Ngày 15/2, một cuộc ẩu đả dữ dội đã diễn ra bên trong nghị trường Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khi các nghị sĩ tham dự phiên họp thâu đêm nhằm thông qua một đạo luật tăng cường quyền lực cho Bộ Tư pháp nước này.
Đạo luật này sẽ cho phép Bộ Tư pháp tăng cường quyền kiểm soát đối với hội đồng bổ nhiệm và giám sát thẩm phán và công tố viên. Đây là đạo luật do Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đề xuất trong bối cảnh nhiều thành viên trong đảng của ông này đang dính vào một vụ bê bối tham nhũng lớn.
Cuộc ẩu đả bùng lên trong nghị trường Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ẩu đả bắt đầu xảy ra khi một thành viên đảng đối lập đứng giữa nghị trường và tuyên bố rằng Thủ tướng Erdogan là một tên độc tài và kiên quyết không nhường bục phát biểu cho người khác. Khi các nghị sĩ đảng cầm quyền tìm cách lôi ông này xuống, ẩu đả đã nổ ra khi các nghị sĩ xông vào nhau và “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” không thương tiếc.
Hậu quả của cuộc ẩu đả này là nghị sĩ đảng đối lập Ali Ihsan Kokturk bị đấm vỡ mũi khiến máu chảy ròng ròng và phải tới bệnh viện để điều trị. Một ông nghị khác cũng bị gãy ngón tay trong khi xông vào đánh đấm.
Các nghị sĩ xông vào nhau thượng cẳng chân, hạ cẳng tay.
Đảng đối lập cho rằng đạo luật do Thủ tướng đề xuất sẽ kìm hãm sự độc lập của cơ quan tư pháp trong bối cảnh nhiều con trai của 3 bộ trưởng đương chức vừa bị cảnh sát bắt giữ và truy tố với tội danh tham nhũng.
Báo chí Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cuộc điều tra chống tham nhũng này vẫn tiếp tục được mở rộng và và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh nội các của Thủ tướng Erdogan.
Trong khi đó, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ thì cho rằng việc kiểm soát cơ quan tư pháp là cần thiết vì hệ thống tòa án của nước này đang đầy rẫy những kẻ muốn bôi nhọ uy tín của chính phủ.
Một nghị sĩ bị đấm vỡ mũi phải vào viện cấp cứu.
Sau cuộc ẩu đả trên, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục phiên họp và thông qua đạo luật trên nhờ số phiếu áp đảo của các nghị sĩ đảng cầm quyền.
Ở bên ngoài nghị trường, tình hình cũng không khá hơn là mấy. Hàng ngàn người đã tụ tập bên ngoài trụ sở Quốc hội để phản đối việc chính phủ hạn chế Internet và bỏ tù nhiều sĩ quan quân đội bị bắt giữ với cáo buộc âm mưu đảo chính lật đổ chính phủ của ông Erdogan. Cảnh sát chống bạo động Thổ Nhĩ Kỳ đã phải sử dụng đến vòi rồng pha hơi cay để giải tán người biểu tình.
Theo Khám phá