡng, ám chỉ phóng tên lửa bay qua Nhật Bản sau ngày 10/4 và không loại trừ khả năng vụ phóng tên lửa có thể dẫn đến xung đột vũ trang…

Những động thái như vậy khiến người ta nghĩ rằng Triều Tiên cố tình kích động cuộc xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên. Không phải ngẫu nhiên mà Nhật Bản đang triển khai hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot và cùng với Mỹ tập trung các tàu khu trục mang tên lửa ở vùng biển Nhật Bản. Quân đội Hàn Quốc sẵn sàng giáng đòn mạnh mẽ đáp trả bất kỳ hành động khiêu khích của Triều Tiên.
 
 
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un và vợ.
 
Xét đến sức mạnh quân sự của Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, chẳng nghi ngờ gì nữa, cuộc xung đột vũ trang tiềm năng sẽ kết thúc rất nhanh, với kết cục thật đáng buồn cho Triều Tiên. Nhiều khả năng, nó sẽ dẫn đến sự sụp đổ chế độ ở Bình Nhưỡng. 
 
Ban lãnh đạo Triều Tiên cũng hiểu điều đó và câu hỏi được đặt ra là  phải chăng ông Kim Jong-un là người muốn tự sát? 
 
Nhà phân tích Andrei Ivanov của Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Trường Đại học MGIMO nói: “Phải nhớ rằng, khi còn trẻ, ông Kim Jong-un đã từng học tập tại trường học ưu tú ở Thụy Sĩ. Ông đã thấy cuộc sống ở châu Âu là như thế nào và ông có thể so sánh với cuộc sống nghèo khổ của đại đa số người dân CHDCND Triều Tiên.
 
Chắc là, ông nhận thức được rằng, phương pháp duy nhất để duy trì chế độ này là thực hiện cuộc cải cách theo từng giai đoạn. Có lẽ, ông Kim Jong-un sẵn sàng thực hiện bước đi này. Ngay sau khi ông được bổ nhiệm vào các vị trí cao nhất, đã xuất hiện thông tin về việc tân lãnh đạo Triều Tiên có kế hoạch thực hiện một số cải cách thị trường.
 
Không phải ngẫu nhiên mà  ông Kim Jong-un đã tái bổ nhiệm nhà cải cách kinh tế nổi tiếng Pak Pong-ju làm thủ tướng. Tuy nhiên, có vẻ như bước đi này của Kim Jong-un đã gây ra phản ứng gay gắt từ giới quân sự Triều Tiên. Do đó, ông Kim Jong-un phải đấu tranh, gạt những quân nhân chuyên nghiệp khỏi Bộ chỉ huy lực lượng vũ trang”.
 
Cuộc tranh giành quyền lực này quả không dễ dàng. Có lẽ, đối với ông Kim Jong-un, việc động viên toàn dân và tầng lớp thượng lưu trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù bên ngoài là một bước đi bắt buộc nhằm củng cố vị thế của ông trong cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Bình Nhưỡng. Theo ông Ivanov, những lời tuyên bố hiếu chiến kêu gọi đánh bại kẻ thù bên ngoài trước hết hướng tới người dân Triều Tiên.
 
Vấn đề chính là “kẻ thù bên ngoài” không nên coi những lời tuyên bố hiếu chiến của Bình Nhưỡng là thật. Theo tin từ Seoul, người dân Hàn Quốc không mấy quan tâm đến các hành động gần đây của ông Kim Jong-un, coi đó là những lời nói hướng tới người dân ở miền Bắc Triều Tiên. 
 
Nhưng, quân đội Hàn Quốc, đặc biệt là giới quân sự ở Mỹ và Nhật Bản, có thể đánh giá không đúng mức “trò chơi này” của nhà lãnh đạo trẻ tuổi Kim Jong-un và coi hành động hiếu chiến nghiêm trọng. 
 
Có thể thấy rằng trò chơi “bên miệng hố chiến tranh” của ông Kim Jong-un là rất mạo hiểm, khi tình hình bán đảo Triều Tiên đang chực chờ bùng phát và một sai lầm nhỏ cũng có thể dẫn đến những hậu quả vô cùng thảm khốc.
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn