Hành trình 17 ngày truy tìm máy bay Malaysia mất tích

Thứ ba, 25/03/2014, 01:19
Nỗ lực truy lùng tung tích chiếc máy bay Boeing 777 của Malaysia Airlines đã trở thành hoạt động tìm kiếm, cứu nạn quy mô nhất trong lịch sử hàng không thế giới.

Ngày 8/3: Đầu giờ sáng ngày 8/3, chuyến bay số hiệu MH370 rời sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia tới Bắc Kinh, Trung Quốc cùng 239 hành khách và thành viên phi hành đoàn. Chưa đầy một giờ sau, chiếc phi cơ an toàn nhất thế giới đột ngột biến mất khỏi màn hình radar kiểm soát không lưu ở gần vùng thông báo bay của Việt Nam.

Vị trí chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines mất tích.

Ngay sau khi nhận tin báo từ phía Malaysia, Việt Nam đã cử máy bay và tàu tới vùng biển tình nghi, tìm kiếm chiếc máy bay gặp nạn. Chính phủ Việt Nam đã huy động nhiều máy bay tuần thám cùng tàu của hải quân, cảnh sát biển và lực lượng kiểm ngư tới vùng biển nghi vấn để truy tìm tung tích chiếc máy bay. Phía Việt Nam phát hiện vệt dầu loang và nhiều vật thể lạ trên biển song chúng đều không phải của chiếc Boeing 777 mất tích.

Ngày 9/3: Xuất hiện những tuyên bố cho thấy chiếc Boeing 777 quay đầu trở lại Malaysia sau khi biến mất khỏi màn hình radar dân sự. Dữ liệu từ hệ thống radar quân sự của Malaysia phát hiện một máy bay lạ di chuyển theo chiều ngược lại với MH370, tới vùng eo biển Malacca của Malaysia. Thời điểm này, trọng tâm tìm kiếm chiếc máy bay mất tích vẫn trên Biển Đông với sự tham gia của tàu Trung Quốc, Mỹ, Singapore, Philippines và Việt Nam.

Cùng ngày, tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol phát hiện hai trường hợp sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay MH370. Phía Interpol lập tức điều tra nhân thân những hành khách tình nghi đồng thời rà soát lại toàn bộ giấy tờ của những người có mặt trên chiếc Boeing 777 mất tích.

Ngày 10/3: Giới chức Malaysia xác nhận vệt dầu loang trên biển mà Việt Nam phát hiện không phải nhiên liệu chiếc Boeing 777 mất tích. Đây là dầu tràn ra từ các tàu chở hàng qua lại khu vực. Phía Malaysia cũng quyết định tăng gấp đôi điện tích tìm kiếm chuyến bay MH370. Theo đó, vùng biển Vịnh Thái Lan và các khu vực khác trên Biển Đông cũng nằm trong diện rà soát.

Ngày 11/3: Interpol làm rõ danh tính hai hành khách sử dụng hộ chiếu giả trên chuyến bay định mệnh. Họ là hai công dân trẻ tuổi người Iran. Họ sử dụng hộ chiếu bị đánh cắp của một du khách Áo và Italy để tới châu Âu. Interpol không tin sự biến mất của MH370 là một hành động khủng bố. Người ta không tìm thấy mối liên quan giữa hai thanh niên này với các tổ chức khủng bố.

Máy bay vẫn phát tín hiệu 4 - 5 lần sau khi mất tích.

Tuy nhiên, Cơ quan tình báo Mỹ (CIA) không loại trừ khả năng một vụ tấn công gây ra sự cố với chuyến bay MH370. Trong khi đó, phía Malaysia tập trung vào khả năng chiếc máy bay quay đầu trở lại sau khi rời đất Malaysia. Người ta đặt ra 4 giả thiết liên quan tới số phận chiếc máy bay bao gồm không tặc, phá hoại, tâm lý bất ổn hành khách và khả năng tự tử của phi hành đoàn.

Cùng ngày, một phụ nữ cáo buộc cơ phó chiếc Boeing 777 mất tích từng cho bà vào ngồi trong khoang lái trong suốt chuyến bay trước đó. Hãng hàng không quốc gia Malaysia tuyên bố rất “sốc” vì phát ngôn này đồng thời tuyên bố điều tra cáo buộc của người phụ nữ ngoại quốc.

Ngày 12/3: Malaysia mở rộng diện tích tìm kiếm chiếc máy bay mất tích lên 27.000 hải lý vuông, bao gồm cả Biển Đông và eo biển Malacca. Tại thời điểm này, 12 quốc gia tham gia nỗ lực tìm kiếm với tổng cộng 42 tàu và 39 máy bay. Phía Việt Nam cũng tuyên bố mở rộng phạm vi tìm kiếm chiếc Boeing 777 mất tích ở Biển Đông. Cùng ngày, Trung Quốc công khai bức ảnh vệ tinh chụp vật thể nghi là mảnh vỡ chiếc Boeing 777 mất tích trên Biển Đông.

Ngày 13/3: Chính phủ Malaysia phủ nhận cáo buộc của tờ Nhật báo Phố Wall, cho rằng chiếc máy bay vẫn tiếp tục hoạt động 4 - 5 giờ sau khi mất tích. Theo tờ báo Mỹ, chiếc máy bay có thể di chuyển khoảng 3.500 km so với vị trí nó biến mất khỏi màn hình radar.

Trong khi đó, người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Trung Quốc thừa nhận, vật thể trên Biển Đông không liên quan tới chiếc máy bay mất tích. Hình ảnh là sự nhầm lẫn của truyền thông. Trung Quốc cũng điều 11 vệ tinh rà soát vùng biển tình nghi để tìm máy bay mất tích.

Ngày 14/3: Nỗ lực tìm kiếm mở rộng ra vùng biển Ấn Độ Dương. Một số nguồn tin khẳng định, hệ thống truyền dữ liệu tự động về thông số kỹ thuật của chiếc Boeing 777 tiếp tục “ping” 4 – 5 lần sau khi mất tích. Mỗi lần “ping” cách nhau một tiếng nên đây cũng là thời gian chiếc máy bay tiếp tục hoạt động sau khi mất tích.

Tàu khu trục USS Kidd rời Biển Đông tới tìm kiếm máy bay mất tích ở eo biển Malacca và khu vực quanh Vịnh Thái Lan theo yêu cầu của Malaysia.

Ngày 15/3: Phía Malaysia tập trung điều tra sự cố MH370 như là một hành động cố ý. Trong lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng kể từ khi sự cố xảy ra, Thủ tướng Malaysia Najib Razak thừa nhận chiếc Boeing 777 mất tích là hành động có chủ đích, cụ thể là việc vô hiệu hóa các thiết bị định vị của máy bay.

Cũng theo Thủ tướng Razak, chiếc máy bay quay trở lại sau khi biến mất khỏi màn hình radar. Kết hợp hàng loạt dữ liệu, Malaysia dồn trọng tâm tìm kiếm vào vùng biển phía bắc Ấn Độ Dương. Giới chức đưa ra hai hành lang bay khả nghi của chiếc Boeing 777, theo hai hướng bắc và nam của Ấn Độ Dương. Phía Việt Nam tuyên bố ngừng tìm kiếm máy bay mất tích ở Biển Đông.

Ngày 16/3: 25 quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ chiếc Boeing 777. Theo quyền Bộ trưởng Giao thông Malaysia, nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay mất tích bước vào giai đoạn mới khó khăn hơn. Các quốc gia ở sâu trong đất liền như Kazakhstan, Uzbekistan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Pakistan và Bangladesh cũng tham gia nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay.

Hai hành lang bay hình vòng cung nơi MH370 có thể tới sau khi mất tích.

Malaysia tiếp tục điều tra chuyên sâu về các hành khách và thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay MH370. Cảnh sát tiến hành khám nhà cơ trưởng và cơ phó của chiếc máy bay để tìm kiếm bằng chứng. Người ta rà soát từng dữ liệu trong mô hình bay giả lập ở phòng khách nhà cơ trưởng.

Ngày 17/3: Hành lang bay phía nam của chuyến bay MH370 được liệt vào danh sách tìm kiếm. Australia và Indonesia dẫn đầu các hoạt động ra soát ở khu vực này. Số quốc gia tham gia tìm kiếm, cứu nạn lên tới 26.

Ngày 18/3: Trung Quốc tuyên bố công dân của họ trên chuyến bay MH370 không liên quan tới khủng bố. Phía Thái Lan cho rằng, radar quân sự của họ phát hiện máy bay lạ, tình nghi là MH370. Theo đó, nó hướng về phía eo biển Malacca. Quan chức không quân cho biết, thông tin này không được công bố sớm bởi tính chất nhạy cảm của nó.

Ngày 19/3: Cơ quan điều tra liên bang Mỹ tham gia hỗ trợ chính phủ Malaysia. Một số người dân ở quốc đảo Maldives tuyên bố họ nhìn thấy một chiếc máy bay chở khách bay thấp qua khu vực này. Trong khi đó, các điều tra viên nỗ lực khôi phục dữ liệu bị xóa trong mô hình bay giả lập ở nhà cơ trưởng chuyến bay MH370.

Trong khi đó, người ta tiếp tục tập trung vào khả năng chiếc máy bay mất tích ở nam Ấn Độ Dương, nơi Australia và Indonesia đang tìm kiếm. Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra tiết lộ, chiếc máy bay thay đổi lộ trình 12 phút trước khi cơ phó Fariq Abdul Hamid nói “Được rồi, chúc ngủ ngon”.

Ngày 20/3: Thủ tướng Australia công bố về hai vật thể nghi là mảnh vỡ máy bay Boeing 777 mà vệ tinh Mỹ chụp được ở vùng biển Tây Nam nước này. Bốn chiếc máy bay tuần thám của Australia, New Zealand và Mỹ đã tới vùng biển tình nghi để truy tìm tung tích dị vật. Vật thể lớn nhất dài 24 m, nằm cách Perth 2.500 km về phía tây nam. Theo Cơ quan An toàn Hàng hải Australia, khu vực này là một trong những nơi khó tiếp cận nhất trên bề mặt trái đất.

Ngày 21/3: Tàu và phi cơ các nước tìm máy bay mất tích trên biển. Các nhà phân tích cho rằng, vật thể mà vệ tinh Mỹ phát hiện có thể là container, rơi xuống biển từ một tàu vận tải. Trong khi đó, xuất hiện thông tin về cuộc điện thoại bí ẩn của cơ trưởng chuyến bay MH370 mất tích với một người phụ nữ lạ. Một công ty vệ tinh của Anh tuyên bố, họ phát hiện dấu vết vật thể tình nghi là mảnh vỡ MH370 từ nhiều ngày trước.

Thân nhân hành khách trên chiếc máy bay mất tích khóc nức nở vì nghe tin dữ. Ảnh: Reuters.

Ngày 22/3: Vệ tinh Trung Quốc phát hiện vật thể trôi nổi ở Ấn Độ Dương. Trong khi đó, xuất hiện nguồn tin cho rằng chiếc máy bay của Malaysia Airlines chở chất dễ cháy.

Ngày 23/3: Dựa vào kích cỡ mảnh vỡ mà vệ tinh Trung Quốc phát hiện, người ta nghi ngờ nó là cánh chiếc Boeing 777 gặp nạn. Vệ tinh Pháp cũng phát hiện các vật thể ở vùng biển tình nghi. Trong khi đó, phi công điều khiển máy bay tuần thám Australia nhìn thấy kệ gỗ, dây đai nổi trên mặt nước. Giới chức Australia tin tưởng họ sẽ tiếp cận vật thể tình nghi trong ngày.

Ngày 24/3: Máy bay tuần thám Trung Quốc phát hiện vật thể màu trắng ở vùng biển tình nghi. Máy bay Australia cũng tìm thấy những dị vật đáng ngờ. Tàu phá băng Tuyết Long của Trung Quốc gấp rút tới xác minh các vật thể lạ.

Cuối ngày, Thủ tướng Malaysia tuyên bố chiếc Boeing 777 của Malaysia Airlines lao xuống biển Ấn Độ Dương và không ai trong số 239 hành khách và phi hành đoàn sống sót. Tuyên bố của người đứng đầu chính phủ Malaysia khiến thân nhân những người mất tích khóc ngất vì đau đớn. Nhiều người phản ứng cực đoan trước tin dữ mà họ hoàn toàn không muốn nghĩ tới.

Theo Zing

Các tin cũ hơn