62 tuổi, ngày ngày bà Tư - tên thật là Võ Thị Ngọc Phước - xoay trần với ốc vít, mỏ lết, kìm, khóa... và búa.
Hơn 35 năm gắn bó với nghề sửa xe đạp khiến bà mê nó, mê đến mức bữa nào ốm đau lại nhơ nhớ mùi dầu mỡ cùng tiếng loảng xoảng của mỏ lết và kìm. Đôi tay dù đã hơi run nhưng bà Tư vẫn thuần thục trong việc nạy vỏ xe, bơm hơi, vá lỗ thủng ruột xe cho khách.
Dù đã 62 tuổi nhưng bà Tư vẫn sửa xe rất nhanh và khỏe. |
Bà Tư xuất thân từ một gia đình làm nghề sửa xe nên mấy chị em bà đều học được nghề từ cha ông truyền lại. Khi người em trai vác đồ nghề ra gốc me sửa xe kiếm tiền, mấy chị em gái cũng đi theo giúp.
Người thì nạy vỏ xe, người chà nhám, bôi keo... riết rồi quen tay. Nhưng qua mấy chục năm trời thì nay chỉ còn mỗi bà Tư đeo lấy nghề này. Chính thu nhập từ nghề sửa xe đã một thời nuôi sống bà và các con.
Từng ấy năm gắn bó với nghề sửa xe đạp, giờ đây khi đã già, các con khuyên bà mua xe nước mía bán chứ đừng sửa xe nữa nhưng bà vẫn nói không đành bỏ nghề.
Theo bà Tư, sửa xe đạp không nặng nhọc lắm, chỉ có sửa xe máy thì bà hơi ngại. “Nhiều người ghé vá xe máy, thấy tui xách nón bước ra thì họ dắt xe đi tiếp. Có lúc cũng buồn nhưng đâu trách người ta được. Mình làm không khéo bằng mấy ông nên họ đâu dám giao xe”, bà Tư nói.
Hiện nay chỉ có người nghèo mới đi xe đạp. Bà Tư bảo mình nghèo nên làm cái nghề cũng “nghèo mọn” đặng giúp đỡ bà con nghèo. Mấy ông sửa xe máy giờ cũng ngại vá xe đạp nên bà Tư nói mình ráng làm thay.
Vá xe đạp bà Tư nhận 5.000 đồng, xe máy 10.000 đồng. Gặp người khó khăn thì bà bớt vài ngàn. Bà Tư lấy niềm vui bù vào mức thu nhập cỏn con hằng ngày đặng tạo niềm hạnh phúc sống cho tuổi già.
Theo Tuổi Trẻ