Nữ phó phòng quậy phá: "Người ta tố cáo tôi cho vui"

Thứ tư, 17/04/2013, 17:53
Trần Hồng Ly suy đoán, những người tố cáo thấy chị vắng mặt ở cơ quan nên buồn nhớ hoặc rảnh không có việc gì làm nên tố cáo cho vui.

Chị Trần Hồng Ly (Phó Phòng Quản lý doanh nghiệp - lao động, Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Trà Vinh), người phụ nữ đang gây chú ý dư luận trong suốt tuần qua đã lên tiếng xung quanh tin cho rằng chị có hành vi “xông vào UBND tỉnh Trà Vình đập xe chủ tịch tỉnh, quậy phá”. Hiện chị mang thai 8 tuần nhưng đã chịu nhiều áp lực xã hội và ngã bệnh.

Sáng 12/4, chị Trần Hồng Ly cho hay, chuyện đập phá là không có. Hôm đó là ngày 8/1, chị đang đi ôn thi cao học ở Cần Thơ. Trước khi đi Cần Thơ, thấy chìa khóa nhà bị hỏng nên buổi trưa đó, chị Ly nhờ anh Xuân, là chồng của một người bà con và cũng là tài xế của ông Trần Khiêu, Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân tỉnh Trà Vinh đi sửa giúp.

Chị Trần Hồng Ly cho rằng mình đang mang bầu, xung quanh lại có nhiều bảo vệ
nên không thể quậy phá như những thông tin đã đưa

Về nhà buổi tối, chị mới chạy qua UBND tỉnh trên đường Lê Lợi tìm anh Xuân để lấy chìa khóa nhà. "Lẽ ra đến cổng, tôi phải xuống dẫn xe vào, nhưng do gấp quá, hơn nữa thấy chốt bảo vệ không có ai ngồi, tôi chạy thẳng xe vào trong, định lấy chìa khóa xong đi ra liền.

Chưa được 3 mét, có khoảng 4 bảo vệ xuất hiện, đằng đằng sát khí, tay xách đèn pin, roi điện, còng số 8… nạt nộ, chặn tôi lại. Một bảo vệ lấy roi điện đập vào đầu chiếc xe SH của tôi", chị Ly trần tình.

Lúc đó, nữ phó phòng lấy điện thoại ra, định gọi cho anh Xuân, xem anh đang ở đâu, thì một người trong đội bảo vệ nhào đến, giật điện thoại và đập xuống đất. Tức quá, chị Ly mới lời qua tiếng lại, nói những lời lớn tiếng. Một hồi sau, họ mới chú ý đến biển số đẹp của chiếc xe chị đi, rồi điện thoại cho Trường công an Thành phố Trà Vinh hỏi về chị Ly. Biết cùng là công chức nhà nước, họ mới cho về.

Chị Ly bức xúc: "Nếu như tôi có những hành động ngang ngược kiểu giang hồ như vậy, vị trí của tôi thế này, ban đêm ban hôm tôi vào đó, đội bảo vệ có gần chục người. Rồi cả anh Bình, trưởng Công an Phường 1 cũng chạy đến.

"Thử suy nghĩ đi, tôi có một mình, lại mang thai, tôi đủ sức đạp xe, đập cửa không? Nếu tôi có đập phá, dấu vết hư hại vẫn còn ở đó chứ? Nếu nói anh Ba (ông Trần Khiêu) bao che cho tôi, thử hỏi cánh cửa bị tôi đập, anh Ba bao che được không? Không lẽ anh Ba đường đường là một Chủ tịch tỉnh, chẳng lẽ bỏ tiền ra sửa cánh cửa để bao che? Chuyện sửa cửa kính bị nứt như một số báo chí đưa tin, phải thông qua phòng Quản trị. Mọi người cứ qua phòng quản trị hỏi, xem có sửa cánh cửa nào không?".

Nói tôi đập bể kính chiếc xe Land Cruiser của anh Ba, tôi đủ sức đập bể cái kính dầy như vậy sao? Chiếc kính đó hơn 10 triệu đồng, tôi đâu có điên khùng mà đập để đền? Mà nếu tôi có đập, 4 anh bảo vệ cao, to ở đó chắc cũng không hiền lành, nhu nhược, đứng yên để tôi thoải mái hành động".

Chị Ly cho rằng có người đã thêu dệt câu chuyện để chị thành một người ngang ngược, điên cuồng, không ra gì. Trong cuộc họp chi bộ để kiểm điểm, khai trừ Đảng, không thấy nhắc đến hành vi đập phá mà chỉ nói là “hiên ngang chạy xe vô Ủy ban Tỉnh”, thay vì dẫn bộ.

Còn chuyện đến nhà ông Trần Khiêu quậy phá, chị Ly cũng nói rõ, mình không vào được trong nhà để quậy phá. "Chuyện này xảy ra hồi tháng 6/2010, chỉ là chuyện đàn bà thôi, tôi không hiểu sao mà một vị cán bộ tỉnh lại “phanh phui” ra.

Tôi có nghe đám bạn chơi chung nói lại, là vợ anh Ba nói xấu tôi là “gái bia ôm nội bộ”. Tôi cũng chơi thân với chị Ba, đám tiệc hay đi đâu, chị cũng hay rủ tôi đi chung nên nghe vậy, tôi tức quá, chạy xe đến nhà tìm chị. Tôi muốn hỏi chị cho ra lẽ: “Chị có nói vậy không? Em là Đảng viên, chị cũng vậy, sao chị lại nói em kỳ quá?”, nữ phó phòng kể lại.

Thấy chị đến nhà, vợ ông Khiêu không chịu mở cửa dù đã bấm chuông mấy lần. Chị Ly định quay về nhà, thì thấy trước hàng rào có mấy chậu kiểng, trong đó có trồng những cây trinh nữ hoàng cung, dùng để trị bệnh “phụ nữ”. Chị Ly nói, mình cũng có nhu cầu nên mới nhổ mấy bụi mang về nhà trồng.

Chị Ly và một số giấy tờ chứng minh cho lời mình nói.

Chia sẻ về mối quan hệ với ông Khiêu, chị cho biết, từ thời chiến tranh chống Mỹ, bà nội của chị, hiện tại là Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, từng nuôi chứa nhiều cán bộ tại nhà, trong đó có ông Khiêu. Từ đó, ông xem bà nội tôi, ba mẹ tôi, các em tôi… như người trong gia đình.

Khi Trà Vinh thành lập khu công nghiệp, biên chế không đủ, ông Khiêu đưa chị Ly về đó làm. Nhất là trong hoàn cảnh, Chánh văn phòng Khu công nghiệp “mù” vi tính, người làm thủ quỹ mới tốt nghiệp lớp 12, chị Ly cho rằng mình có trình độ hơn nên được về làm văn thư, đánh máy.

Về chuyện có người nói chị khoe có trong tay 16 tỷ, xây nhà mấy tỷ, chị trần tình, căn nhà chị đang ở xây hết hai tỷ, bằng tiền dành dụm, chứ không như ai đi đục khoét tiền công quỹ, giờ không làm giấy tờ hợp thức hóa được.

Năm 2002, chị Ly ly hôn, căn nhà đã bán tài sản chia đôi nên chị bắt đầu có tài sản từ thời điểm đó. Ông nội chị Ly là liệt sĩ, ba là thương binh, sau giải phóng ba cùng mẹ bươn chải, tảo tần lo làm ăn, nuôi con ăn học thành đạt mới có của ăn của để, dư giả.

"Thói đời, trâu buộc ghét trâu ăn. Tôi vừa làm nhà nước, về nhà còn làm thêm… dành dụm bao nhiêu năm, bằng tiền mồ hôi, nước mắt chứ không ăn cướp của ai mà nói này nói nọ. Ở Trà Vinh này, nếu nói về nữ doanh nghiệp thành đạt, tôi cũng là một người trong số đó", nữ phó phòng cho biết.

Việc có đơn tố cáo chị thao tùng quyền hạn, chị Ly cho rằng, họ chủ yếu nói chị tự sắp xếp các hình thức khen thưởng cho tập thể phòng và cá nhân rồi lập biên bản “tất cả thống nhất 100% theo ý kiến bà Trần Hồng Ly” nhưng trên thực tế không có chuyện này.

Xét khen thưởng cuối năm thì phải đưa ra hội đồng, lấy phiếu tín nhiệm. Tháng 5/2007, chị Ly được chuyển công tác về Ban Quản lý các khu công nghiệp làm cán bộ văn phòng. Đến ngày 15/8/2011, có quyết định chia tách một phòng ra hai phòng nên chị được làm phó một phòng.

Đến nay mới hơn một năm nhưng chưa có đợt xét thi đua. Vậy từ năm 2007 đến 2011, lúc đó chị là “lính”, chưa thể tự ra quyết định khen thưởng mình. "Người tố cáo tôi chứng tỏ trình độ hiểu biết còn quá kém. Còn tôi, từ khi đi làm đến giờ, đố kỵ với việc chạy theo thành tích, đố kỵ với những cá nhân cuối năm lấy thành tích của người khác mang về làm bảng thành tích cho mình", nữ phó phòng nhận định.

Còn về việc bị tố cáo hay gây mất đoàn kết nội bộ, gặp người này nói xấu người kia, bịa đặt nói xấu lãnh đạo, chị giải thích, nếu có chuyện đó, làm sao đại hội Công đoàn cơ sở Ban Quản lý Khu kinh tế vào tháng 9/2012, cả tập thể cán bộ, công chức - đoàn viên công đoàn bỏ phiếu kín tín nhiệm bầu chị giữ chức Chủ tịch Công đoàn cơ sở nhiệm kỳ 2013-2015.

Nữ phó phòng cho rằng, nếu nói chị không chấp hành tổ chức kỷ luật thì phải có cơ sở. Nếu có quyết định điều động mà chị không chấp hành thì mới nói không chấp hành tổ chức kỷ luật được.

Thời gian qua, lãnh đạo cơ quan liên tục ra quyết định điều động nhưng chị nghiêm túc chấp hành, không cãi lại hay chống đối. Từ tháng 12/2008 đến cuối năm 2012, được cơ quan cử đi học lớp Đại học Luật, tất cả lịch học từng đợt, chị đều gửi cho lãnh đạo, ngày nào không có học, chị tự giác về cơ quan làm việc. "Chắc họ thấy vắng mặt tôi ở cơ quan, họ buồn hoặc họ nhớ tôi, hay họ rảnh quá, không có việc gì làm nên họ tố cáo cho vui", chị Ly suy đoán.

Trở lại vụ va chạm đêm 7/1 ở trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh, chị thành thật nhận khuyết điểm vì nóng tính và quá nóng ruột tài sản của mình, cái điện thoại bị bể nát, nên giận quá không kìm được, có những lời nói nặng nề, khó nghe.

"Thật sự tôi cũng không muốn sự việc này xảy ra đâu. Còn tôi đâu có tội tình gì mà công an gửi giấy mời. Buộc tội tôi gây rối trật tự cơ quan, nếu gây rối sao đêm đó ông Bình không chịu lập biên bản, tôi đã yêu cầu ông Bình rất nhiều lần", Trần Hồng Ly chia sẻ.

Một đoạn băng ghi âm đêm 7/1, lúc chị Trần Hồng Ly cãi nhau với cảnh sát bảo vệ ở cổng trụ sở UBND tỉnh Trà Vinh:

- Nam: Em đang ngồi gác, chị này chạy xe từ ngoài với tốc độ cao, chị chạy thẳng vô, rồi em chạy ra ngăn lại.

- Nữ: Mày khỏi có cự tao, UBND tao muốn vô giờ nào là tao vô, trách nhiệm của tụi mày gác hay không là của tụi mày, chặn lại hay không là trách nhiệm của tụi mày, tao muốn vô giờ nào là tao vô, tao bức xúc giờ nào là tao vô, tao biểu tình chừng nào là tao vô. Tụi mày không có quyền gì hết, tao bức xúc giờ nào là tao vô, tụi mày phải hỏi đầu đuôi câu chuyện, tụi mày phải dàn xếp hoà giải, tụi mày vô đây đập đồ của tao là sao?

- Nam: Tui đâu có đập.

- Nữ: Thằng này đập.

- Nam: Tại vì chị chỉ nó rớt điện thoại chứ đâu ai đập.

- Nữ: Chỉ cái gì, tụi mày cả chục thằng đập điện thoại của tao, tụi mày đừng có nói chuyện đó với tao. Mẹ! Đừng có một chục thằng mà ăn hiếp một mình tao”.

Theo Ngoisao

Các tin cũ hơn