Báo Mỹ: Kim Jong Un không xử tử chú bằng 120 con chó đói

Thứ bảy, 04/01/2014, 15:20
Báo chí Mỹ vạch ra nhiều chi tiết phi lý để thấy rằng tin “Kim Jong Un giết chú bằng 120 con chó đói” là không đúng sự thực.

Trùng trùng những sự vô lý

Vài ngày qua, báo chí liên tục đưa tin nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã hành quyết người chú dượng của mình bằng hình phạt “lột hết quần áo sau đó cho 120 con chó đói xé xác”.

Thực tế, câu chuyện hoang đường này xuất phát từ một tờ báo lá cải phát hành ở Hong Kong hôm 12/12/2013 và mãi đến ngày 24/12/2013, nó mới được một tờ báo khác của Singapore trích dẫn lại và lập tức lan nhanh như vũ bão trên khắp thế giới.

Hình ảnh Jang Song Thaek bị bắt và áp giải ra ngoài ngay trong một cuộc họp do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA phát đi.

Theo bình luận của tờ Washington Post, đây không phải lần đầu tiên những tin tức “rất sốc” liên quan đến chính phủ Triều Tiên được lan truyền và có vẻ như đó là lý do khiến giới truyền thông thế giới trong đó có cả truyền thông Mỹ dễ dàng chấp nhận câu chuyện này.  Tuy nhiên, thực tế ít nhất 5 dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy đây là một tin bịa đặt và vô lý.

Tờ Wen Wei Po phát hành tại Hong Kong là nơi khởi nguồn của câu chuyện này. Tuy nhiên, nó cũng chỉ tồn tại dưới dạng “nghe nói thế” hay thậm chí là không có nguồn tin đáng kể.

Đặc biệt, độc giả Hong Kong đánh giá Wen Wei Po là tờ báo “không đáng tin nhất”. Một nghiên cứu gần đây còn cho biết, trong số 21 tờ báo đang tồn tại ở Hong Kong thì tờ Wen Wei Po bị xếp thứ 19 về mức độ tin cậy.

Thứ hai, độc giả có thể lật giở lại câu chuyện và đặt câu hỏi: Tại sao một tin tức có vẻ như rất sốc như vậy mà truyền thông Trung Quốc lại không đăng tin trong suốt cả tháng qua?

Chỉ có Wen Wei Po đưa tin ông chú dượng bị hành quyết bằng 120 con chó đói còn các tờ khác thân thiết với chính phủ Bắc Kinh hơn rất nhiều như Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo hay thậm chí Thời báo Hoàn cầu chỉ khẳng định Jang Song Thaek bị xử tử bằng súng máy hay súng phòng không.

Rõ ràng, trong vụ thanh trừng nội bộ này của Triều Tiên, Bắc Kinh đã bày tỏ sự khó chịu, vậy không có lý do gì họ phải giấu tin “120 con chó đói” với các tờ báo khác của mình.

Thứ ba, giới truyền thông Hàn Quốc cũng tỏ ra hoàn toàn không hay biết về tin này. "Câu chuyện này, nếu có thực, khó mà thoát khỏi tay giới truyền thông Hàn Quốc vì họ có nhiều lý do để đưa nó hơn cả”,

Chad O'Carroll, người đang điều hành trang tin NKNews.org (trang chuyên về tin tức liên quan đến tình hình Triều Tiên) nói: "Một lý do khác là những tin đồn kiểu này đã có từ rất lâu nhưng không ai thèm để ý vì nó quá hoang đường”.

Jang Song Thaek bị bắt và bị còng tay ngay khi vừa ra khỏi phòng họp.

Giới truyền thông Hàn Quốc có một nguồn thông tin độc đáo là khai thác từ những người đào tẩu khỏi Triều Tiên. Hiện tại, tình báo Hàn Quốc cũng vẫn có một đội ngũ người cung cấp tin rất đông đảo ở ngay trong nội bộ Triều Tiên. Nếu câu chuyện có thực, Wen Wei Po không đến lượt đưa tin về nó.

Thứ tư, câu chuyện kiểu này đã “lang thang khắp nơi” suốt cả tháng mà vẫn không có một nguồn nào xác tín hay khẳng định.

Thứ năm, giả sử câu chuyện 120 con chó đói là có thật thì vụ hành quyết không thể thực hiện một cách bí mật trong bóng tối vì nó sẽ mất “tính răn đe”. Và không nguồn tin nào nói rằng Jang Song Thaek bị hành quyết bằng chó mà chỉ có những nguồn tin rất đáng tin cậy cho biết ông ta bị xử bắn bằng súng máy.

"Ông ta bị đưa ra tòa án binh, và điều logic hơn cả là ông ta bị hành quyết bằng súng”, O'Carroll nói và khẳng định các nguồn tin tình báo Hàn Quốc cũng xác nhận việc này.

Ai là người có lỗi?

Tờ Washington Post nêu vấn đề, tại sao không chỉ giới truyền thông châu Á mà đến giới báo chí Mỹ cũng dễ dàng tin vào một nguồn tin không có thật như vậy?

Vấn đề là do Triều Tiên là một đất nước quá khép kín và quá bí ẩn. Đất nước này bí ẩn đến nỗi nhà báo Isaac Stone Fish đang làm cho tờ Foreign Policy có lần đã nói đùa rằng các nhà báo Mỹ có thể viết bất cứ thứ gì họ muốn về Triều Tiên mà không cần nguồn tin vì độc giả chỉ có một cách duy nhất là chấp nhận nó.

Về sau, giới báo chí Mỹ gọi đó là “Thuyết bảo đảm của Stone Fish” khi viết về Triều Tiên.

Nhưng đó không phải là điều đảm bảo cho câu chuyện “120 chó đói” lan đi xa đến vậy. “Bạn biết rồi đấy, tất cả các câu chuyện về Triều Tiên thường có lượng truy cập cực lớn và đó là lý do vì sao các biên tập viên dễ dàng cho những bài báo này đi qua cửa của họ. Tôi đoán là các biên tập viên sẽ bấm bút xuất bản bài báo và ngả người ra ghế mỉm cười nghĩ rằng: Vô lý ư? Ai mà kiểm chứng được nó chứ?”, O'Carroll lý giải.

Theo Zing

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích