Toàn khách thập phương
Chúng tôi không mất nhiều thời gian cho việc tìm đến nhà Trần Văn An, bởi ở thôn, chẳng ai là không biết đến cậu. Vừa bước vào sân, một phụ nữ lim dim nhìn chúng tôi và thở dài: "Đi từ sáng tinh mơ mà đến giờ vẫn chưa được gặp "cậu" các cô ạ, đông thế này lại sợ không xem kịp mất".
Người tới đây có đủ các lứa tuổi, giới tính, thành phần, người ở xa, kẻ ở gần, cả nam lẫn nữ. Có người ở tận Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Nam, Phú Thọ… cũng chẳng quản đường xá xa xôi, lặn lội về tận đây để xem bói và xin thuốc chữa bệnh. Dù sẩm tối “cậu An” mới làm việc nhưng nhiều người đã tới đây từ 6h sáng. Những gương mặt chờ đợi mòn mỏi, tiếng thở dài, đan xen tiếng nói chuyện râm ran về gia cảnh của người tứ xứ. Mới vào, ai cũng phải đi lại nhẹ nhàng, chắp tay lạy “điện”.
Căn phòng màu xanh là điện, nơi mà An xem cho khách. |
Để được “cậu” xem bói cho, nhiều người đã phải gọi điện đặt lịch từ nhiều ngày, có khi từ mấy tháng trước đó. Tiếp đến là phải ghi họ tên, quê quán, năm sinh vào một mảnh giấy nhỏ bằng bàn tay. Nhìn qua danh sách đến đăng ký cũng phải tới vài trăm người. Vậy nhưng, có nhiều người ở xa nhiều khi đến không gặp được "cậu" thì cũng phải tay trắng ra về.
Chuyện của Trần Văn An bắt đầu từ khi cậu 12 tuổi (học lớp 6). Vào một ngày hè tháng 5, cả nhà đang tất bật chuẩn bị giỗ ông ngoại, bỗng nhiên cậu bé chạy đến sắp xếp lại mọi thứ trên ban thờ. “Ông ngoại bảo con phải làm thế mới đúng, ông đang đứng chỉ ngoài cổng kia kìa”.
Ai cũng bán tin bán nghi, chỉ riêng bà ngoại cậu bé – bà Son (Kim Xá, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) là hoàn toàn tin lời cháu. Không lâu sau đó, cậu trở thành thầy bói và người ta cứ đồn thổi rồi kéo đến chỗ cậu càng ngày càng đông. Tất thảy đều người thiên hạ, họ kính cẩn gọi cậu bé mới 12 tuổi ấy bằng "cậu" rất thành kính.
Nói về gia cảnh thì “cậu” An sinh ra trong gia đình có hai người con, cậu và em gái. Từ nhỏ, An đã hay ốm đau nên gia đình nghèo càng chật vật hơn trong việc thuốc thang cho con. Bố mẹ An thương con, gửi hai con cho ông bà ngoại ở xã Kim Xá, Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc nuôi để xuống Hà Nội lao động.
Bà nội An kể, ngày nhỏ An ít bạn bè, trầm tính, ít nói, hay đi chơi một mình, An thường lui tới đền, chùa để lắng nghe những âm thanh lạ xung quanh.
“Dân trong làng không ai tới”
Khi chúng tôi đem thắc mắc về khả năng biết xem bói và chữa bệnh của em Trần Văn An nói với cô Ngân, một người cùng làng, cô cho biết: “Chỉ có người tứ xứ đi ô tô, xe máy về đây nườm nượp để xem bói, chứ dân trong làng thì không ai tới”. Nhiều người hàng xóm của An cũng khẳng định tương tự vì thực ra “An toàn nói dựa hoặc nói những câu hoang đường như có vấn đề về tâm lý”.
Ông Trần Văn Khánh - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường, bộc lộ rõ quan điểm: “Xã không quan tâm đến trường hợp của cháu An, chỉ có dân thiên hạ đến đây xem xét chứ quanh khu vực này có ai đến đâu”.
Sau một ngày chờ đợi, cuối cùng tôi cũng được gặp An. Cậu bé trông có vẻ yếu, người nhỏ bé và đen nhẻm. Vừa về tới nhà, bà nội vui vẻ: “"cậu” đi học về rồi à”, tiếp đó mẹ An nhắc con: “Rửa tay rồi vào ăn cơm đi “cậu”, kẻo mệt đấy”.
Ai tới đây cũng đều gọi An là “cậu”, kể cả ông, bà, bố, mẹ. Chúng tôi cũng chào “cậu” An và được “cậu” hứa sẽ sớm đặt lịch xem cho.
Gia đình "cậu" An (An đứng bên phải ngoài cùng) |
Hiện An đang là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Kim Xá. An chia sẻ: “Nhiều lúc cháu mệt lắm, có ngày cháu giúp cho mấy chục người, không còn thời gian để học. Chưa kể đến việc lúc mới bắt đầu “làm” cháu luôn phải chịu ánh mặt dò xét, ngờ vực của thầy cô, bạn bè. Nhưng về sau, họ tin cháu không nói dối, nên đã chơi với cháu bình thường. Nhiều thầy cô còn vào nhà nhờ cháu giúp”. Tuy nhiên, kết quả học tập của An chỉ đạt trung bình.
Chào gia đình “cậu” An, chúng tôi ra về, trước khi chúng tôi về, An có nói thêm: “Em không muốn mọi người gọi em là “cậu”, em muốn được xưng hô bình thường”. Việc gia đình và mọi người thần thánh An, gọi An là “cậu” ảnh hưởng khá nhiều tới cậu bé.
Hiện tại, An đã 15 tuổi, việc của em là phải đến trường, qua tiếp xúc với em, thực ra chuyện phong em là "cậu" là do mọi người. Bản thân An không muốn.
Về phía chính quyền địa phương, tuy rằng hiện tượng của An chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng về trật tự xã hội, nhưng việc nhiều người tụ tập, đến nhà An để xin lộc, xin thuốc, xem bói toán tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Đồng thời, nếu không ngăn chặn thì đây cũng là địa điểm truyền bá mê tín dị đoan, cần có sự vào cuộc dẹp bỏ của chính quyền.
Theo GDVN