Đau đầu dịch "mật mã" của người yêu tuổi teen

Thứ ba, 09/04/2013, 17:38
Trung khoe một đoạn tin nhắn anh gửi tối qua: "E ju, de a ns e ngke dieu n4y nhe: 1+1=2, 2 k0n mat 4nk nkjn e. 2+3=5, 5 ji4k qu4n a nk0 ve e. 5+2=7, 7 ng4y 1 tu4n a nk0 e. 7+5=12, 12 tk4ng 1 n4m a m0 ve e va 99+1=100, 100 n4m a k4n ko 1ng nku e pen kank. A ju e, h4y d0ng y l4m ng ju a nke!!!".

Trong một chuyến đi chơi cùng người bạn thân, Trung (kỹ sư tin học 28 tuổi) trúng "tiếng sét ái tình" với một cô gái thuộc thế hệ 9x. Gian nan nhất trên con đường chinh phục là hiểu được ngôn ngữ tuổi teen của nàng.

Trung kể, sau lần về quê đi tết thầy cô 20/11, anh "cảm" cô bé tên Nhi, sinh 1994. Nhi là lớp trưởng lớp cô giáo anh chủ nhiệm năm ngoái và giờ đang là sinh viên năm nhất một trường nghệ thuật ở Hà Nội, chuyên ngành vẽ. Theo Trung, rào cản lớn nhất ngăn cách anh với Nhi không phải khoảng cách văn hóa, tâm tư hai thế hệ mà ở ngôn ngữ xa lạ của nàng.

"Nàng hồn nhiên và nhắng nhít. Ở nàng toát lên vẻ đáng yêu, trong sáng như sương mai. Song thế giới của nàng quá xa lạ với một gã từ xưa tới nay chỉ biết vùi đầu vào công nghệ như tôi. Nhất là ngôn ngữ nhắn tin nhắng nhít của nàng khiến tôi ôm khư khư chiếc điện thoại cả tối cũng không sao dịch ra được", Trung tâm sự.

Trung vò đầu, day dứt, chia sẻ thời gian đầu chỉ còn cách chuyển tin nhắn cho người bạn thân dịch hộ. Lường trước chuyện nếu người yêu tương lai biết sẽ nghĩ mình không thật lòng, song cậu không còn cách nào khác.

"Vì chơi thân với thằng bạn từ thời để chỏm, ra đại học rồi đi làm lại ở cùng nhau nên tôi với nó không giấu giếm nhau điều gì. Nó cũng như tôi bây giờ, trước đây phải 'hoa mắt chóng mặt' với lối nhắn tin của bạn gái. Sau một thời gian, nó học nhanh lắm, giờ nhắn tin như một 9X thứ thiệt. Thành thử giờ mỗi tin nhắn Nhi gửi đến tôi đều phải nhờ nó dịch hộ. Ngược lại, lúc nhắn tin đi lại phải đọc nhờ nó soạn", Trung tiết lộ.

Anh dẫn ví dụ, muốn nhắn câu: " Châu Âu ngủ, Châu Á cũng đang ngủ, Châu Mỹ đang tối dần, chỉ có đôi mắt đẹp nhất thế giới này của em đang đọc tin nhắn của anh" thì sau khi chuyển qua tay người bạn sẽ thành "Ck4u 4u ngu. Ck4u 4' cx d4g ngu, ck4u Mj d4ng t0i d4n, ckj c0 d0j m4t' ep nk4t' tren tke ji0j n4y cu4 e d4ng d0c tn cu4 a".

tuoi teen

Nhiều người không hiểu được ngôn ngữ nhắn tin của 9X

Theo Trung, ngày xưa trai gái yêu nhau qua thư từ, còn ngày nay tình yêu lại nảy nở qua tin nhắn. Nhờ những tin nhắn qua điện thoại, Facebook mà anh tiến gần hơn đến Nhi. Có lẽ vì vậy hơn một tháng qua lại, tình cảm của Trung có những bước ngoặt. Giờ anh cũng đã làm quen được với lối nhắn tin mới chỉ dành riêng cho cô bạn gái tuổi teen.

Trung khoe một đoạn tin nhắn anh gửi tối qua: "E ju, de a ns e ngke dieu n4y nhe: 1+1=2, 2 k0n mat 4nk nkjn e. 2+3=5, 5 ji4k qu4n a nk0 ve e. 5+2=7, 7 ng4y 1 tu4n a nk0 e. 7+5=12, 12 tk4ng 1 n4m a m0 ve e va 99+1=100, 100 n4m a k4n ko 1ng nku e pen kank. A ju e, h4y d0ng y l4m ng ju a nke!!!".

Câu này dịch thành: "Em yêu, để anh nói em nghe điều này nhé: 1+1=2, 2 con mắt anh nhìn em. 2+3=5, 5 giác quan anh nhớ về em. 5+2=7, 7 ngày một tuần anh nhớ em.7+5=12,12 tháng 1 năm anh mơ về em. và 99+1=100, 100 năm anh cần có 1 người như e bên cạnh. Anh yêu em, hãy đồng ý làm người yêu anh nhé!"

Quỳnh Nga, sinh năm 1994 giải thích một vài từ trong ngôn ngữ nhắn tin của thế hệ mình. Ví dụ, ck: chồng, vk: vợ, S2: trái tim, pýt òy: biết rồi, tóa: quá, mềnh: mình... Trong ngôn ngữ nhắn tin của Nga, chữ "c", chữ "h" được thay bằng chữ "k", "yêu" bằng "ju", chữ "o" bằng số "0" ... Một câu như "Vk ơi! Vk an k0m ckua, dang lz gi tke?", dịch ra là "Vợ ơi! Vợ ăn cơm chưa, đang làm gì thế?

Nga chia sẻ thời học sinh thì "ngôn ngữ" này là đặc thù trong giới trẻ của cô, hoàn toàn không có trở ngại gì lớn vì đa phần tin nhắn này chỉ dùng giao tiếp với bạn bè. Từ khi Nga lên đại học, mối quan hệ cũng mở rộng, đôi khi cách nhắn tin này trở nên bất lợi.

"Mình tham gia hội sinh viên của trường, chơi với nhiều anh chị khóa trên. Cũng cùng thế hệ 9x thôi nhưng các anh chị ấy không nhắn tin kiểu này. Tin nhắn của mình làm họ khó hiểu. Từng có người chê cách nhắn tin của mình làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, nói là một tin nhắn đôi khi thể hiện độ chín chắn nên khuyên mình sửa", Nga cho biết.

Dù vậy, Nga vẫn giữ "ngôn ngữ" này khi giao tiếp với các bạn, còn khi trò chuyện với người lớn cô đành sửa đi đôi chút. Cô cũng nghĩ đôi khi ngôn ngữ nhắn tin kiểu "mật mã" sẽ khiến người lớn bớt dòm ngó hơn.

"Mọi người cứ chê cách nhắn tin khó hiểu của chúng mình nhưng mình thấy nó nhanh, một vài từ thể hiện được cảm xúc luôn trong đó mà cũng đâu khó hiểu lắm. Trước đây thời cấp 2, cấp 3 bọn mình còn truyền nhau các kiểu kí hiệu y như tiếng Trung luôn mà vẫn thấy dễ hiểu thôi", Nga bày tỏ.

Theo PGS  tâm lý Huỳnh Văn Sơn  (Trưởng bộ môn Tâm lý học – Trường Đại học Sư phạm TP HCM), việc các bạn trẻ học nhau ngôn ngữ teen là điều cũng bình thường nhưng đừng nên chuyển ngữ của mình một cách quá đáng. Ngôn ngữ teen xét ở một góc độ nào đó cũng có những điểm đáng yêu, dễ thương, bộc lộ một chút cảm xúc... Nhưng điều quan trọng là cần đảm bảo sự phù hợp với người sử dụng, phù hợp với ngữ cảnh và không được lạm dụng.

Bên cạnh đó, hãy ý thức rằng việc sử dụng ngôn ngữ teen về lâu về dài ở một góc độ khác có thể làm cho ngôn ngữ giao tiếp có nguy cơ biến dạng, ảnh hưởng tiêu cực đến ngôn ngữ mẹ đẻ.

Vì vậy, cần chọn lọc khi sử dụng ngôn ngữ giao tiếp và hãy nhớ rằng tin nhắn và một vài kiểu giao tiếp trên mail mà đặc biệt là khi chat chỉ được sử dụng một cách chừng mực chứ không nên thái quá. Quan trọng nhất là cần làm chủ chính mình trước những diễn tiến của cuộc sống và sự “thay đổi” của ngôn ngữ thực dụng là điều cần chú ý.

Theo VNE

Các tin cũ hơn