Bình minh ló dạng, đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hoàng Su Phì, Hà Giang) trong vắt. Phía dưới, mây trắng bồng bềnh. Những mỏm núi thuộc dãy Tây Côn Lĩnh vàng óng như thể hiện ra từ mặt biển.
Tôi và lương y Phạm Văn Thanh cứ ngược con suối Chúng Phùng mà đi. Suối trên đỉnh núi chạy quanh co, ít nước, nước róc rách dưới chân những tảng đá lớn như đàn voi nằm thành lối. Cứ dọc suối mà cuốc bộ rất dễ đi, lại không sợ bị lạc.
Theo lương y Thanh, rất nhiều cây thuốc quý mọc ở chỗ tối và khe vách ẩm ướt, nên những người hái thuốc chuyên nghiệp thường đi dọc suối. Nếu phát hiện cây thuốc, thì từ địa điểm đó, đi sang hai phía, vòng quanh quả núi.
Con suối tràn ngập thạch xương bồ bất tử trên Tây Côn Lĩnh |
Cây thuốc trên núi cao thường mọc theo một bình độ hẹp. Nếu cây thuốc xuất hiện ở một địa điểm nào đó, thì trên độ cao tương đương ở địa điểm khác nhất định sẽ có. Có những loại cây thuốc chỉ mọc ở độ cao nhất định, lên trên hoặc xuống dưới vài chục mét không có nữa. Cả triệu năm nay, chúng chỉ sinh trưởng ở độ cao đó.
Chúng tôi cuốc bộ đến gần trưa, thì dừng lại trên một tảng đá lớn. Con suối thật kỳ lạ, cỏ cây um tùm, sạch sẽ. Lương y Thanh bảo: “Nhà báo thử nhìn con suối này xem có gì khác lạ không?”.
Tôi nhìn quanh quất, chẳng thấy có gì đặc biệt. Đó là một con suối bình thường như những con suối chảy len lỏi trong rừng già.
Lương y Thanh bảo: “Chúng ta đang ngồi trên đống thuốc quý đấy”. Anh chỉ tay vào những khóm cỏ mọc ở kẽ những tảng đá lớn bảo rằng, đây là loại cỏ đặc biệt, khá kỳ dị, là vị thuốc quý chữa nhiều bệnh, trong đó chữa bệnh phong thấp là phổ biến nhất.
Thủy xương bồ mọc ở dưới nước |
Trời ạ! Cả một con suối, dài hàng km, toàn là thuốc quý. Khóm cỏ mọc thành cụm, trông như lá hẹ, nhưng to hơn, dài hơn, xanh thẫm, mà tôi dẫm lên suốt hành trình lại là cây thuốc rất quý, khá đắt tiền.
Điều lạ là loại cỏ này chỉ mọc ở kẽ những hòn đá dưới suối. Những tảng đá cách suối vài mét tuyệt nhiên không có khóm cỏ nào.
Lương y Thanh bảo, người Trung Quốc thu mua cây thuốc này rất nhiều. Trước đây, các con suối đều xuất hiện bạt ngàn, nhưng giờ thì rất hiếm. Bản thân lương y Thanh cũng dùng loài cỏ này trong nhiều bài thuốc.
Mấy năm trước, đồng bào dân tộc cứ đi dọc con suối, gặp khóm thuốc nào là nhổ tận gốc, trốc tận rễ bán cho người Trung Quốc.
Người Trung Quốc chỉ thu mua vài năm thì cây thuốc vốn mọc đầy bên suối này vãn hẳn.
Củ thạch xương bồ xuyên sâu vào kẽ đá |
Điều lạ là nó chỉ mọc ở các kẽ đá ẩm ướt giữa suối, không biết giấu mình trong các hang hốc, vách núi sâu thẳm, nên số phận nó thật mong manh.
Mặc dù đều mọc ở dưới suối, nhưng theo lương y Thanh, chúng là hai loại khác nhau, hai vị thuốc khác nhau. Một loại tên thạch xương bồ, một loại là thủy xương bồ. Thạch xương bồ là loại mọc hoàn toàn trên đá, còn thủy xương bồ thì mọc dưới nước của dòng suối. Hai loại này cũng có chất lượng khác nhau.
Trong sách cổ, xương bồ được coi là thuốc tiên. Lương y Thanh đọc thuộc vanh vách một đoạn nói về xương bồ, trong sách Đạo tạng kinh: “Người ta lấy xương bồ về, ngâm nước vo gạo một đêm, đem cạo hết vỏ, thái lát mỏng, phơi khô, tán nhỏ, luyện với mật, viên bằng hạt ngô, sấy hay phơi khô để làm thuốc.
Ngày uống hai lần: sáng sớm và tối trước khi đi ngủ, mỗi lần uống 30 viên, dùng rượu chiêu thuốc. Sau một tháng tiêu cơm; hai tháng trừ đờm; hàng năm thì xương tủy đầy, đẹp người, đen tóc, răng rụng lại mọc…”.
Trong Đông y Việt Nam còn có câu nói về xương bồ: “Thông ư cửu khiếu/ Đạt ư tứ chi”. Nghĩa là, xương bồ có tác dụng thông đến 9 khướu, đi hết đến chân tay.
Mới đây, lương y Thanh đã thử sử dụng thạch xương bồ cùng một số vị thuốc bí truyền để trị bệnh “điếc mũi” cho bệnh nhân Nguyễn Thị Bứa (tổ 7, thị trấn Bát Xát, Lào Cai).
Chị Bứa bỗng nhiên mất khứu giác suốt 3 năm liền. Mũi chị không có cảm giác gì, không ngửi thấy mùi vị gì cả. Chị đã chữa trị khắp nơi, uống đủ các loại thuốc song không ăn thua. Thế nhưng, anh Thanh sử dụng bài thuốc từ thạch xương bồ, uống đúng 2 thang, chị Bứa đã ngửi lại được như bình thường. Còn nhiều ví dụ khác, không thể kể hết được.
Theo lương y Thanh, các cụ nhiều đời nhà anh đã dùng thạch xương bồ điều trị các bệnh đau hệ vận động, điều trị thấp khớp như viêm đa khớp, gout. Thạch xương bồ có thể dẫn thuốc đến tận đầu các ngón tay, chân để loại trừ bệnh tật.
Tuy nhiên, lương y Thanh chuyên về bệnh dạ dày, nên anh chưa có thời gian nghiên cứu nhiều về bài thuốc này. Mặc dù vậy, anh đã chuyển giao cho một số thầy lang chuyên điều trị phong thấp, để bổ sung hoàn thiện bài thuốc chữa phong thấp, nhằm trị bệnh, cứu người hiệu quả.
Ở miền núi, người Dao biết về cây thuốc này, nhưng không biết cách chế biến, không nắm rõ tác dụng, nên hiệu quả sử dụng không cao. Người Giáy, người Tày trồng thủy xương bồ ở rãnh nước quanh nhà để dùng như hương liệu, chứ không biết dùng làm thuốc. Họ cho vào nước tắm cho thơm, vì lá chúng có tinh dầu.
Điều đáng buồn là khoa học nước nhà chưa có nghiên cứu về cây thạch xương bồ. Thế nhưng, có lần, một vị giáo sư, tiến sĩ dược học hẳn hoi, đã phát ngôn rằng, loài cỏ này có độc dược cao, không nên dùng làm thuốc.
Nhà khoa học kia phát ngôn như vậy trong hoàn cảnh người Trung Quốc ráo riết thu gom thạch xương bồ chế biến thuốc. Ngay như cây cỏ nhung, cỏ kim cương cũng vậy. Người Trung Quốc mua với giá 20 ngàn đồng/kg, sau tăng lên 50 ngàn, rồi bây giờ là vài triệu đồng/kg tươi, thì các nhà khoa học của chúng ta vẫn chưa biết cây cỏ ấy có tác dụng gì, họ mua để làm gì.
Nghe vị giáo sư nọ nói vậy, lương y Thanh ấm ức lắm. Anh viết thư phản đối lập luận của ông ta. Người Trung Quốc có nền dược học phát triển cả vạn năm nay, nên họ không thể hồ đồ, thu mua cây xương bồ về làm… chất đốt.
Tác giả bên khóm thủy xương bồ |
Theo lương y Phạm Văn Thanh, nọc rắn vô cùng độc, nhưng cũng là thuốc trị bệnh. Điều quan trọng là người thầy thuốc phải biết chế biến chúng theo đúng cách thức để loại bỏ độc tính, sử dụng đúng liều lượng, với đúng thể trạng người bệnh, thì chúng là thuốc trị bệnh rất quý.
Cũng theo lương y Thanh, những bụi thạch xương bồ mọc nhiều trên những tảng đá dưới suối, nhưng để thu hoạch được vài kg tươi là điều không dễ dàng.
Thạch xương bồ phải có tuổi trên 20 năm, tức là củ của nó phải có hơn 20 đốt, mới làm thuốc được.
Những con suối nước chảy hiền hòa, thì mới có được thạch xương bồ nhiều năm tuổi. Chỉ cần một cơn lũ cuốn qua, thạch xương bồ sẽ bị cuốn trôi hết và quần thể thạch xương bồ ở con suối ấy lại sinh trưởng từ đầu. Vậy nên, cả con suối rậm rì thạch xương bồ, chưa chắc đã lấy được củ nào dùng làm thuốc.
Thạch xương bồ mọc ở kẽ đá, và củ của nó xuyên sâu vào trong kẽ nứt của tảng đá. Vậy nên, để lấy được củ thạch xương bồ người ta phải đục thủng tảng đá rất cứng dưới suối.
Củ thạch xương bồ anh Thanh dùng làm thuốc. |
Những củ thạch xương bồ quý hiếm, có tuổi 60-100 năm mà lương y Thanh cùng tác giả khai thác trên Tây Côn Lĩnh |
Thạch xương bồ là bụi cỏ, nhưng chúng sống bất tử. Lá già rụng xuống lá non lại mọc lên. Cứ mỗi năm, củ ra một đốt. Để lấy được củ thạch xương bồ 100 tuổi, phải đục một lỗ sâu vào tảng đá tới 0,6m, thậm chí là 1m, phải mất cả buổi đục đẽo phá đá phồng cả tay.
Để có nguồn thạch xương bồ làm thuốc, lương y Thanh phải gieo trồng cây thuốc này dọc con suối trên đỉnh Tả Phời (Hoàng Liên Sơn). Chẳng biết anh có được thu hoạch không, hay lại có anh chàng Mông nào đó cõng gùi vô tình đi qua, rồi sung sướng nhổ sạch món béo bở trời cho ấy.
Lương y Thanh không quan tâm đến điều đó, bởi nếu mang suy nghĩ ấy, anh sẽ không trồng được cây thuốc nào. Anh mong rằng, những khóm thuốc anh gieo trồng nơi kẽ đá sẽ trổ hoa, đậu quả, rồi hạt nó trôi theo dòng nước, đậu lại trong các kẽ đá hạ nguồn, rồi tiếp tục mọc lên trên những tảng đá.
Theo VTCnews