Họ là những người bán hàng rong, chạy xe ôm, hoặc đứng ở “chợ người” "ai mượn gì làm nấy" với mức thu nhập bấp bênh.
Nhóm trưởng cơm từ thiện Bùi Quang Long (phải) và các em nhỏ trường Đội Lê Duẩn. |
Vài tháng nay đã thành thông lệ, đến trưa chủ nhật, những người lao động nghèo lại về khu vực gần này để mua những suất cơm 5.000 đồng của các bạn trẻ trong CLB Tình nguyện trẻ thuộc Hội LHTN Thành phố Hà Nội.
Mong muốn được giúp đỡ người nghèo
Trưởng nhóm suất cơm 5000 đồng bán tại khu vực cầu Mai Động là bạn Bùi Quang Long, 28 tuổi, hiện đang công tác tại trường Đội Lê Duẩn (Đơn vị trực thuộc Đoàn thanh niên TP Hà Nội).
Long đỗ tốt nghiệp khoa Báo Điện tử - Học viện Báo chí Tuyên truyền. Ra trường nhận thấy công việc không phù hợp, Long chuyển về công tác tại trường Đội Lê Duẩn.
Điểm bán cơm 5.000 đồng chỉ mở một tuần, một ngày vào chủ nhật, bán 70 suất.
Long cho biết, ý tưởng ban đầu xuất phát từ việc nhờ vả một chị bán cơm gần cầu Mai Động. "Bọn mình đi tình nguyện, ghé qua đây ăn cơm. Thấy mặt bằng khu vực bán cơm rộng rãi, mình đề xuất với chị về chương trình cơm 5000 đồng, chẳng ngờ chị ấy gật đầu hợp tác".
Người chủ quán cơm đồng ý cho cả nhóm mượn mặt bằng nấu nướng, nồi niêu, xoong chảo. Những suất cơm ban đầu là do kinh phí đóng góp của cả nhóm, trong đó nhóm trưởng Bùi Quang Long tình nguyện hỗ trợ hơn 10 triệu đồng.
Đến giờ cả nhóm đã bán được tám số vào tám ngày chủ nhật. "Sau tuần đầu, bọn mình cũng nhận được sự ủng hộ của các tấm lòng hảo tâm. Hiện tại mỗi tuần, số tiền đóng góp về nhóm gần như cũng đủ kinh phí để tiếp tục duy trì 70 suất tiếp theo", Quang Long cho biết.
Gần đây toàn bộ rau quả nhận được sự hỗ trợ từ dự án rau sạch Vì cộng đồng Hà Nội. Dự án rau sạch này cũng do các bạn trẻ Hà Nội tình nguyện làm, trồng rau để giúp người nghèo. Hỏi về việc sẽ tiếp tục duy trì những suất cơm 5000 đồng, Quang Long cười: Sẽ cố gắng vận động thật nhiều nhà hảo tâm tiếp tục duy trì dài dài. Chỉ vì mình muốn giúp đỡ người nghèo.
Từ thiện bền vững
Sau 3 số duy trì bán cơm 5000 đồng, chị bán cơm cả nhóm vẫn nhờ đã chuyển nhà từ chỗ có diện tích 80 mét về chỗ chỉ còn 30 mét nên không tiếp tục hỗ trợ. Quán cơm chuyển về nhà Long ở con ngõ nhỏ phố Minh Khai (Quận Hai Bà Trưng – Hà Nội).
“Mình nhận được sự hỗ trợ của gia đình. Cha mẹ hiểu việc mình làm nên ủng hộ để cả nhóm mang về nhà nấu nướng. Vợ mình mới sinh con được 4 tháng. Trước khi sinh, vợ cũng chỉ kinh doanh ở nhà nhưng vì hiểu và thương chồng nên cũng chấp nhận. Quán cơm 5.000 đồng đang trên đà nhận được sự đồng thuận, sẻ chia và đón chờ của nhiều người, mình không muốn bỏ dở nó giữa chừng”, Long chia sẻ.
Chàng trai nói về những dự định trong tương lai: Từ quán cơm 5000 đồng, mình nhận ra gương mặt hạnh phúc của những người nghèo mỗi khi mua được suất cơm rẻ. Từ đó mình đã nghĩ đến việc mở rộng triển khai ở khu vực Viện K cơ sở 2 đóng tại xã Tam Hiệp – huyện Thanh Trì, xóm Chạy thận bệnh viện Bạch Mai – Hà Nội và tiếp tục ngày đêm lên dự án làm từ thiện một cách bền vững.
Long cho biết: Mình bàn với cả nhóm về việc thuê cửa hang mở quán cơm văn phòng. Bọn mình sẽ làm chất lượng và có thương hiệu ngay từ đầu để thu hút đông khách đến ăn. Sẽ dành một phần lãi "chia chung" với những suất cơm nghèo. Mình tin rằng khi biết về dự án này, những người đến ăn cơm văn phòng cũng sẽ thấy vui khi được đóng góp một phần nhỏ bé của mình cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Xa hơn nữa, khi quán cơm “ăn nên, làm ra” bọn mình sẽ thành lập Quỹ "Đồng bào" giúp đỡ những em bé lang thang, cơ nhỡ khắp mọi miền đất nước.
Bùi Quang Long trong màu áo xanh tình nguyện. |
Hạnh phúc là được mang niềm vui cho mọi người…
Từ ngày có quán cơm 5000 đồng tại khu vực cầu Mai động, nhiều bạn trẻ tình nguyện “da diết” trên facebook của mình: “Tự bao giờ đã yêu cái cảm giác bận rộn của ngày chủ nhật như thế này rồi nhỉ? Mỗi một chủ nhật đến là lại một trải nghiệm mới. 7 giờ sáng, mình đón xe buýt số 24 đến nơi tập trung với đội. Buýt ngày chủ nhật vẫn tấp nập từng lượt người lên người xuống, chắc họ cũng chuẩn bị cho một ngày bận rộn như tôi?
8h30 mới đến được nơi tập trung. Mặc dù mình đến muộn tận một tiếng so với thời gian yêu cầu, may mắn thay là trưởng nhóm không giận. Lúc ấy cảm thấy bản thân thật có lỗi. Nhưng rồi cảm giác đó cũng dần dần bị lấn áp bởi cái không khí làm việc khẩn trương của cả đội. Ai nấy cũng đều cặm cụi làm việc, ở ngoài sân thì một nhóm nhặt rau, trong bếp lại một nhóm phụ trách đứng bếp, chế biến. Tất cả đều chú tâm vào công việc của mình, thỉnh thoảng lại tâm sự với nhau vài câu thật gần gũi, thân tình. Tôi nghĩ đến những phút giây hạnh phúc khi được tận tay trao những cô bác nghèo các suất cơm giá chỉ 5.000 đồng, thầm bảo mình, sẽ không cho phép đến muộn hoặc lơ là công việc".
Một cô gái khác đã viết: "Sáng 7/10/2012, chương trình cơm số 5 đã diễn ra đúng kế hoạch với 70 suất, giá 5.000 đồng phục vụ người lao động nghèo tại khu vực cầu Mai Động.
Thực đơn hôm nay gồm cá kho, su su xào, canh mùng tơi, mướp nấu tôm, đậu rán sốt cà chua. Mình muốn viết một chút về chú áo xanh. Hôm ấy công trường ở gần đó bị cúp điện, chú ấy mới ngồi đợi ở gần chỗ chúng mình. “Mất điện vậy là không có việc để làm…”. Câu nói ấy chắc là chất chứa nhiều lắm. Thật nhiều trăn trở. Nhìn chú ấy hiền, giống bố mình. Lúc nhìn chú ấy ngồi bên hè ăn cơm, mình lại nhớ tới những lần bố kể, hồi bố còn nhỏ, mỗi lần cùng bà ra đồng, bữa trưa có một củ khoai lang nhỏ đã là no đủ lắm rồi.
Chả hiểu sao mình lại nghĩ tới bố mình. Có thể chú ấy không giống bố mình về ngoại hình, cách nói chuyện, hay là cả nghề nghiệp nữa nhưng giống bố ở chỗ sẵn sàng lặn lội cả cuộc đời vì gia đình bé nhỏ của mình, vì con…
Hôm thứ 6, đi học về trễ. Mình nảy ra ý định ăn cơm hộp. Mua một suất cơm và cả canh nữa về nhà đổ canh ra bát rồi ăn cơm. Cũng ngon gần bằng cơm mình nấu nhưng tự dưng nhớ tới mấy chú ở quán cơm 5000. Mấy chú ấy ngồi ở vỉa hè ăn cơm hộp, bên cạnh là “cốc” canh chứ đâu có bát, có ngồi ghế, được quạt mát như thế này. Mình lại nhớ chú áo xanh. Nhớ nhà. Nhớ những người quê mình. Bỏ lỡ đi tình nguyện làm ra một số cơm 5000 như lỡ đi dự định của cả một tuần, dù là mình chỉ chạy lăng xăng, làm một tí xíu công việc nhỏ tẹo teo thôi nhưng cũng thấy rất ý nghĩa. Mới thấy “ra biển lớn”, mình chỉ là một hạt nước thật nhỏ.
Dù cho biển thật lớn, có vô tận những hạt nước cũ, mới… mình vẫn mong sẽ luôn được là một hạt nước nhỏ, hữu ích…
Theo Tuổi trẻ Thủ đô