Thanh tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Thứ sáu, 03/10/2014, 09:39
Thanh tra Chính phủ vừa công bố quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và một số đơn vị thành viên.

Phó Tổng thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh phát biểu tại buổi công bố quyết định thanh tra Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Ảnh: Thanh Loan

Theo quyết định thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - Bộ Giao thông vận tải, và một số đơn vị thành viên vừa được Thanh tra Chính phủ công bố, thời kỳ thanh tra từ ngày 1-1-2010 đến hết ngày 31-12-2013. Trong quá trình thanh tra nếu có nội dung liên quan đến trước và sau thời kỳ thanh tra, đoàn thanh tra có thể kiểm tra để làm rõ.

Đoàn thanh tra gồm có 14 thành viên do ông Nguyễn Duy Bính, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra khối kinh tế ngành (Vụ I) - Thanh tra Chính phủ, làm trưởng đoàn. Thời gian thanh tra là 70 ngày làm việc thực tế kể từ ngày công bố quyết định thanh tra.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Ngô Văn Khánh cho biết đây là cuộc thanh tra được tiến hành theo kế hoạch của Thanh tra Chính phủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ông Khánh yêu cầu đoàn thanh tra và các đơn vị cần có sự phối hợp tốt để đạt được kết quả cũng như mục đích đặt ra; hết sức lưu ý trong việc chia sẻ thông tin, thực hiện nghiêm túc và quản lý chặt chẽ mọi thông tin trong quá trình tiến hành thanh tra, không nên có những phát ngôn hay bày tỏ quan điểm từ một phía khi chưa có kết luận cuối cùng của đoàn thanh tra.

Ông Trần Ngọc Thành, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, mong muốn đoàn thanh tra chỉ rõ những điểm đã làm được, chưa được để phục vụ cho mục đích tái cơ cấu một cách toàn diện cũng như đáp ứng yêu cầu đổi mới đối với các hoạt động của ngành đường sắt trong giai đoạn hiện nay.

Được biết thời kỳ thanh tra nêu trên đã xảy ra nghi án đưa - nhận hối lộ 80 triệu Yen giữa quan chức Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) và quan chức Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Từ ngày 1-10, tòa án ở Nhật Bản đã bắt đầu đưa ra xét xử các cựu quan chức JTC, trong đó có cựu chủ tịch Tamio Kakinuma (65 tuổi), cựu giám đốc Tatsuro Wada (67 tuổi) và cố vấn giao thông Koji Ikeda (58 tuổi). Theo thông tin trên báo Kyodo (Nhật Bản), cả ba người này cùng nhận tội hối lộ quan chức ở Việt Nam, Indonesia, Uzbekistan để giành được các dự án đường sắt sử dụng vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Trong tuyên bố khai mạc phiên tòa, các công tố viên khẳng định các quan chức địa phương đã gạ gẫm JTC hối lộ và thậm chí các bị cáo vẫn tiếp tục đưa tiền “lại quả” sau khi giới chức thuế của Nhật phát hiện hoạt động chuyển tiền thiếu minh bạch của JTC hồi tháng 4-2013. Cáo trạng cho biết các bị cáo đã nộp khoản tiền lớn cho ba quan chức cấp cao của công ty Đường sắt Việt Nam từ năm 2009 đến 2014.

Liên quan đến vụ việc này, đến nay Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đã tiến hành điều tra xác minh, làm rõ thông tin về việc JTC đã chi một khoản tiền hối lộ cho một số lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam trong quá trình thực hiện dự án “Đường sắt đô thị  Hà Nội, tuyến số 01 Yên Viên - Ngọc Hồi (giai đoạn I)” bằng vốn ODA của Nhật Bản.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (theo Điều 281 Bộ luật Hình sự) xảy ra tại Ban Quản lý các dự án Đường sắt thuộc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Đồng thời, khởi tố bị can và bắt tạm giam 6 bị can. Các bị can gồm: Trần Quốc Đông (SN 1964), nguyên Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; Phạm Hải Bằng (SN 1969), nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Phạm Quang Duy (SN 1975), nguyên Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Nam Thái (SN 1977), nguyên Trưởng phòng Dự án 3, Ban Quản lý các Dự án Đường sắt; Trần Văn Lục (SN 1958), nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt; Nguyễn Văn Hiếu (SN 1962), nguyên Giám đốc Ban Quản lý các dự án Đường sắt.

Ngoài ra, VKSND Tối cao của Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Bộ Tư pháp Nhật Bản đề nghị trao đổi thông tin chính thức để sớm làm sáng tỏ vụ việc này.
Theo Nguolaodong

Các tin cũ hơn