Các con phố trung tâm Hong Kong ngày 6/10 không còn nêm chặt người biểu tình như trước. Ảnh: 15minutenews |
Người biểu tình ngừng phong tỏa các tòa nhà chính quyền ở trung tâm Hong Kong, tâm điểm của đợt đấu tranh có thời điểm thu hút tới hàng chục nghìn người tập trung trên phố.
Các công chức đã được đi qua rào chắn của người biểu tình mà không bị cản trở. Nhiều ngân hàng đã hoạt động trở lại vào hôm qua sau khi đóng cửa chi nhánh suốt tuần vì biểu tình,BBCđưa tin.
Trước đó, lãnh đạo Hong Kong Lương Chấn Anh thông báo cảnh sát sẽ làm mọi việc có thể để các doanh nghiệp, trường học và dịch vụ công ích trở lại hoạt động vào hôm 6/10.
"Tôi không nghĩ những người biểu tình đã đạt được điều gì đáng kể vào thời điểm này, nhưng ít nhất chúng tôi đã gây được sức ép lên các quan chức chính quyền cấp cao nhất, vì họ có vẻ sẵn sàng đối thoại hơn trước đó",Reutersdẫn lời Tsz Hong Lan, 20 tuổi, sinh viên Đại học Hong Kong.
Cuối giờ chiều qua, khoảng 100 người biểu tình vẫn còn tập trung ở khu vực có văn phòng của nhiều ngân hàng quốc tế và thị trường chứng khoán chính. Một số sinh viên vẫn thách thức và hứa sẽ quay lại sau lớp học buổi tối.
"Tôi hy vọng các sinh viên có thể trụ vững. Nếu chúng tôi rút lui bây giờ, chúng tôi sẽ mất quyền thương lượng",Reutersdẫn lời sinh viên Chow Ching-lam khi đang học bài trên nền đất gần văn phòng của ông Lương Chấn Anh.
Hôm qua, những người đòi dân chủ chuyển từ biểu tình ngồi sang tụ tập bên ngoài văn phòng của ông Lương Chấn Anh. Xe cộ đã có thể đi qua con đường chính dẫn đến quận trung tâm khi nhiều người biểu tình đã rời khỏi đó. Làn sóng biểu tình đã hạ nhiệt, khi nhiều người đã về nhà vào ban đêm rồi trở lại sau.
Gần 50 tỷ USD "bốc hơi"
Hàng chục nghìn người tuần trước xuống đường đòi ông Lương Chấn Anh từ chức và chính quyền đại lục cho phép người dân Hong Kong tự do bầu chọn lãnh đạo của họ trong đợt bỏ phiếu năm 2017.
Bắc Kinh tuyên bố biểu tình ở Hong Kong là bất hợp pháp, nhưng vẫn để cho chính quyền của ông Lương Chấn Anh tìm giải pháp, China Daily đưa tin ngày 6/10.
Nhiều sinh viên thôi tụ tập sau khi các thủ lĩnh sinh viên bắt đầu gặp quan chức chính quyền để đặt nền tảng cho đối thoại về cải cách chính trị. Đài truyền hình Hong Kong RTHK đưa tin, các thủ lĩnh sinh viên đã gặp đại diện chính quyền tại Đại học Hong Kong cuối ngày 5/10 nhưng vẫn chưa rõ họ sẽ tìm được giải pháp như thế nào.
"Kỳ vọng của cả hai phía về cuộc đối thoại rõ ràng vẫn là khác biệt", BBC dẫn lời Lester Shum, Phó tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, phát biểu tại cuộc họp báo.
Các chuyên gia ước tính, đợt biểu tình lần này ở Hong Kong đã cản trở nhiều hoạt động kinh doanh, làm tiêu tan gần 50 tỷ USD giá trị chứng khoán Hong Kong. Ngân hàng Thế giới cho biết, đợt biểu tình đang làm tổn thương nền kinh tế Hong Kong, nhưng tác động đối với Trung Quốc cho đến thời điểm này vẫn rất hạn chế.
Ngày 6/10, báo Trung Quốc People’s Daily đăng ba bài viết về biểu tình ở Hong Kong. Một bài viết dẫn lời các chuyên gia nói rằng, hầu hết cư dân Hong Kong sẽ có nhận định hợp lý về tình hình và sẽ ủng hộ chính quyền hợp pháp của đặc khu hành chính này.
Theo Tiền Phong