Dự án đội vốn do tỉ giá?

Thứ tư, 08/10/2014, 11:24
Các chuyên gia đã tìm ra nguyên nhân dẫn tới sự cố đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai vừa thông xe đã bị nứt và hướng xử lý, khắc phục.

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) chiều 7/10, ông Lê Kim Thành, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cho biết kết quả khoan khảo sát địa chất bổ sung tại vị trí xảy ra vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai cho thấy ở Km83+025 - vị trí trung tâm của vết nứt - có sự bất thường về địa tầng.

Nứt vì nền đất yếu

Ngay trong ngày 7/10, Bộ GTVT đã chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp xử lý vết nứt trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai với sự tham gia của đại diện Hội đồng Nghiệm thu nhà nước, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông, Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), Tổng Công ty Tư vấn Thiết kế giao thông vận tải (TEDI), Viện Khoa học Công nghệ GTVT.

Ông Thành cho biết cuộc họp đã kết luận: Đoạn nứt nằm trong đoạn địa chất phức tạp, có sự bất thường về địa tầng, lớp đất yếu nằm trực tiếp trên nền đá có độ dốc ngang ra phía ngoài gần 30% đã xuất hiện hiện tượng trượt sườn, làm mất ổn định dẫn tới nứt mặt đường.

Vết nứt tại Km83 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai Ảnh: ĐỖ DU

Vết nứt tại Km83 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai

Các chuyên gia cũng thống nhất quan điểm xử lý vết nứt phải bảo đảm mục tiêu khai thác liên tục, an toàn tuyến đường; phải thi công ngay bệ phản áp để bảo đảm ổn định nền đường với kích thước rộng 20m, cao 2,5m, dài 180m. Quá trình thi công bệ phản áp cần được kết hợp với các biện pháp tính toán, quan trắc và thẩm tra điều chỉnh kịp thời. Căn cứ trên kết quả xử lý, sẽ tiếp tục triển khai các bước tiếp theo, bảo đảm ổn định lâu dài nền đường.

Dự án kéo dài, vốn biến động

Giải thích về nguyên nhân các dự án đường sắt đô thị ở TP.HCM và Hà Nội đều đội vốn đầu tư rất lớn, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng chủ yếu xuất phát từ vấn đề tỉ giá ngoại tệ.

“Theo quy định hiện nay, tổng mức đầu tư duyệt bằng VNĐ nhưng lại vay vốn ODA để thực hiện và tính bằng ngoại tệ nên khi thay đổi tỉ giá thì cũng phải ghi theo giá của ngoại tệ. Rất nhiều dự án từ khi nghiên cứu, phê duyệt đầu tư tới khi bắt tay triển khai thực hiện khoảng cách lên tới 5-7 năm với bao nhiêu biến động”, ông Đông giải thích.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nêu ví dụ về một dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội được phê năm 2003 nhưng 11 năm sau (2014) mới bắt đầu triển khai thực hiện và tổng mức đầu tư đã tăng gấp đôi.

“Dự án này đã làm tí nào đâu mà gọi là đội giá? Hay như dự án Cát Linh - Hà Đông phê duyệt từ năm 2005. Khi phê duyệt, đoàn tàu được sử dụng của Trung Quốc thuộc thế hệ thứ nhất nhưng bây giờ, khi sắp đưa vào khai thác thì đã là thế hệ thứ 5 rồi, thế hệ thứ nhất không còn nữa nên giá cả phải khác đi”, ông Trường lý giải.

Ông Trường cho rằng phải đi vào tìm hiểu thực chất thì mới rõ ràng hết được chuyện tăng tổng mức đầu tư tại các dự án đường sắt đô thị, chứ không phải việc tăng đó do khâu tổ chức dự án không tốt.

Xử lý cán bộ thanh tra doanh nghiệp Thành Bưởi

Về vụ việc Bộ GTVT vừa có kết luận thanh tra - khẳng định xe hợp đồng của Công ty TNHH Thành Bưởi hoạt động vận chuyển khách trên tuyến TP.HCM - Đà Lạt không trái với các quy định, trong khi đoàn thanh tra trước đây đã có những phát ngôn không đúng, ông Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Đoàn thanh tra do ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ GTVT, làm trưởng đoàn. Trong quá trình kiểm tra đã phát hiện ra cái sai của doanh nghiệp Thành Bưởi nhưng sau đó, doanh nghiệp này chưa “tâm phục, khẩu phục” nên Bộ đã giao Chánh Thanh tra Bộ GTVT tiếp tục kiểm tra, rà soát lại.

“Đoàn thanh tra (trước đó - PV) làm chưa hết trách nhiệm, chuyên môn còn hạn chế. Bộ trưởng đã có chỉ đạo, trên cơ sở đó sẽ kiểm điểm trách nhiệm tổ thanh tra vì đã kết luận chưa đầy đủ”, ông Đông nói.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn