Thương xá Tax: Sẽ có một Hội thảo về phương án bảo tồn

Thứ sáu, 10/10/2014, 08:03
Trong thời gian tới, sẽ có một Hội thảo về vấn đề bảo tồn Thương xá Tax, để đưa ra những phương án cụ thể.

Phải có phương án bảo tồn cụ thể

Đó là khẳng định của KTS Nguyễn Văn Tất trước sự việc Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP.HCM vừa gửi một lá thư cho UBND TP.HCM và Bộ VH-TT-DL đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần Thương xá Tax sắp sửa bị phá dỡ để xây dựng thành một trung tâm thương mại cao 40 tầng.

Ông khẳng định: "Sắp tới, tôi sẽ có ý kiến cụ thể tại một Hội thảo về vấn đề này".

Bên cạnh đó, ông cho rằng, phải đưa ra phương án bảo tồn cụ thể như thế nào, phương án xây dựng khu trung tâm thương mại cụ thể như thế nào thì mới có thể đưa ra những ý kiến cụ thể.

Xoay quanh sự việc này, nhìn nhận ở góc độ mỹ học, TS Nguyễn Thế Hùng cho rằng, văn hóa một dân tộc là nền tảng, là cốt lõi, là diện mạo, là linh hồn của một dân tộc. Chính vì thế, theo ông, nếu bây giờ làm mất đi, thì sẽ không còn gì để nói với đời sau. Vì vậy thì hãy giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc. Cũng như các di tích nếu đã bị mất đi thì sẽ còn gì để nói với con cháu.

Ông Hùng khẳng định: "Đó là sự vô lễ với lịch sử, một hành động không có văn hóa, Sài Gòn mênh mông không thiếu đất để xây dựng, đừng vì lợi ích kinh doanh, kinh tế mà xóa bỏ lịch sử đi".

Sẽ có Hội thảo để đưa ra phương án bảo tồn Thương xá

Sẽ có Hội thảo để đưa ra phương án bảo tồn Thương xá.

Hơn thế, theo ông thì Thương xá Tax còn là kỷ niệm của nền văn minh thương mại Sài Gòn, cái để tự hào Sài Gòn là thành phố của thương mại, tiền có thể kiếm không theo cách này thì theo cách khác, còn di tích lịch sử thì tiền cũng không mua được.

Chối bỏ lịch sử sẽ phải trả giá

Đánh giá ở một góc độ khác, ông Hùng thẳng thắn nhận định: "Phá Thương xá là bắn đại bác, súng lục vào lịch sử, trước sau gì cũng sẽ phải trả giá".

Vì thế, nên không phải giữ lại một phần mà giữ lại toàn bộ nguyên trạng hiện nay, dó là cách trân trọng lịch sử. Đây cũng là văn hóa ứng xử với cha ông, với lịch sử dân tộc, là cách hành xử có văn hóa, có hiểu biết, trân trọng lịch sử.

"Chúng ta ai cũng biết, Sài Gòn là nơi phát triển về văn minh thương mại, nhưng còn thiếu rất nhiều những di tích lịch sử, nên cần giữ lại để xây dựng bản sắc văn hóa cho đất nước nói chung và Sài Gòn nói riêng.

Đừng bao giờ quên, di tích lịch sử là hồn cốt của dân tộc, do cha ông để lại nên nó sẽ trường tồn mãi với thời gian. Một đất nước chỉ có thể ngẩng đầu khi có một nền văn hóa riêng, bản sắc riêng, nếu đã phá đi thì sẽ không có gì bàn với hậu thế, thế giới cũng sẽ không biết đến Việt Nam bởi vì không có gì là bản sắc văn hóa", ông Hùng cho hay.

Thêm nữa, một điều khiến ông rất bức xúc, đó là người Việt Nam mà không có tâm huyết bảo vệ lịch sử của dân tộc mình, mà phải để người nước ngoài lo hộ, thực sự là điều đáng xấu hổ, đáng suy nghĩ.

Con cháu không giữ được cho ông cha mà phải để người khác nhắc nhở. Đừng nhìn vào giá trị kinh tế mà phải nhìn vào giá trị văn hóa, đó mới là cái nhìn thấu suốt lịch sử, cái nhìn đúng.

Trước đó, ngày 8/10, theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Phần Lan tại TP.HCM cho biết Bộ VH-TT&DL đã có phản hồi về bức thư đề nghị bảo tồn một số hạng mục của Thương xá Tax mà Lãnh sự quán cùng một số ngoại giao đoàn gửi đi trước đó.

Bộ VH-TT&DL đã đề nghị UBND TP.HCM giao cho cơ quan chuyên môn nghiên cứu để có phương án xử lý hiệu quả trong việc bảo tồn giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Thương xá Tax (Trung tâm thương mại Sài Gòn - tên chính thức) và có văn bản gửi Bộ sau khi đã có phương án thống nhất.

Trong lá thư của đại diện Tổng lãnh sự quán Phần Lan tại TP.HCM gửi cho UBND TP.HCM và Bộ VH-TT-DL đề xuất một số giải pháp nhằm giúp bảo tồn một phần Thương xá Tax.

Giải pháp thứ nhất là giữ nguyên trạng “phần sảnh lobby chính, cùng sàn lót gạch mosaic và cầu thang chính của Thương xá Tax” để sau này sẽ được “tích hợp vào phần thiết kế của tòa nhà mới sẽ được xây dựng thay thế”.

Còn nếu giải pháp trên không được thực hiện thì lá thư đề nghị “sẽ có một giải pháp khác để tháo dỡ, di chuyển và giữ lại các phần thiết kế (sàn khảm mosaic, lan can, tay vịn và các đầu cầu thang chạm trổ) của cầu thang và lobby sảnh chính”.

Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn