Bệnh viện sử dụng thuốc quá hạn cho bệnh nhân

Chủ nhật, 26/05/2013, 07:55
Ông Lưu Anh Tài, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau có văn bản quy định về việc bệnh viện sẽ không nhập tiếp những mặt hàng thuốc có tác dụng tương đương thuốc tồn kho, chỉ khi nào sử dụng hết mới được nhập hàng mới.

Theo đó, Bệnh viện đa khoa (BVĐK) Cà Mau hiện còn tồn kho gần 300 loại thuốc tổng giá trị hàng tỉ đồng; trong đó có những loại đã hết hạn sử dụng như: Bidiplex (hết hạn sử dụng vào tháng 12/2012); Cazerol 200 mg (2/2013); Cefacdroxll 500 mg (3/2013); Gendobu inj 12,5 mg/m (3/2013)...

Một bác sĩ trưởng khoa đề nghị không nêu tên thắc mắc: “Tôi không hiểu tại sao lãnh đạo BV lại ký văn bản đề nghị chúng tôi phải cho bệnh nhân thuốc theo Khoa Dược cấp với danh sách kèm theo có những loại thuốc đã hết hạn sử dụng và cận ngày hết hạn sử dụng. Một thắc mắc mà tôi không lý giải được là tại sao tồn đọng một lượng thuốc lớn như thế, trong thời gian dài mà lãnh đạo BV cho rằng mình không hay biết”.

Bệnh viện đa khoa Cà Mau 
Bệnh viện đa khoa Cà Mau, nơi có nhiều sai phạm về đấu thầu thuốc - Ảnh: G.B

PV được người nhà của một bác sĩ hiện công tác tại BVĐK Cà Mau cung cấp 10 viên thuốc hết hạn sử dụng sau khi đến khám bệnh (khám bảo hiểm - PV) ở BVĐK Cà Mau.

Vị bác sĩ này kể: “Người bà con của tôi bị đau lưng, vào khám và nhận thuốc về đến nhà mở ra xem mới phát hiện một loại có 10 viên thuốc hết hạn sử dụng. Hoảng quá, họ không dám uống các loại còn lại. Nhà báo thông cảm, ghi hình ảnh thôi chứ đừng nêu tên thuốc ra vì lãnh đạo bệnh viện sẽ “lùng” ra tôi và tôi sẽ bị “đì” như những người khác vì dám tố cáo sự thật”.

Ngày 24/5, trao đổi với PV, ông Lưu Anh Tài giải thích: “Những loại thuốc cận date này tôi chỉ đạo dùng để điều trị cho các bệnh nhân nghèo, cơ nhỡ nhưng không cho nói ra vì sợ họ mặc cảm. Tôi đã dùng thuốc cận date này đi làm từ thiện. Thuốc hết hạn sử dụng thì hủy”.

Nhưng khi PV hỏi vậy sao trong danh sách kèm theo có một số loại thuốc đã hết hạn sử dụng, thì ông Tài đổ lỗi cho Khoa Dược của BV ghi sai. Lý giải về việc BV để một lượng thuốc lớn như thế tồn kho trong thời gian dài không sử dụng mà liên tiếp nhập mới, ông Tài tỉnh rụi: “Do thủ kho và Khoa Dược không báo nên tôi không biết”.

Trong khi đó, sáng 25/5, dược sĩ Lâm Nguyệt Anh, Phó trưởng khoa Dược BVĐK Cà Mau, khẳng định: “Mọi dự trù nhập thuốc đều do ban giám đốc duyệt chứ không thì làm sao nhập được”.

Một bác sĩ xin giấu tên lo lắng: “Trong danh sách thuốc giám đốc BV đề nghị chúng tôi cấp cho bệnh nhân, gần 100 loại có ghi ngày sử dụng, 200 loại không ghi ngày sử dụng mà phần lớn tôi biết các loại thuốc này tồn kho nhiều năm qua. Không biết đã có bao nhiêu người (phần lớn người bệnh khám bảo hiểm - PV) không may nhận thuốc quá date đó”.

Được biết, đến ngày 31/3, BVĐK Cà Mau còn nợ 56 tỉ đồng tiền mua thuốc các công ty dược. 

Hàng loạt sai phạm của ngành y tế Cà Mau

Trong diễn biến khác, ngày 25/5, ông Trịnh Hòa Lợi, Phó giám đốc Sở Y tế Cà Mau xác nhận thông tin Thanh tra tỉnh Cà Mau đã công bố kết luận thanh tra đối với ngành này.

Theo đó, Thanh tra tỉnh Cà Mau kết luận hàng loạt sai phạm của ngành y tế; đồng thời đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra làm rõ các dấu hiệu vi phạm pháp luật với các hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng đối với 3 giám đốc BV.

Trong hơn 26 tỉ đồng bị cho là sai phạm, Sở Y tế Cà Mau chịu trách nhiệm hơn 5 tỉ đồng, còn lại rơi vào các đơn vị trực thuộc.

Cụ thể, thanh tra ở lĩnh vực đấu thầu thuốc phục vụ việc khám, chữa bệnh cho người dân từ năm 2009 đến 2012 cho thấy hàng loạt đơn vị có dấu hiệu thao túng để trục lợi. Trong đó, 3 đơn vị nổi cộm là BVĐK Cà Mau, BVĐK khu vực H.Cái Nước và BVĐK khu vực H.Năm Căn.

Thủ đoạn các đơn vị này là bỏ qua các quy định về đấu thầu, dẫn tới việc xét thầu sai. Nhà thầu đưa ra giá đấu thầu thấp, đúng với giá thị trường thì bị trượt, còn những nhà thầu có giá thuốc cao ngất lại được “ưu tiên” xét trúng.

Liên quan đến vụ việc, Thanh tra tỉnh Cà Mau đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Lưu Anh Tài, Giám đốc BVĐK Cà Mau; ông Bùi Đức Văn, Giám đốc BVĐK khu vực H.Cái Nước; ông Trần Thiện Thanh, nguyên Giám đốc BVĐK khu vực H.Năm Căn.

Ngoài ra, nhiều quan chức y tế đương chức và về hưu khác của tỉnh Cà Mau cũng bị nêu tên đề nghị xử lý kỷ luật, xem xét trách nhiệm hình sự ở hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đoàn thanh tra đề nghị cơ quan chức năng xử lý ông Huỳnh Trung Kiên (nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh) và 2 phó giám đốc Sở vì thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra sai phạm nghiêm trọng; hơn 20 cán bộ của Sở Y tế Cà Mau và các đơn vị trực thuộc bị cho là có liên đới hoặc trực tiếp chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát hàng chục tỉ đồng.

 

Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn