Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô, Ban bảo tồn, tôn tạo phố cổ kết hợp cùng Trung tâm nghệ thuật Dân tộc đã tái hiện một cách chân thực lại cảnh sinh hoạt của một gia đình trung lưu của Hà nội trước năm 1945.
Khung cảnh đưoc tái hiện lại là ngôi nhà số 87 phố Mã Mây. Đây là một trong những ngôi nhà cổ được xây dựng đầu thế kỷ 19. Hoạt động này nhằm giới thiệu với khách du lịch nét văn hóa Hà Nội xưa và nhằm thúc đẩy công việc bảo tồn văn hóa cũng như các di tích của Hà Nội.
Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây được tôn tạo vào năm 1999 trên nền ngôi nhà cũ và đến nay đã trở thành điểm du lịch đối với du khách đến thăm phố cổ. Được cải tạo theo lối kiến trúc truyền thống nhà 2 tầng, hình ống và có nhiều lớp, giữa các lớp nhà có sân để lấy ánh sáng và không khí.
Kết cấu chủ yếu của ngôi nhà là gỗ, mái lợp ngói âm dương với hệ thống kèo gỗ và có nhiều họa tiết trang trí. Gian bếp với những đồ dùng, vật dụng như kiềng, rế, niêu đất, mâm gỗ... vốn không còn hiện diện trong những căn bếp hiện đại.
Sau đây là một số hình ảnh về không gian sống, nếp sinh hoạt của gia đình trung lưu Hà Nội trước năm 1945 với 3 thế hệ (Ông bà, người con trai làm nghề giáo, người vợ bán hàng và các cháu) đang được tái hiện tại Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây:
87 Mã Mây là một trong 14 ngôi nhà cổ ở Hà Nội được xây dựng từ thời kỳ năm 1890, đây là loại nhà ở truyền thống của khu Phố cổ Hà Nội được nhà nước đầu tư tôn tạo như một dấu ấn lịch sử của Hà Nội 36 phố phường. Các phòng đều được thông nhau trong kiểu kiến trúc hình ống. Những khoảng không ở các lối đi được dùng để kê đồ, bàn làm việc. Đây là nơi cả nhà ngồi uống nước, nói chuyện với nhau. Không gian thờ của gia đình được đặt trên tầng 2. "Máy hát" là một vật dụng nhằm khẳng định về mức sinh hoạt của các gia đình khá giả. Điều đặc biệt trong không gian tái hiện này chính là gian bếp với những đồ dùng, vật dụng như kiềng, rế, niêu đất, mâm gỗ... vốn không còn hiện diện trong những căn bếp hiện đại. Cạnh bếp là bể và chum đựng nước cùng với đó là chậu rửa bằng đồng. Chậu đồng là vật dụng của các gia đình khá giả, vào thời kỳ đó đa phần người dân sử dụng chậu sành hoặc chậu gỗ. Thời này, chất liệu dành cho may mặc thường là vải thô đũi nếu cao cấp hơn là lụa tơ tằm... Cảnh sinh hoạt tối thân thuộc trong gia đình trung lưu Hà Nội trước 1945. |
Theo MASK Online