Điện Biên: Sự ổn định bắt nguồn từ địa bàn dân cư

Thứ tư, 18/12/2013, 13:30
Vượt lên những khó khăn của tỉnh đặc biệt khó khăn, Ban Công tác Mặt trận ở thôn, bản, tổ dân phố (gọi tắt là khu dân cư) của tỉnh Điện Biên đã tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nói, sự ổn định và phát triển của Điện Biên được bắt nguồn từ chính sự ổn định và phát triển từ địa bàn khu dân cư. 
Đồng bào các dân tộc Điện Biên
tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi
Điện Biên là tỉnh có diện tích tự nhiên rộng trên 9,5 ngàn km2, hơn  400km đường biên giới, với 19 dân tộc anh em chung sống. Đây cũng là nơi mà các thế lực thù địch lợi dụng những khó khăn về kinh tế để tuyên truyền đạo trái pháp luật, tuyên truyền thành lập "Vương quốc Mông”, nhằm tạo những nhân tố phức tạp, gây chia rẽ các dân tộc.
Vì vậy, muốn phát triển kinh tế, trật tự an toàn xã hội phải phát huy dân chủ, củng cố niềm tin, giữ vững sự ổn định chính trị, xây dựng khối đoàn kết các dân tộc, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền, Ban Thường trực UBMTTQ các cấp thường xuyên quan tâm, củng cố kiện toàn tổ chức, định hướng hoạt động của ban Công tác Mặt trận.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động, 1.770 Ban công tác Mặt trận khu dân cư ở 130 xã, phường, thị trấn, các cấp uỷ, chi bộ chọn cử giới thiệu cấp uỷ viên, bí thư hoặc người có uy tín, kinh nghiệm vận động trực tiếp làm Trưởng ban. Định kỳ hàng năm, Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện mở từ 20 đến 25 lớp với 1.400 đến 1.750 lượt học viên, cung cấp thông tin thời sự, tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bồi dưỡng nghiệp vụ kỹ năng hoạt động cho thành viên Ban công tác Mặt  trận.
Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Điện Biên - Giàng A Tính cho biết, điển hình cho hoạt động Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư trong những năm qua là: Pờ Á Ninh (Sín Thầu), Hoàng Phù Tư (Leng Su Sìn), Vừ Chớ Ninh (Pú Nhung), Cứ Chờ Tú (Noong U),  Lò Văn Hặc (Noong Bua), Vàng A Dua ( Nà Tấu)…
Đây là những cá nhân tiêu biểu tại các Ban công tác Mặt trận đã phối hợp với Trưởng thôn, Tổ trưởng dân phố đẩy mạnh tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Tạo nếp sống tự quản theo pháp luật trong cộng đồng dân cư. Từng bước hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.
Tổ chức cho nhân dân tham gia các hoạt động tự quản, tổ hòa giải, tổ an ninh nhân dân. Nhờ đó đã kịp thời giải quyết các xích mích, mâu thuẫn trong nhân dân ngay từ thôn, bản, tổ dân phố. Góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ khu dân cư.
Cùng với việc xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ban công tác Mặt trận thường xuyên đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, dịch vụ. Sau 3 năm (2011- 2013) toàn tỉnh đã có gần 13 ngàn hộ thoát nghèo. Đồng thời với phát triển kinh tế, các Ban công tác Mặt trận vận động nhân dân phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương, xây dựng quy ước, hương ước, thực hiện nếp sống văn hoá văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Điểm nổi bật là CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” đã lan toả sâu rộng và được nhân dân tự giác hưởng ứng. Đến nay 48% khu dân cư, 57,4% hộ gia đình, 42% thôn bản, 84% cơ quan trường học đạt tiêu chuẩn văn hoá.
Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Điện Biên - Giàng A Tính khẳng định: Sự ổn định và phát triển của tỉnh đều bắt nguồn từ sự ổn định và phát triển ở từng khu dân cư. Ban Công tác Mặt trận khu dân cư thực sự là trung tâm đoàn kết, cầu nối giữa Đảng với nhân dân.
Theo DaiDoanKet

Các tin cũ hơn