Thảo dược kỳ quái và hoa hình mặt cọp ở Tây Côn Lĩnh

Thứ ba, 07/10/2014, 08:30
Củ loài cây râu hùm này mọc ngược lên mặt đất, cong cong như cái lưỡi câu và sống bất tử, càng già, chúng càng có giá trị dược liệu cao.

Thảo dược kỳ quái và hoa hình mặt cọp ở Tây Côn Lĩnh

Theo chỉ dẫn của vợ thầy cúng Min Phà Sinh, sống trên lưng chừng dãy Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì, Hà Giang), tôi và lương y Phạm Văn Thanh đã phát hiện cả một kho nấm "hình của quý" dưới tán rừng dẻ, gồm những cây dẻ khổng lồ.

Khu rừng dẻ nằm trên độ cao 2.200m, đẹp như cổ tích. Những thân cây dẻ to vài người ôm, rêu xanh mọc trùm kín từ gốc lên đến ngọn. Tán những đại thụ dẻ rộng mênh mông, khiến ánh mặt trời không lọt xuống được, do đó, nền đất ít cây tạp, rất sạch sẽ.

Tôi dựng lều chuẩn bị bữa tối, còn lương y Thanh trèo lên các vách đá tìm cây thuốc. Nghe tiếng anh reo lên sung sướng, tôi chạy lại xem xét.

Thảo dược kỳ quái và hoa hình mặt cọp ở Tây Côn Lĩnh
Lương y Thanh phát hiện cây thất diệp nhất chi hoa rất quý.

Anh Thanh dùng dao nhọn bới lớp mùn lọt trong khe đá, rồi nhấc bổng cả củ, rễ và lá cây lên. Thân cây rất nhỏ, chỉ bằng cái đũa, có 7 chiếc lá hình răng cưa xòe thành một mặt phẳng trông khá kỳ quái. Dù thân nhỏ, nhưng củ của nó lại khá to, dài, cong queo, thành đốt, trông như củ dong.

Anh bảo, đây chính là củ thất diệp nhất chi hoa, còn gọi là củ "bảy lá một hoa", vì nó có 7 lá xòe với bông hoa ở giữa. Cây này còn được gọi là sâm nam, vì nó quý như nhân sâm.

Theo sách cổ và thử nghiệm lâm sàng của các nhà khoa học quốc tế, thất diệp nhất chi hoa có các hoạt chất đặc thù, làm giảm đau, giải độc, an thần.

Thảo dược này có những hoạt chất kết hợp với các hoạt chất trong các loại thảo dược khác với những liều lượng nhất định, thích ứng với từng giai đoạn, có thể khống chế được khối u, loại trừ được tế bào ung thư. Nó có tác dụng rõ rệt với ung thư gan, ung thư phổi, ung thư bàng quang và ung thư vú.

Người Dao ở các tỉnh Lai Châu, Lào Cai đã biết dùng thất diệp nhất chi hoa từ rất lâu đời. Tuy nhiên, đồng bào trên dãy Hoàng Liên Sơn gọi nó bằng cái tên đơn giản là cây rắn cắn, bởi nó có tác dụng giải độc mạnh, chữa rắn độc cắn. Nếu bị rắn độc cắn, chỉ cần đắp củ thuốc này vào vết thương và sắc nước uống, sẽ tiêu nọc độc của rắn.

Trong khi người Việt hiện chưa biết sử dụng loài thảo dược này hiệu quả trong điều trị ung thư, giải độc cơ thể, thì người Trung Quốc đã thu mua gần như sạch sẽ thất diệp nhất chi hoa. Giờ đây, giá một kg thất diệp nhất chi hoa 20-30 năm tuổi, lên tới cả chục triệu đồng.

Theo anh Thanh, từ chục năm nay, anh đã gieo trồng, bảo tồn thất diệp nhất chi hoa tại một cánh rừng sâu trên dãy Hoàng Liên Sơn, nơi không có dấu chân người. Anh trồng hàng ngàn gốc thất diệp nhất chi hoa trong các kẽ đá và đánh dấu trên bản đồ địa hình. Anh bảo, chẳng biết đến bao giờ mới thu hoạch được thất diệp nhất chi hoa, nhưng anh cứ kiên trì gieo trồng, để nguồn dược liệu này không bị tuyệt chủng.

Anh cho biết, có thể dễ dàng làm giàu bằng cách mở rộng việc ươm trồng ở những nơi bí mật trong rừng, rồi thu hoạch bán cho Trung Quốc. Tuy nhiên, dù việc làm đó mang lại cho anh nhiều tiền, anh cũng không bao giờ thực hiện.

Thảo dược kỳ quái và hoa hình mặt cọp ở Tây Côn Lĩnh
Hoa râu hùm màu đen kỳ quái  trên Tây Côn Lĩnh.

Tham vọng lớn nhất của anh là muốn nhân rộng loài thảo dược quý này, nhằm bảo tồn cho nền y dược nước nhà. Anh muốn các nhà dược học ở Việt Nam dày công nghiên cứu về những loài thảo dược quý này, để “Nam dược trị Nam nhân”, như đúng tôn chỉ mà anh treo trang trọng ở nhà thuốc Hoàng Liên Sơn giữa TP. Lào Cai của mình.

Không chỉ phát hiện một quần thể lớn thất diệp nhất chi hoa, lương y Thanh còn phát hiện cả một cánh rừng tràn ngập cây râu hùm trên đỉnh Tây Côn Lĩnh.

Anh dẫn tôi trượt xuống khe một con suối và chỉ vào những bụi cây cao đến bụng, có những bông hoa màu đen trông rất kỳ quái. Bông hoa giống bộ râu hổ, nên người Tày gọi là cây râu hùm. Ngoài ra, người Tày còn gọi là mặt cọp, vì nhìn bông hoa như mặt con cọp. Anh Thanh bảo, đây chính là vị chính, quan trọng nhất trong bài thuốc chữa bệnh viêm loét dạ dày mà anh được cha ông truyền lại.

Lương y Thanh là truyền nhân đời thứ 6 của bài thuốc điều trị dạ dày của dòng họ Phạm Văn ở Ý Yên (Nam Định). Hồi cha anh Thanh, ông lang Đĩnh di cư lên Lào Cai, để nghiên cứu về cây thuốc quý, ông lang Đĩnh đã được thầy thuốc người Tày chỉ cho cây râu hùm.

Người Tày đã biết dùng lá và thân cây râu hùm trong điều trị dạ dày từ hàng ngàn năm trước, song họ không nắm rõ về nó. Người Trung Quốc thu mua củ râu hùm từ nhiều năm qua, nên ngoài tự nhiên rất hiếm gặp.

Ông lang Đĩnh nghiên cứu về cây râu hùm, thì thấy rằng, nó có tác dụng mạnh trong giảm đau và tiêu viêm. Tác dụng của nó như kháng sinh tự nhiên, hiệu quả nhưng rất an toàn. Người Tày thường hái lá nấu cho phụ nữ sau sinh ăn, nhằm tăng sức đề kháng.

Điều đặc biệt, trong khi người Tày điều trị bệnh dạ dày bằng lá và thân cây râu hùm, thì ông lang Đĩnh phát hiện củ râu hùm có tác dụng mạnh hơn. Điều này phù hợp với hành động thu mua của người Trung Quốc. Người Trung Quốc chỉ mua củ râu hùm, chứ không mua thân lá.

Thảo dược kỳ quái và hoa hình mặt cọp ở Tây Côn Lĩnh
Người Tày dùng lá và thân râu hùm, nhưng lương y Thanh phát hiện củ râu hùm có giá trị dược liệu cao hơn.

Lương y Phan Văn Đĩnh đã bổ sung củ râu hùm vào bài thuốc chữa viêm loét dạ dày gia truyền và thấy đạt hiệu quả rõ rệt. Bài thuốc này có tới 20 vị và củ râu hùm đã trở thành vị chính.

Lương y Thanh vạch một bụi cây râu hùm và chỉ tôi cái củ trồi lên mặt đất, có cái đầu cong cong như móc câu. Theo anh Thanh, chỉ những củ có tuổi 10 năm, mới mọc ngược lên mặt đất như vậy và các thầy thuốc chỉ khai thác những củ già như thế để trị bệnh, bởi có dược tính cao.

Anh dùng dao đào bới một lúc, thì moi lên một củ râu hùm nặng khoảng 3kg, dài hơn nửa mét. Lương y Thanh ngắm nghía củ râu hùm, đếm đốt, và cho biết, để có được củ râu hùm lớn như thế này, phải mất 60 đến 100 năm.

Loài râu hùm chỉ sống dưới những tán cây râm mát, không có ánh nắng. Nó lớn nhanh ở những khe ẩm ướt, tối om. Anh Thanh đã trồng thử cây râu hùm ở chỗ có ánh nắng và nhận thấy nó lớn rất chậm. Điều đặc biệt, là cây râu hùm mọc ở chỗ nắng không cho củ.

Tôi thắc mắc rằng, rõ ràng cây râu hùm là thân cỏ, chứ không phải thân gỗ, thì không hiểu vì sao chúng lại sống đến 100 tuổi. Lương y Thanh giải thích rằng, thân cây chỉ có vòng đời một vài năm. Thế nhưng, khi thân già cỗi, chết đi, thì từ cái củ ấy lại mọc ra mầm và phát triển thành cây mới. Củ râu hùm có lẽ bất tử trong lòng đất và càng già, chúng càng có giá trị dược liệu cao.

Theo anh Thanh, riêng râu hùm có vài chục loài khác nhau nhưng chỉ có một loài là thần dược trị bệnh viêm loét dạ dày.

Theo VTCnews

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích