Con người miền Tây thật bụng, chất sông nước phóng khoáng và hào sảng. Quan niệm cuộc sống giản đơn tự tại. Hôn nhân cũng vậy, lắm lúc khoát tay cái “rẹc” là xong.
Đám rước dâu miền sông nước. Ảnh minh họa
Xin cưới vợ lẽ cho chồng
Đầu tháng 6/2012, bà Lê Thị Đào (54 tuổi) lăm lăm lá đơn trên tay đến gặp lãnh đạo xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu xin... cưới vợ bé cho chồng.
Bà lấy chồng đã gần 30 năm qua, vợ chồng sống với nhau được ba mặt con, gia đình hạnh phúc, có của ăn, của để.
Nhưng trong đơn bà viết: “Tôi sẵn sàng chấp nhận nỗi đau nhất trên đời của người phụ nữ phải chia sẻ hạnh phúc với người khác. Tôi chỉ yêu cầu cô Xuân phải lấy chồng tôi và hai người chung sống suốt đời, mãi mãi hạnh phúc bên nhau. Tôi chấp nhận không có ý kiến gì cả vì hai người đã có mối tình mấy chục năm nay”.
Bà Dương Thị Xuân (54 tuổi), người bị bà Đào “yêu cầu” phải lấy chồng mình, cho hay bà và ông Phước (chồng bà Đào) xưa học chung lớp, có yêu nhau. Sau đó, ông Phước nhập ngũ, còn bà tiếp tục đi học.
Xuất ngũ, ông Phước cưới bà Đào qua mối lái. Còn bà Xuân thì làm công tác ở ấp, đến tận cuối năm 2011 mới “phát sinh tình cảm” với ông Hùng, nhỏ hơn bà 12 tuổi.
Tôi chỉ yêu cầu cô Xuân phải lấy chồng tôi và hai người chung sống suốt đời, mãi mãi hạnh phúc bên nhau. |
Bà kể: Đến lúc sắp cưới, ông Phước bỗng quậy tưng bừng, ngăn cản vì còn yêu bà Xuân. Bị ông Phước quấy quá, bà Xuân tức giận thách: “Nếu anh nói ngon vậy, thì về thôi vợ đi rồi tôi lấy anh”.
Biết không thể thôi vợ, ông Phước quay về năn nỉ bà Đào. Tưởng đâu bà Đào sẽ nổi máu hoạn thư, nồi tan bát vỡ ai dè ngược lại, bà đồng ý cái rụp! Đích thân bà chủ động làm đơn xin cho chồng cưới bà Xuân làm vợ lẻ.
Chủ tịch xã Ninh Quới lúc ấy, ông Võ Như Ý phải tổ chức chính quyền đoàn thể phân tích cho bà Đào và ông Phước hiểu pháp luật Việt Nam chỉ công nhận một vợ một chồng, nên yêu cầu của họ không thể chấp nhận. UBND xã sau đó còn phải đứng ra “bảo vệ” cho đám cưới của bà Xuân mới yên sự việc.
Ảnh minh họa
Vụ án cô dâu bỏ trốn
Vài năm trước, anh Thành ở ấp Cạnh Đền III, xã Vĩnh Phong Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang và chị Giang ở ấp Bờ Xáng bên cạnh, nhờ mai mối lấy nhau. Đám cưới diễn ra, rất đông bà con, họ hàng, bạn bè đến chia vui.
Đêm tân hôn, khi anh Thành vào phòng thì Giang viện cớ mệt, chưa muốn “gần gũi”. Hai đêm tiếp theo, cô dâu cũng viện lý do tương tự để từ chối.
Anh Thành gặng hỏi nguyên nhân vì sao lạnh nhạt như vậy. Chị Giang không trả lời mà hỏi anh Thành chi phí lo đám cưới hết bao nhiêu. Anh Thành nói khoảng 30 triệu đồng. Lặng thinh một lúc chị Giang thở dài: “Chắc khoảng 3 năm nữa, em mới hoàn trả lại đủ số tiền này cho anh”.
Nghe vợ nói vậy, anh Thành không hiểu đầu cua tai nheo ra làm sao, chỉ lẳng lặng đi ngủ.
Lúc đầu, Hồng nhất quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân “tình chị, duyên em” này. Về sau, nghĩ thấy gia đình quá nghèo, thương cha mẹ cơ cực nên cô chấp nhận lên xe hoa về nhà chồng. |
Đến ngày phản bái, nhà trai mang cặp vịt đến nhà gái. Trong lúc hai bên đang ăn nhậu vui vẻ thì tân nương xin mẹ chồng cho đi hấp tóc rồi... trốn biệt. Gia đình nhà trai nổi giận, đòi nhà gái phải tìm bằng được con dâu đưa về, nếu không, phải bồi thường toàn bộ chi phí cưới hỏi.
Ngay hôm sau, nhà gái nhờ chính quyền địa phương qua thương lượng với nhà trai về khoản bồi thường, vì chẳng biết cô dâu trốn ở đâu mà tìm. Lúc đầu, nhà trai nhất quyết không cho bồi thường tiền mà yêu cầu nhà gái phải đi tìm và trả con dâu lại cho họ.
Đến khi được chính quyền địa phương giải thích rằng cuộc hôn nhân giữa Thành và Giang là do mai mối, chứ không phải tự nguyện, đừng nên o ép con cái lấy nhau. Nghe giải thích, nhà trai chịu “hạ nhiệt” và đồng ý cho nhà gái bồi thường tất cả chi phí cưới hỏi trên 12 triệu đồng.
Trớ trêu là nhà gái nghèo quá, không có tiền để trả cho nhà trai. Lúc này, nhà trai cũng nói thật là lúc đầu định cưới Hồng, là em gái của Giang cho Thành, chứ không muốn cưới Giang. Nghe vậy, nhà gái hứa về bàn lại, có thể gả Hồng làm vợ Thành thay thế Giang, đồng nghĩa với việc khỏi phải bồi thường 12 triệu đồng.
Vài ngày sau, nhà trai tiếp tục đến nhà gái yêu cầu cưới Hồng về làm dâu. Không còn cách nào khác, gia đình nhà gái đồng ý để Hồng thay chị Giang làm vợ anh Thành.
Lúc đầu, Hồng nhất quyết không chấp nhận cuộc hôn nhân “tình chị, duyên em” này. Về sau, nghĩ thấy gia đình quá nghèo, thương cha mẹ cơ cực nên cô chấp nhận lên xe hoa về nhà chồng.
Chính quyền địa phương lúc đó cho rằng không thể can thiệp vì hôn nhân xuất phát từ sự “tự nguyện” của hai bên gia đình. Cô em Hồng giờ đã là bà mẹ của hai đứa con, hạnh phúc bên anh nông dân rặt hiền lành, tốt tính.
Ảnh minh họa
Tình em duyên chị
Anh Nguyễn Thanh Tùng, nhà ở đường Nguyễn Văn Cừ, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ làm nhân viên ngành điện. Anh thường tới lui nhà ông Hai Mum ở Bình Minh, Vĩnh Long. Nhiều năm thân thiết, ông Hai Mum thương anh Tùng như con, hứa gả cho anh cô con gái tên Lài nhu mì, xinh đẹp.
Bẵng thời gian làm lụng, kiếm tiền cưới vợ. Anh Tùng qua đặt vấn đề xin cưới chị Lài. Ông Hai Mum giật mình buồn xo nói chị Lài đã ưng người khác, nhất quyết không nghe lời ông. Ông không cản được, đành chiều ý chọn ngày lành tác hợp.
Họ lấy nhau được hơn chục năm. Chồng bớt nhậu ham làm, vợ tảo tần khéo léo. Có với nhau hai mặt con, gia đình hạnh phúc no ấm. |
Anh Tùng buồn thất thểu. Tức thì ông Hai Mum đề xuất gả cô chị tên Là cho anh coi như bù. Chị Là không đẹp bằng em gái nhưng cũng hiền lành, nết na. Anh Tùng không chần chừ, đồng ý cái “rẹc”.
Họ lấy nhau được hơn chục năm. Chồng bớt nhậu ham làm, vợ tảo tần khéo léo. Có với nhau hai mặt con, gia đình hạnh phúc no ấm.
Người miền Tây đậm chất "thiên nhiên". Nhiều người bảo rằng đã phải duyên phải nợ với nhau thì trốn trời không thoát. Duyên nợ có thể khai sinh tình yêu và dung dưỡng hạnh phúc bền chặt.
Theo MTG