Phiên làm việc buổi sáng 24/4 về Luật hộ tịch, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đề nghị vẫn duy trì hình thức giấy khai sinh cho trẻ em vừa sinh ra, vì điều này đã trở thành truyền thống của nước ta. Chiều cùng ngày, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Luật căn cước công dân và vấn đề giấy khai sinh với thẻ căn cước lại tiếp tục được bàn thảo.
Theo quy định đang thực hiện, trẻ em từ khi sinh ra đến lúc 15 tuổi có đủ dấu vân tay mới được cấp chứng minh thư nhân dân (CMTND). Trước đề xuất thay thẻ căn cước cho giấy khai sinh, Phó chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặt câu hỏi: Nếu áp dụng chủ trương này, trên thế giới, có nước nào cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra như ở như nước ta không?
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, hiện chỉ có 5 nước đang áp dụng cấp thẻ căn cước công dân ngay từ khi sinh ra là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Achentina, Malaysia và Thái Lan. Còn lại hơn 100 nước đều từ 14 tuổi trở lên mới cấp thẻ căn cước.
Không đồng tình với việc cấp thẻ ngay từ khi sinh ra, theo ông Tụng, trẻ dưới 14 tuổi nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự, các giao dịch đều phải cần đến cha mẹ… Vì thế, việc “cấp thẻ riêng cho độ tuổi này chưa thật phù hợp”.
Thứ trưởng Tư pháp cũng nói thêm, việc đăng ký khai sinh là “quyền của trẻ em” được quy định trong pháp luật. Nếu cấp thẻ căn cước thay giấy khai sinh cho trẻ em lại phải thêm các thủ tục cấp thẻ tại cơ quan có thẩm quyền.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng viện dẫn, chi phí làm thẻ căn cước cũng rất tốn kém. Đến khi 15 tuổi lại đổi thẻ, rõ ràng có sự “lãng phí không cần thiết”. Đề nghị UBTVQH cân nhắc, ông Tụng cũng đề xuất phương án: khi đăng ký giấy khai sinh cho trẻ thì ghi số định danh cá nhân trong sổ hộ tịch.
Đồng tình với đề xuất trên, Trưởng ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng, nếu trẻ em dưới 14 tuổi có giấy khai sinh và trên đó có số định danh thì việc quản lý sẽ tốt hơn mà cũng đỡ lãng phí hơn.
Theo ĐB, Luật căn cước công dân do Bộ Công an soạn thảo cũng có cái khó riêng. Bởi hiện mỗi cá nhân đều có CMTND, vậy khi luật này có hiệu lực, liệu có phải làm bỏ hết CMTND và làm thẻ căn cước không.
Tuy nhiên, điều này trong dự thảo đã đề cập rõ. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn giải đáp: Đến khi hết thời hạn CMTND lúc đó mới đổi sang thẻ căn cước. Hoặc công dân có thể đổi luôn và việc đổi lần đầu không mất phí.
Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi thì cho rằng, trẻ em trước 14 tuổi cấp giấy khai sinh hay thẻ căn cước, thực ra cũng chỉ là tên gọi, thực chất nó chỉ là một. Tên gọi không quan trọng, mà cái quan trọng thông tin đó là cái gì và ai có thẩm quyền cấp? Tuy nhiên ông Thi cũng đề nghị trẻ em trước 15 tuổi nên gọi theo giấy khai sinh cho truyền thống.
Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý đưa ra nhận định, nếu cả Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân được thông qua sẽ là một bước đột phá trong quản lý dân cư. Do cơ sở dữ liệu dân cư rất quan trọng, ông Lý đề nghị cần có sự kết nối giữa cơ sở dữ liệu hộ tịch với dân cư.
Trước nhiều ý kiến được đưa ra, cuối buổi làm việc chiều 24/4, Phó Chủ tịch Quốc hội thay mặt UBTVQH đã đưa ra kết luận: sẽ thay giấy khai sinh bằng thẻ căn cước công dân cho trẻ em từ khi sinh ra đến khi hết 14 tuổi.
Về chi phí đổi cấp thẻ, theo tính toán của Bộ Công an sẽ mất khoảng 467 tỷ đồng. Theo ông Sơn số tiền này không lớn, nhưng quan trọng hơn là thấy thuận lợi hơn thì nên thực hiện.
UBTVQH cũng thống nhất cấp thẻ căn cước cùng với số định đanh cá nhân ngay từ sau khi sinh ra và không cần phải dùng đến giấy khai sinh nữa.
Theo lộ trình, đến năm 2015 luật có hiệu lực và sẽ bắt đầu cấp thẻ. Đến năm 2016 sẽ có dữ liệu quốc gia và tới 2020 sẽ có sự thống nhất thẻ căn cước công dân trên toàn quốc.
Theo Infonet