Chữ tình, chữ trọng

Thứ sáu, 10/01/2014, 14:31
Vụ án Dương Tự Trọng và đồng phạm kết thúc cũng là lúc dư luận nói nhiều đến chữ tình, chữ trọng của Trọng đối với anh trai mình – bị cáo mang án tử Dương Chí Dũng. Thậm chí có tờ báo còn giật tít, gọi đây là một “đại án nhân tâm”. Liệu có quá cảm tính?

Nhiều người tỏ ý tán đồng với hành động sai trái của ông Trọng khi ông cố tình phá vỡ những khuôn khổ pháp lý do chính ông cùng các đồng đội lâu nay ra sức gìn giữ, bảo vệ để giúp anh mình trốn thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật vì họ cho rằng như thế mới là tình nghĩa, là đạo làm người (?).

Thật ra, những điều như thế, chỉ nên được đề cao trong thế giới giang hồ của “Thủy Hử” hay các bộ phim về xã hội đen Hongkong, mafia Ý chứ không phải trong một xã hội đang gắng tiệm cận với một nền tư pháp văn minh.

Và nhiều người cũng quên rằng, song song với chữ tình, mỗi người trong xã hội còn bị ràng buộc, điều chỉnh bằng một trách nhiệm quan trọng nữa, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đạo đức nghề nghiệp của lực lượng công an, ngắn gọn có thể hiểu là: “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Đạo đức nghề nghiệp cũng là một phần của đạo làm người. Vì chữ tình mà anh đánh mất đạo đức nghề nghiệp, tức là anh đã vì cái cá nhân mà làm phương hại tới cái chung.

Nhiều người còn đánh giá, việc làm (sai trái) của Trọng với thái độ dám làm dám chịu thể hiện một sự tự trọng đáng nể, như chính cái tên của ông ta. Đánh giá như vậy cũng chưa thật hợp lý, công bằng.

Mỗi người công an đều thuộc nằm lòng 5 lời thề quân nhân, như người làm nghề y nằm lòng lời thề Hypocrat, trong đó có câu: “Sẵn sàng bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Suốt đời tận tuỵ phục vụ nhân dân, vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân”.

Khi anh sẵn sàng bảo vệ một người phạm pháp trốn tội, cũng đồng nghĩa với việc anh sẽ gây ra oan ức, bất công cho biết bao người khác. Nhiều người “bảo vệ” Dương Tự Trọng vì họ chưa nhìn thấy “nạn nhân” cụ thể trong hành vi phạm tội của Dương Chí Dũng.

Nhưng cần nhớ rằng, “nạn nhân” của Dương Chí Dũng là Nhà nước - người đại diện của nhân dân, là cả trăm tỷ đồng tiền thuế của nhân dân, đã bị Dũng và các thuộc cấp bòn rút, làm thất thoát. Đó cũng chính là bao công sức mồ hồi mà nhân dân đã phải đổ ra. Vậy thì thử hỏi, sự tự trọng ở đâu trong một hành vi công nhiên tiếp tay cho tội phạm, phản bội lại đồng đội và lời thề danh dự của mình?

Không quá nếu nói rằng chữ tình, chữ trọng mà người ta nói đến trong trường hợp của Dương Tự Trọng thật ra là sự ích kỷ, vun vén cho bản thân, gia đình... đứng trên luật pháp.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn