Phó thủ tướng chỉ đạo làm rõ nghi án hối lộ 80 triệu yên: Bốn bộ, viện vào cuộc

Thứ ba, 25/03/2014, 07:20
Chiều 24/3, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ thông tin đưa hối lộ tại Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bốn cán bộ phải giải trình

Cụ thể, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Viện KSND Tối cao, Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Ngoại giao chủ động xác minh, làm rõ và liên hệ với các cơ quan chức năng phía Nhật Bản để thu thập hồ sơ tài liệu về việc chủ tịch Tập đoàn Tư vấn giao thông Nhật Bản khai báo đưa hối lộ cho cán bộ thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Nếu phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố, điều tra để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Tàu hỏa hoạt động trên đường sắt giữa cầu Long Biên, Hà Nội.

Tàu hỏa hoạt động trên đường sắt giữa cầu Long Biên, Hà Nội.

Cũng trong ngày 24/3, hai phó tổng giám đốc thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) và một giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đường sắt thuộc Cục Đường sắt - Bộ GTVT đã bị tạm đình chỉ chức vụ, tạm dừng điều hành công việc để giải trình về nghi án nhận hối lộ 80 triệu yên (khoảng 16 tỷ đồng Việt Nam).

Đó là các ông Ngô Anh Tảo và ông Trần Quốc Đông - hiện đều là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty ĐSVN. Trong đó, ông Ngô Anh Tảo là Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban QLDA đường sắt của Tổng Công ty, còn ông Trần Quốc Đông từng giữ vị trí Giám đốc Ban QLDA đường sắt giai đoạn 2009 – 2011. Hai vị phó tổng giám đốc này sẽ tạm dừng công tác điều hành trong thời gian 10 ngày để thực hiện giải trình, làm rõ các thông tin liên quan trong thời gian phụ trách Ban QLDA đường sắt trong giai đoạn 2008 – 2012.

Một quan chức đường sắt khác từng giữ vị trí giám đốc Ban QLDA đường sắt (Tổng Công ty ĐSVN) giai đoạn 2008 – 2009 là ông Trần Văn Lục hiện đang là Giám đốc Ban QLDA thuộc Cục Đường sắt cũng phải tạm dừng điều hành công việc trong 15 ngày từ ngày 24/3 đến 7/4. Ông Lục phải tập trung giải trình trách nhiệm cá nhân trong thời gian làm giám đốc Ban QLDA đường sắt. 

Được biết, thời gian ông Lục làm Giám đốc Ban QLDA đường sắt, đơn vị này đã chọn xong nhà thầu tư vấn thiết kế và tạm ứng tiền cho nhà thầu. Trong quyết định tạm đình chỉ chức vụ, Cục Đường sắt yêu cầu ông Lục cần làm rõ những liên quan đến nhà thầu tư vấn thực hiện gói thầu “Dịch vụ tư vấn kỹ thuật dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1, giai đoạn 1”. Ông Lục phải phối hợp chặt chẽ và có trách nhiệm với Tổng Công ty ĐSVN để thực hiện giải trình, làm rõ các nội dung nêu trên và báo cáo Cục Đường sắt.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt thuộc Tổng Công ty ĐSVN (người bị đình chỉ công tác ngày 23/3 - PV) vẫn khẳng định ông không liên quan gì đến việc nhận hối lộ. “Tôi cam đoan không nhận bất kỳ khoản tiền hối lộ nào từ Công ty Tư vấn giám sát giao thông vận tải Nhật Bản (JTC). Tôi cũng không làm gì sai trái cả. Tôi là đảng viên, tôi cam đoan về điều đó” - ông Hiếu khẳng định.

Diện mạo dự án nghi vấn

Ngày 24/3, Trung tướng Triệu Văn Đạt - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Phó Thủ trưởng Thường trực Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết: Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã chủ động giao cho các đơn vị chức năng thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra phối hợp với Thanh tra Bộ GTVT tiến hành xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, đặc biệt là các dự án mà Công ty tư vấn JTC Nhật Bản đã trúng thầu để xác định trong quá trình thực hiện dự án có những sai sót, vi phạm hay không.

Dự án đang được Bộ GTVT đưa vào “tầm ngắm” trong nghi vấn lãnh đạo JTC lót tay 80 triệu yen chính là dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) có hạng mục cầu đường sắt vượt sông Hồng. Đây là dự án thời gian qua đã gây tranh cãi khi đưa ra phương án xây dựng đường sắt ngay tim cầu Long Biên, đồng nghĩa với việc phải cải tạo cây cầu này. Đứng đầu liên danh tư vấn là JTC.

Dự án có quy mô xây dựng mới đường sắt đôi trên cao điện khí hóa đoạn Giáp Bát - Gia Lâm với chiều dài 15,36km và khu Tổ hợp Ga Ngọc Hồi dài 3,85km. Tổng mức đầu tư 19.460 tỷ đồng (13.972 tỷ đồng vay của Nhật Bản, còn lại là đối ứng của Việt Nam).

Dự án do Tổng Công ty ĐSVN là chủ đầu tư, quản lý dự án là Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU) thuộc Tổng Công ty ĐSVN, tiến độ thực hiện dự kiến từ năm 2008 – 2017.

Dự án đã được ký hiệp định vay vốn Nhật Bản lần 1 với giá trị 4,683 tỷ yen cho công tác thiết kế kỹ thuật và hỗ trợ đấu thầu. JTC đứng đầu liên danh tư vấn trúng thầu vào tháng 4.2008 với giá trúng thầu là hơn 2,9 tỷ yên và trên 320 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện có một số nội dung thay đổi, phát sinh nên tổng giá trị hợp đồng tư vấn sau điều chỉnh là hơn 3,6 tỷ yên và 236 tỷ đồng, thời gian thực hiện kéo dài thêm 11 tháng. Thiết kế kỹ thuật vẫn chưa được duyệt vì còn vướng mắc về phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng.

Sau khi có nghi vấn về việc JTC hối lộ liên quan đến dự án kể trên, ông Đinh La Thăng - Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu tạm dừng giải ngân theo hợp đồng đã ký với JTC, đồng thời tạm dừng thương thảo tài chính hợp đồng tư vấn thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2A với JTC (dự kiến diễn ra vào tháng 7/2014).

Thứ trưởng Bộ GTVT sang Nhật tìm hiểu

Chiều tối 24/3, sau khi nghe báo cáo tình hình rà soát các dự án và kết quả làm việc của đoàn công tác với JICA và Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã quyết định cử Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông trực tiếp sang Nhật để tiếp cận các nguồn thông tin về nghi án nhận hối lộ.

Một trong những mục tiêu được kỳ vọng của chuyến công tác đặc biệt của Thứ trưởng Đông là có được danh sách các cán bộ đã nhận tiền của nhà thầu Nhật Bản.

Phía Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), trong buổi làm việc với Bộ GTVT chiều 24/3 cũng cho biết mới tiếp nhận thông tin về vụ việc qua báo chí.

Trong cuộc họp chiều qua, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đồng tình với đề xuất của Thanh tra Bộ, yêu cầu nhà thầu Nhật cung cấp danh sách cán bộ nhận tiền. Đồng thời, đồng ý thành lập tổ điều tra độc lập.

Theo ông Nguyễn Văn Huyện - Chánh thanh tra Bộ GTVT, để vụ việc được rõ ràng và nhanh chóng xử lý, kiến nghị Bộ GTVT yêu cầu nhà thầu JTC đưa danh sách cán bộ đã nhận tiền của công ty. Bên cạnh đó, cần thành lập Tổ kiểm tra xác minh độc lập với đoàn thanh tra của Bộ. Tổ này sẽ bao gồm cả các cán bộ công an biệt phái sang Bộ GTVT tham gia.

Ông Huyện cũng cho biết, trong ngày 25/3 sẽ có quyết định thành lập đoàn thanh tra theo chỉ đạo của Bộ GTVT.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn