Chuyện sốc về "cô đồng" Sinh ở Hải Dương

Thứ tư, 29/05/2013, 16:20
Chửi như hát, văng tục không thể tả hay cả đại gia đình đều hoạt động kinh doanh nhờ "tài trời" khó tin của cô đồng Sinh... 

Sự tự tin của ông Bưởi

Vào một ngày giữa tháng 4, lần đầu tiên chúng tôi gặp ông Bưởi (xã Thiện Phiến, Tiên Lữ, Hưng Yên) đang chờ gọi hồn. Ông Bưởi năm nay 73 tuổi. Ông kể, đây là lần thứ hai ông sang gọi hồn tại nhà "cô đồng" Sinh. "Năm ngoái, tôi phải đợi đến ngày thứ 20 mới gặp được vong cụ nhà mình. Năm nay, tôi đến đây tính đến hôm nay là đúng một tuần", ông cho hay.

Ông Bưởi vốn là cựu chiến binh. Ông kể, trước đây ông chẳng hề mê tín. Nhưng rồi nghe có người họ hàng kể về "cô đồng" Sinh, lại thêm trong nhà có việc cần, ông thử "đánh liều" sang một phen. "Không ngờ, cụ về nói đúng tất cả những gì đã xảy ra với gia đình tôi nên tôi tin", ông nói. Đó cũng chính là lý do để ông quay lại lần này, những mong tìm được mộ bố đẻ bị thất lạc từ những năm 60 của thế kỷ trước.

me tin

Cảnh chờ đợi đến lượt gọi hồn luôn quá tải khiến những dịch vụ ăn theo ở Ngọc Cục ra đời. 

Dù mới chỉ đợi đến ngày thứ 7 cũng khiến ông Bưởi không khỏi sốt ruột. Thế mà sáng hôm sau, khi gặp lại chúng tôi tại sân nhà "cô đồng" Sinh, ông cười nói rất vui vẻ, khác hẳn sự âu lo như chiều qua.

Dường như hiểu được sự tò mò của tôi, ông kể: "Hầu như tối nào "cô" cũng sang nhà mẹ đẻ cách đó chừng 300m, nơi tôi thuê trọ. Nghe mấy người mách, chúng tôi có khoảng 6 - 7 người đến nhờ cô kêu hộ từ đêm qua.

Chắc chắn là hôm nay cụ nhà tôi "lên" thôi. Chiều qua, vợ chồng chị Oanh ở Duy Tiên, Hà Nam - người được gọi vào đầu tiên cũng là nhờ có "cô" làm lễ trước đấy". Tôi hỏi có phải trả tiền lễ lạt gì không, ông Bưởi xua tay: "Không hề". Ông Bưởi cười, tỏ ra rất tự tin hôm nay sẽ đến lượt mình.

me tin

Bà Đương (áo đen) đang đón khách vào ăn và nghỉ trưa. 

"Chửi như hát hay" và "tục không thể tả"

Chứng kiến những cuộc gọi hồn của "cô đồng" Sinh, một điểm dễ nhận thấy nhất là "cô" thường xuyên... chửi bới và văng tục.

Chúng xuất hiện hầu hết trong các cuộc gọi hồn. Chẳng hạn: "Chúng mày ngu như chó, tao cho chúng mày ăn lộc mà không biết hưởng...", "Mày là bố mẹ chúng nó sao mày để con dâu nó đè đầu cưỡi cổ? Chúng mày ăn cơm hay ăn c... mà ngu thế? Mày về bảo con trai mày phải dạy vợ, không làm thì lấy... mà ăn", "Đ.m, thằng Sửu đâu. Tao là bố vợ mày đây...".

Mỗi lúc "cô" văng tục, cả đám đông lại cười ồ. "Chửi như thế đã ăn thua gì, vong nhập vào "cô" còn tát, giật tóc, bạt tai nhiều người nữa kia. Có ông về gọi hồn, bị "cô" cầm ba toong rượt đuổi đánh cho “tơi bời khói lửa” cơ mà, không ai can được đâu", bà Nguyễn Thị Đương - mẹ đẻ "cô" bảo.

Rồi như để thanh minh, bà Đương nói thêm: "Bình thường "cô" hiền chứ đâu có chửi bới thế đâu. Đấy là vong nhập vào thôi". 

Chẳng biết thực hư thế nào nhưng rõ ràng, những lời nói đó khiến không ít người phật lòng. "Đành rằng là vong nhập nhưng chẳng lẽ vong nào cũng như vong nào, đều có cùng cách chửi như chém chả và tục không thể tả thế ư?", anh Luật, một người đến gọi hồn quê ở huyện Thanh Hà, Hải Dương băn khoăn.

me tin

Dễ dàng bắt gặp những dòng chữ này quanh khu vực nhà "cô đồng" Sinh.

Mẹ đẻ nấu cơm, chồng trông xe...

Mỗi ngày, "cô đồng" Sinh chỉ làm việc trong 4 tiếng nên cảnh người ta phải vạ vật chờ đợi vì quá tải là thường xuyên và khá phổ biến. Vậy nên, những dịch vụ cũng ra đời.

Bên cạnh bà mẹ chồng bán đồ lễ thì mẹ đẻ, chồng của "cô đồng" cũng tham gia vào việc "tạo điều kiện cho những người đến gọi hồn" - theo cách nói của bà Nguyễn Thị Đương.

Hiện tại, bà Đương đảm nhận việc nấu cơm và cho thuê phòng nghỉ. Theo đó, mỗi suất cơm trưa hoặc tối có giá 25.000đ, nghỉ qua đêm là 15.000đ/người. Bên cạnh ngôi nhà mái ngói cũ thì bà Đương vừa cho xây dựng một gian nhà cấp 4 được tận dụng làm chỗ trọ.

Bà cho hay: Như trưa nay, tôi nấu đúng 10 mâm cơm. Hằng ngày, trung bình nấu 12 mâm cơm cả trưa và tối. Vào ngày nghỉ thì số lượng mâm cơm nhiều hơn, có khi tới ngót 30 mâm là chuyện thường. Mỗi mâm 6 người, nhân lên sẽ thấy được số người đến gọi hồn đông đến mức nào.

Quanh khu nhà "cô đồng", chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp những dòng chữ như "Cho nghỉ trưa", "Nhà trọ". Nhìn vào đó có thể thấy, dịch vụ ăn theo việc gọi hồn của "cô đồng" Sinh khá phát triển ở đây.

Chồng "cô đồng" thì trông giữ xe máy và bán nước chè để phục vụ khách. Bà Đương cho biết thêm: Trước "cô" còn tạo việc làm cho em trai của chồng giữ chân trông xe.

Thế nhưng, vào khoảng tháng 8 năm ngoái, thấy có mấy cái ô tô để trong sân nhà tôi, cậu em chồng kia sang nói là tôi chỉ được phép nấu cơm, không được trông xe. Từ đó xảy ra xô xát giữa cậu ta và con trai tôi. "Cô" vào khuyên can thì bị em chồng đánh đau nặng lắm, tưởng chết cơ mà.

me tin

Bà Nguyễn Thị Đương - mẹ đẻ "cô đồng" xác nhận: Trung bình mỗi ngày nấu 12 mâm cơm phục vụ khách đến gọi hồn. 

"Tôi chỉ có công đẻ"

Hỏi chuyện bà Đương về cô con gái, bà nhất mực gọi bằng "cô" và kể về con với tất cả sự hào hứng xen lẫn chút tự hào.

Theo đó, "cô" là "người nhà nước 12 năm rồi (bà Đương gọi việc con gái biết gọi hồn là "người nhà nước - PV). "Cô" được Nhà nước trả lương tháng 30 triệu đấy, vì đi tìm mộ liệt sĩ... "Cô" giỏi lắm, trước "cô" cũng như mình thôi. Người ta bảo tôi chỉ có công đẻ chứ còn "cô" giỏi, "cô" đâu phải là con của tôi nữa. "Cô" giỏi thì phải ra mà phục vụ nhân dân chứ", bà Đương thao thao.

Hỏi chuyện bà Đương có đúng là nên nhờ "cô" kêu từ đêm hôm trước để hôm sau vong lên được nhanh, bà cười: "Cũng còn tùy". Có lẽ chính vì thế mà hôm ấy, ông Bưởi đã không gặp may khi đợi cả ngày vong nhà mình vẫn chưa lên.

Đoạn, bà Đương vội vã cáo lui khi kim đồng hồ chỉ gần 4h chiều. "Tôi phải đi nấu cơm đây. Chỉ có hai người nấu phục vụ khách nên phải làm sớm để kịp giờ cơm tối. Mọi người ngồi đợi cả buổi cũng mệt rồi".

Tối nay, theo tính toán của bà Đương, có khoảng 4 mâm cơm với chừng 30 người nghỉ lại nhà.

 

Chúng tôi đem câu chuyện về việc làm ăn của đại gia đình "cô đồng" Sinh đến hỏi ông Trưởng thôn Ngọc Cục là Phạm Văn Truyền, ông Truyền xác nhận: Đúng là có chuyện người ta đổ dồn đến nhà cô Sinh để gọi hồn. Tuy nhiên, "tôi biết mẹ chồng cô bán đồ lễ, mẹ đẻ nấu cơm cho khách, chứ không hề có ai trọ lại vì không hề có nhà trọ. Còn người dân trong làng cũng không có phản ứng gì về việc làm của cô Sinh". 

 

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn