Lúc đó là 11h30 phút trưa 17/2/1979, sau một buổi sáng lên lớp với “sự bồn chồn như là linh tính”, cô giáo Luyến, trở về căn lán nhỏ trong khu tập thể giáo viên ở Tân Lập, Phú Thọ. Phòng tranh, vách nứa vọc vạch. Và bản tin chiến sự trên Đài tiếng nói Việt Nam từ bên phòng hiệu trưởng vọng sang.
Bắt đầu bằng cái tin “như thanh gươm đâm suốt qua tim”: Trung úy Phạm Văn Vụ - Đồn phó đồn 131, Công an vũ trang Mường Khương đã anh dũng hy sinh.
Duyên hảo cầu sao bỗng dở dang
Cô giáo Luyến, năm đó mới 23, chỉ nhìn thấy lờ mờ trước mắt khuôn mặt âu lo hốt hoảng của những người đồng nghiệp vừa ùa sang. Ai cũng nói có thể có sự nhầm lẫn. Nhưng đó là linh cảm. Nhưng cô biết đó là sự thật. Cô ngất lịm trong tay bạn bè đồng nghiệp.
Nỗi đau của người vợ trẻ không có câu chữ nào có thể tả nổi.
35 năm sau, ký ức buổi trưa và bản tin sét đánh hôm ấy vẫn tràn trụa trong những hàng nước mắt người già. Những hàng nước mắt mờ đục bởi thời gian và đau thương mà có lẽ 35 hay bao nhiêu năm cũng không thể gắn hàn.
Họ yêu nhau 4 năm sau một lần anh về phép. Hòm thư của anh ấy đến giờ cô vẫn nhớ: Hòm thư 8268 Hoàng Liên Sơn. Năm đó, anh mới 27, còn cô vừa 23.
Bữa cưới nhau ngồi chờ bên bến đò Hưng Hóa, ai cũng nói họ đẹp đôi nhất vùng.
Bữa cưới nhau, lễ cưới của một cô giáo hậu phương với anh bộ đội nơi tuyến đầu biên giới, ai chúc cũng nói đến “trăm năm hạnh phúc”.
Bữa cưới nhau, họ như hai đứa trẻ, thẹn thùng trong tấm chăn hoa cà bông đỏ.
Chưa tới 10 hôm thì anh nhận điện trở về đơn vị. Cô còn nhớ như in rằng: Người cha, khi ấy còn động viên con lên đơn vị càng nhanh càng tốt. Và hàng chục năm sau ông vẫn băn khoăn về lời động viên ấy, dù với ông, đã là lính thì không thể có sự lựa chọn nào khác. Đã là người lính thì không thể để tình riêng xen lẫn vào việc công.
Hôm chia tay, anh chở cô trên chiếc xe đạp, 60km, đưa cô lên trường ở Tân Lập, nắm tay cô bảo rằng: Khi nào anh về phép sẽ từ đơn vị về thẳng trường đón em. Anh còn nói mình có con, trai sẽ tên là Việt, gái sẽ gọi là Phương.
Thế rồi, anh ra đi và không bao giờ trở về nữa.
Anh bắn đến viên đạn cuối cùng. Và khi anh dũng hy sinh, trên tay vẫn còn một quả lựu đạn chưa kịp mở chốt. Cô không quên. Đó là Tả Ngải Chồ. Là Mường Khương. Là Lào Cai. Và là một đâu đó trên mảnh đất Việt.
Cuộc chiến nào thì đau thương nhất vẫn chỉ là những người phụ nữ. Những bà mẹ mất con. Những người vợ mất chồng. Cô giáo Luyến có chưa tới 10 ngày hạnh phúc để đau khổ suốt 10 năm sau đó.
Thời bình của một người lính trở về sau cuộc chiến tranh biên giới |
“Gió lạnh buồng đào, rơi cầm nẩy sắt;
Sương pha cung đỏ, hoen phấn mờ gương”.
Phải chăng là Ngọc Hân công chúa đã một lần nói hộ nỗi lòng những người phụ nữ mất chồng đêm đêm xoạt xoạt trở mình tự hỏi “Miền Cực Lạc xe mây vùn vụt, duyên hảo cầu sao bỗng dở dang?”.
“Có lẽ cô quá yêu chú. Cô quá nặng tình” - cô giáo, giờ phải gọi là bà, giấu khuôn mặt trong tay áo.
10 năm sau đó, không đêm nào cô không nhớ tới người chồng.
Cô lao vào công việc, đi giáo viên màng lưới khắp những vùng xa khó nhất. 10 năm không còn một người đàn ông nào khác trong mắt người vợ mất chồng. 10 năm, cô nhận nuôi thằng út của chị gái, thằng Nghĩa Tồ, để anh rể, một người lính khác, yên tâm cầm súng ở Yên Minh, Hà Giang.
Nỗi cô đơn 35 năm
10 năm yên phận thờ chồng, mãi đến năm 1989, khi thằng Nghĩa Tồ đủ lớn khôn để quyết trở về với mẹ, cô giáo Luyến, một lần nữa khóc hết nước mắt trước nỗi cô đơn, “tứ phía chỉ toàn tường là tường, chăn đắp thế nào cũng thấy lạnh lưng”.
“Giống như y là định mệnh” - cô giáo Luyến thoáng như là thở dài. Trước hôm cưới, trên mu bàn tay người yêu có một vết thương nhỏ. Cô lấy nước muối rửa cho anh hỏi rằng bị sao. Anh mỉm cười hỏi lại “Nếu anh bị thương cụt chân cụt tay thì em còn yêu thương anh nữa không”. Cô bấy giờ không trả lời, đưa tay lên bịt miệng anh.
Run rủi thế nào đó, sau 10 năm thờ chồng, cô mới lại tìm thấy sự thông cảm. Và nói thế nào nhỉ. Người chồng mới Trần Xuân Lập, khi ấy là một thương binh hạng 1/4 (hạng nặng nhất) với đôi chân bị liệt hoàn toàn, cũng trên biên giới phía Bắc, cũng trong cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc vĩ đại của dân tộc.
Bữa chúng tôi ghé thăm, chú Lập không có nhà. Vết thương chiến tranh từ năm 1981 và cuộc sống gần như bất động trên xe lăn đã sinh ra biết bao nhiêu căn bệnh, khiến người anh hùng ngày đó giờ sống gần như cả năm trên Khu điều dưỡng thương binh cách xa nhà không chỉ là khoảng cách vài chục cây số. Hai người có với nhau một con gái, đặt tên Phương (!!!) và đương đi học xa nhà.
Cô quạnh quá. Cô giáo Luyến ngồi tách những hạt ngô đỏ bầm như máu, mắt nhìn ra xa xăm trong căn nhà trống huơ trống hoách. Giờ có những nỗi lo khác. Lo con gái sẽ lấy chồng xa quê. “Nó đã có bạn trai ở tận trong Thanh Hóa”. Lo không xin được việc cho con gần nhà. Nỗi lo của một người phụ nữ đã cả đời cô đơn.
Liệu có ở nơi đâu trên trái đất này có những người phụ nữ mòn mỏi trong chờ đợi. Đợi tin người một cha chiến sĩ; Một người chồng liệt sĩ hy sinh trong ngày 17/2/1979; Một người chồng là thương binh mặt trận Hà Tuyên; Người em, có giấy báo đỗ đại học Tổng hợp văn, xin gác bút lên đường ra biên giới. Và một đứa em nữa trở về từ mặt trận Vị Xuyên năm 1988 sau khi đã gửi lại mảnh đất địa đầu một quả thận và một con mắt.
Chiến tranh. Phải. Chiến tranh là gì, ở đâu đó. Chính chiến tranh, chứ không phải số phận, đã khiến vô số những người phụ nữ Việt Nam sống cả cuộc đời trong mất mát, trong nỗi khắc khoải của sự cô đơn.
Theo Laodong