Ban Nội chính T.Ư vừa báo cáo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng - đồng thời đề xuất những vụ án, vụ việc tham nhũng phức tạp vào diện để Ban Nội chính T.Ư theo dõi, chỉ đạo, đôn đốc.
Tránh để xảy ra án oan, sai
Theo đó, Ban Nội chính T.Ư đề xuất bổ sung 4 vụ án, 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; đề nghị đưa 15 vụ án, 5 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Nội chính T.Ư theo dõi, đôn đốc; 24 vụ án, 16 vụ việc phức tạp khác được đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc T.Ư chỉ đạo, xử lý.
Vụ xử Dương Chí Dũng và đồng phạm.
Các cơ quan tiến hành tố tụng của T.Ư cũng đã có báo cáo Ban Nội chính T.Ư về các vụ án Phạm Thị Bích Lương; hai vụ án liên quan đến sai phạm xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) là vụ Dương Chí Dũng và đồng phạm, vụ Dương Tự Trọng và đồng phạm tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn đi nước ngoài.
Kết quả vụ án Dương Chí Dũng ở phiên tòa sơ thẩm (ngày 12 - 16/12/2013) do TAND TP.Hà Nội xét xử, Tòa đã tuyên hai án tử hình dành cho Dương Chí Dũng – nguyên Chủ tịch HĐQT Vinalines và Mai Văn Phúc – nguyên Tổng GĐ Vinalines cùng về hai tội danh tham ô tài sản và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. Sau phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc và các đồng phạm trong vụ án đã có đơn kháng cáo.
Ở các vụ án khác, Ban Nội chính T.Ư đã cử cán bộ nắm tình hình xử lý vụ án Hoàng Thị Vấn (Cao Bằng) phạm tội giết người, vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng ở Hải Phòng và hai trường hợp kêu oan ở tỉnh Bình Thuận, tỉnh Long An.
Trong vụ án Hoàng Thị Vấn, hay còn gọi là vụ án con dâu dùng búa đinh sát hại mẹ chồng xảy ra ở Cao Bằng. Ngày 2/1/2013, TAND tỉnh Cao Bằng xét xử sơ thẩm vụ án, bị cáo Hoàng Thị Vấn một mực kêu oan, cho rằng mình không phải là thủ phạm giết hại mẹ chồng là bà Triệu Thị Tiền (75 tuổi). Bị cáo cho rằng trước đó bị cáo bị ép cung nên mới nhận tội. Tại tòa, ông Nguyễn Ngọc (bố chồng Vấn) là đại diện cho người bị hại và anh Chiến là chồng Vấn cũng khẳng định bị cáo bị oan.
Tuy nhiên, TAND tỉnh Cao Bằng vẫn tuyên phạt Hoàng Thị Vấn tù chung thân về tội giết người. Sau đó cả bị cáo và đại diện bị hại cùng có đơn kháng cáo. Cuối tháng 6/2013, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao xét xử đã nhận định: Quá trình điều tra xét xử vụ án, các cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm đã có nhiều sai sót nghiêm trọng. TAND Tối cao tại Hà Nội đã tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của TAND tỉnh Cao Bằng để điều tra, xét xử lại từ đầu.
Đẩy nhanh tiến độ nhiều vụ án lớn
Ban Nội chính T.Ư cũng nắm tình hình giải quyết vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Mía đường La Ngà (thuộc Tổng Công ty Mía đường II), vụ án Dương Thanh Cường xảy ra tại Công ty Dệt kim Đông Phương, vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Công nghệ thực phẩm Sài Gòn, vụ án xảy ra tại Công ty TNHH An Khang ở Cần Thơ… |
Trong Chương trình công tác trọng tâm năm 2014, Ban Nội chính T.Ư sẽ đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ án: Phạm Thị Bích Lương và đồng phạm vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thiếu trách nhiệm; vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm cố ý làm trái, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, kinh doanh trái phép và trốn thuế.
Vụ án này, sau khi bị tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung, ngày 27/1/2014, Viện KSND Tối cao đã ra cáo trạng lần 2. Trong đó truy tố thêm hai người là ông Phạm Trung Cang và Huỳnh Quang Tuấn, tổng số bị truy tố trong vụ án là 9 người.
Những vụ án cũng được đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ là Vũ Việt Hùng và đồng phạm nhận hối lộ, vi phạm quy định về cho vay, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; vụ việc sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank); vụ việc xảy ra tại Công ty Dịch vụ Agribank…
Theo Dân Việt