Hầu hết mọi người đều cho rằng, những người phụ nữ vốn "liễu yếu đào tơ" không thể trở thành trụ cột trong gia đình. Tuy nhiên ít ai biết ở một số nơi trên thế giới, vai trò của người phụ nữ rất được coi trọng.
Họ không những làm chủ gia đình mà còn có tiếng nói trong cộng đồng người sinh sống. Cùng ghé thăm một vài bộ tộc, vùng đất - nơi mà phụ nữ làm "bá chủ", nắm mọi quyền hành trong gia tộc.
1. Bộ tộc Mosuo, Trung Quốc
Sinh sống ở vùng núi phía Tây Nam Trung Quốc, bộ tộc Mosuo được biết đến là xã hội theo chế độ mẫu hệ cuối cùng trên thế giới.
Với dân số khoảng 40.000 người cư trú tại những ngôi làng dọc theo hồ Lugu (Tứ Xuyên, Trung Quốc), người dân thuộc "vương quốc nữ nhi" này gần như không có khái niệm nào về vai trò của người chồng hay người cha.
Trong suốt 2.000 năm qua, phụ nữ là người quyết định mọi việc quan trọng trong gia đình, từ việc sở hữu đất đai, nhà cửa, giữ trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ trong bộ tộc.
Đặc biệt hơn, những phụ nữ Mosuo có quyền ngủ với bất cứ đàn ông nào họ muốn. Nét đặc trưng văn hóa độc đáo này là "hôn nhân một đêm" khi người nữ giới bắt đầu vào độ tuổi 13.
Theo đó, phụ nữ Mosuo được phép đưa người đàn ông lọt vào mắt xanh của mình về phòng ngủ mỗi tối và các chàng ra về vào sáng sớm hôm sau.
Những đứa bé sinh ra sẽ được nuôi dạy bởi người phụ nữ, cha của đứa trẻ sẽ không được công nhận và chỉ được gọi chung là "chú" hay "bác". Không chỉ vậy, những người đàn ông sẽ không bao giờ được phép tranh luận hay can thiệp gì về vấn đề này.
Việc phụ nữ Mosuo không kết hôn và những đứa trẻ không có cha có thể khiến nhiều người nghĩ rằng bộ tộc này không coi trọng cuộc sống gia đình nhưng sự thật là điều này không đúng.
Theo cư dân Mosuo, gia đình được coi là một thứ quan trọng hơn mọi mối quan hệ khác, tuy nhiên do không kết hôn nên họ không có khái niệm sẽ ly dị hay ly thân.
Với sự giúp đỡ của chính quyền, dù không kết hôn nhưng phụ nữ Mosuo cũng bắt đầu có mối quan hệ gắn bó với một người đàn ông.
2. Bộ tộc Minangkabau, Indonesia
Trên đảo phía Tây Sumatra tồn tại một dân tộc mẫu hệ mang tên Minangkabau. Điều này đồng nghĩa rằng, phụ nữ sẽ là người làm chủ gia đình và thừa kế tài sản, trong khi đó đàn ông có nhiệm vụ... duy trì nòi giống.
Chính vì phải giữ vai trò kể trên nên nhà gái luôn đặt vấn đề gia thế nhà trai làm tiêu chí hàng đầu để lựa chọn.
Theo đó, trí thông minh, ngoại hình, gia tộc quyền quý... của chàng trai sẽ được nhà gái xem xét tỉ mẩn bởi lẽ, thông thường đứa con sẽ chịu di truyền về phẩm hạnh, thể chất, trí thông minh của cha.
Ngược lại, nhà trai cũng mong muốn "công tử" nhà mình cưới được gia đình có tài chính tốt, sở hữu được nhiều ruộng đất. Sự kết hợp hoàn hảo này sẽ cho ra đời những đứa trẻ vượt trội, giúp thanh thế gia tộc vươn xa.
Trong xã hội Minangkabau, chỉ có phụ nữ mới có quyền thừa kế.
Theo phong tục của người Minangkabau, khi lấy vợ, người đàn ông chỉ được ân ái vợ mình vào ban đêm. Ban ngày, họ sẽ phải về nhà mẹ đẻ để phụ giúp gia đình. Nếu một người đối xử tệ bạc với vợ, ngay lập tức người đàn ông đó sẽ bị đuổi ra khỏi nhà vợ và bị cả cộng đồng tẩy chay.
3. Bộ tộc Garos, Ấn Độ
Garos là một trong số ít những bộ tộc mẫu hệ còn sót lại trên thế giới, sinh sống ở Meghalaya, Ấn Độ và các khu vực lân cận của Banglades.
Theo truyền thống của người Garos, người con gái út sẽ được thừa hưởng toàn bộ gia tài từ mẹ. Trong khi đó, người con trai trong gia đình sẽ phải rời bỏ cha mẹ từ khi bắt đầu tuổi dậy thì để đến nhập học tại trường ký túc xá của bộ tộc.
Khi đến tuổi kết hôn, những cô gái Garos sẽ đến ngôi trường này và có quyền ra bài toán tuyển chọn chồng. Nếu ưng mắt ai, cô hoàn toàn có thể "bắt" anh ta về gia đình mình.
Sau khi kết hôn, người chồng sẽ chung sống ở nhà vợ. Mặc dù tài sản thuộc quyền thừa kế của phụ nữ nhưng những người chống của họ được phép sử dụng và quản lý khối tài sản đó. Tuy nhiên trước khi làm việc gì, người chồng cũng phải thông qua ý kiến của người vợ.
Người phụ nữ Garos trong trang phục truyền thống.
Với người Garos, cuộc hôn nhân không phải là một bản hợp đồng ràng buộc đến trọn đời. Nếu như người chồng không thể nhân số tài sản đó lên, anh ta có thể bị "sa thải" và nhận lấy sự kỳ thị của cộng đồng.
4. Bộ tộc Nagovisi, New Guinea
Sinh sống ở phía Tây đảo New Guinea, cư dân tộc người Nagovisi được biết đến với chế độ mẫu hệ độc đáo. Phụ nữ Nagovisi là người giữ vai trò lãnh đạo, điều hành các nghi lễ. Đây được coi là một trong những niềm tự hào nhất của người dân Nagovisi.
Theo truyền thống của người Nagovisi, người phụ nữ sẽ chịu trách nhiệm chăm sóc, cai quản mẫu đất trồng thực phẩm của gia đình. Do đó, một trong những yêu cầu đầu tiên mà những bố mẹ cô dâu lựa chọn chồng cho con gái mình là chàng trai đó phải khỏe mạnh, rắn rỏi, thông minh... để có thể khai hoang và mở rộng ruộng đất nhà mình.
Tuy nhiên, nếu một người đàn ông chịu giúp làm vườn cho một cô gái và họ đã có quan hệ thì cặp đôi này sẽ được coi là vợ chồng. Dù luôn nắm quyền chỉ đạo và là "trụ cột" trong nhà nhưng nếu cặp vợ chồng Nagovisi cãi vã, người đàn ông sẽ có quyền từ chối không ăn thực phẩm, dừa từ khu vườn nhà vợ.
Để làm hòa, phụ nữ Nagovisi sẽ phải mang đến một chú lợn con để bù đắp cho người chồng. Nếu người chồng từ chối bất cứ món quà gì từ người vợ, điều đó có nghĩa là cặp đôi này sẽ ly dị.
Theo Mask online