Mùa giải năm nay chứng kiến lượng đề cử giải Nobel Hòa Bình ở mức kỷ lục: 278 đề cử, và dù danh sách này là bí mật, một số cái tên được những người thạo tin bàn đến. Trong số đó có Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) với tiết lộ động trời về chương trình theo dõi của chính phủ nước này. Anh được hai thành viên quốc hội Na Uy đề cử.
Ông Kristian Berg Harpviken, người đứng đầu Viện nghiên cứu hòa bình ở Oslo (PRIO), là một trong số ít các chuyên gia hàng năm đăng danh sách những người có thể chiến thắng, dù chưa lần nào dự đoán chính xác.
Năm nay, ông xếp Snowden vào vị trí thứ hai, sau Giáo hoàng Francis, vì anh phơi bày chương trình theo dõi điện tử của Mỹ. Tuy nhiên, ông cũng phải công nhận rằng cựu chuyên gia phân tích tình báo sẽ là một lựa chọn gây tranh cãi, "vì nhiều người tiếp tục coi anh là một kẻ phản bội và một tội phạm".
Dẫu vậy, 5 thành viên của Ủy ban Nobel có thể trao giải cho Snowden để "nhấn mạnh sự độc lập của Ủy ban Nobel" khỏi chính quyền Mỹ và Na Uy, theo Nobeliana.com, trang web do những nhà sử học Nobel Na Uy hàng đầu điều hành. Snowden hiện chạy trốn lệnh truy nã Mỹ, sống lưu vong ở Nga.
Cựu nhân viên CIA Edward Snowden là một trong số những người được đề cử giải Nobel Hòa Bình. Ảnh: Reuters |
Trong khi đó, một số người bác bỏ đồn đoán Snowden có thể nhận giải Nobel. "Việc trao nó cho Snowden sẽ là hành động rất dũng cảm", AFP dẫn lời Robert Haardh, giám đốc tổ chức Người bảo vệ Quyền Dân sự, nói. "Tuy nhiên, nhìn lại lịch sử, tôi không thể thấy điều đó xảy ra. Việc đó quá gây tranh cãi, và người Scandinavia quá thân với nước Mỹ".
Giáo hoàng Francis, người đang đứng đầu danh sách của nhà cái Paddy Power với tỷ lệ cá cược 9-4, cũng sẽ là một lựa chọn gây tranh cãi khác.
"Sự phân bổ của cải không đồng đều quy mô lớn trên khắp toàn cầu gây hại đến hòa bình... Giáo hoàng Francis đã thu hut sự chú ý tới số phận của những người nghèo, và sự cần thiết của một hướng tiếp cận mới đối với phát triển và tái phân bổ kinh tế", lãnh đạo Viện nghiên cứu Hòa bình Oslo nhận xét.
Nhưng nhưng người khác chỉ ra rằng việc Giáo hoàng nhận giải Nobel hòa bình sẽ gây ra phản ứng tương tự như đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama năm 2009. Ông Obama nhận giải chưa đầy một năm sau khi nhậm chức, làm dấy lên những lời phàn nàn rằng ông được giải vì những việc tốt có thể trong tương lai thay vì những thành tựu ông thực sự đạt được.
Những cái tên khác như Malala Yousafzai, nhà hoạt động 17 tuổi người Pakistan đấu tranh vì quyền lợi phụ nữ và trẻ em gái, hay bác sĩ người Congo Denis Mukwege cũng nằm trong số các ứng viên được dự đoán. Tổng thống Nga Vladimir Putin được Học viện Quốc tế Hữu nghị và Hợp tác của Nga đề cử giải này vì đã nỗ lực ngăn Mỹ không kích chống chính quyền của tổng thống Syria.
"Năm nay được đánh dấu bằng nhiều vụ việc kịch tính. Điều đó có thể đồng nghĩa với việc danh sách sẽ khác", ông Harpviken nói. Ông tin rằng ủy ban sẽ tìm kiếm một ứng cử viên có liên quan tới những vụ chấn động hay cuộc xung đột lớn trong năm ngoái. "Tuy nhiên, điều đó không nhất thiết đồng nghĩa rằng họ sẽ tìm thấy một ai đó", ông nói thêm.
Quan điểm này đồng điệu với ý kiến của một số nhà phân tích, rằng các cuộc chiến đang diễn ra ở Trung Đông và Ukraine không dễ dàng đem đến cho ứng viên giải Nobel Hòa bình.
Năm ngoái, giải Nobel Hòa bình được trao cho Tổ chức Cấm vũ khí Hóa học. Giải Nobel đầu tiên được công bố sẽ là giải về Y tế vào ngày 6/10, sau đó tới giải Vật lý vào ngày mai, tiếp đến là giải Hóa học (8/10). Nobel Hòa bình được công bố ngày 10/10. Giải Kinh tế, nhiều lần thuộc về người Mỹ, kết thúc mùa giải Nobel vào ngày 13/10.
Người giành giải sẽ nhận 1,11 triệu USD. Các giải về khoa học thường được nhiều người chia sẻ, điều thỉnh thoảng xảy ra với giải về hòa bình.
Theo VNE