Thông tin Bộ Công thương dự thảo quy định quản chặt quán bia từ điều kiện nhiệt độ, nhà vệ sinh, nhân viên bán hàng, quán phải tránh được côn trùng xâm nhập... khiến nhiều chủ quán bia lo lắng sẽ phải “đóng cửa” vì không đáp ứng được quy định.
Ảnh minh hoạ - Nguồn: Phunutoday
Quy định phi thực tế
Hai bên mặt đường Lê Đức Thọ (Hà Nội) có hơn 20 nhà hàng, quán bia lớn nhỏ, nhưng chưa đầy một nửa số đó chỉ có vài phòng kín lắp điều hòa, còn lại phần lớn diện tích quán chỉ có mái che, sử dụng quạt điện làm mát. Vì thế, các chủ quán bia rất đỗi ngạc nhiên về dự thảo quy định nhiệt độ quán không quá 30 độ C, nhà vệ sinh đủ chỗ cho 25 người, quán phải tránh được côn trùng xâm nhập và cư trú...
Đọc lướt dự thảo thông tư của Bộ Công thương, chị Diệp, quản lý nhà hàng Huyền Linh khẳng định, thế này thì cả hai nhà hàng của chị chỉ có nước đóng cửa. “Nhà hàng rộng 30m2, nhà vệ sinh sao có thể đủ chỗ cho 25 người? Quán thì hở, làm sao trang bị điều hòa? Lại càng không thể đảm bảo không có kiến hay gián xâm nhập, cư trú tại khu vực nhà hàng”, chị Diệp than khổ.
Nhân viên nhà hàng trên đường Lê Đức Thọ cũng băn khoăn, dù nhà hàng hướng tới đối tượng khách thu nhập khá trở lên, nhưng cũng chỉ có vài phòng lạnh khép kín, còn lại đều là phòng mái che, buông rèm và dùng điều hòa cây. Với phòng hở thế này, nếu ngoài trời nóng 38 - 40 độ C, làm sao đảm bảo nhiệt độ trong nhà hàng dưới 30 độ C?
Còn anh Tú, chủ quán tại đường Trần Cung thì lo lắng vì quy mô quán nhỏ, chỉ có anh và một nhân viên nữ nữa vừa chế biến đồ ăn cho khách, vừa phục vụ bia, hoa quả, thanh toán tiền. “Giờ bắt tôi phải đội mũ, đeo khẩu trang, găng tay, rồi nhúng tay vào chậu nước vô trùng trước khi giao bia cho khách thì chắc quán phải tuyển riêng một người bán bia, doanh thu quán không cáng đáng nổi”.
Đa phần quán bia đều hở nên khó có thể giữ nhiệt độ dưới 30 độ C (hình minh họa)
Không khả thi
Dù Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương), khẳng định những quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh Bia là hướng đến điều kiện làm việc hợp lý cho nhân viên lao động cũng như bảo vệ sức khỏe cho họ và người tiêu dùng, nhưng TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát vẫn nhìn nhận đây là những quy định thiếu thực tế, không khả thi.
Theo ông Việt, bia là sản phẩm chủ yếu phục vụ đối tượng bình dân nên thường được bán ở các quán hở, vỉa hè, lòng đường, trong khi khí hậu Việt Nam nắng nóng, nên nếu yêu cầu nơi bán bia phải dưới 30 độ C thì các quán bia không thể đáp ứng.
TS. Việt cho rằng, những dự thảo quy định về bia, rượu gần đây của Bộ Công thương khá khó hiểu. Bộ Công thương là cơ quan quản lý ngành bia rượu, có trách nhiệm quy hoạch, thúc đẩy phát triển ngành, nhưng lại dự kiến đưa ra những quy định làm khó doanh nghiệp.
“Tôi không hiểu vì sao Bộ Công thương đưa ra Thông tư này, vì những quy định an toàn thực phẩm thì đã có trong Luật An toàn thực phẩm, các quy định như chủ cơ sở, nhân viên phải được kiểm tra Y tế, có chứng nhận tập huấn an toàn thực phẩm... ngành Y tế đã quy định từ nhiều năm nay. Nếu cần siết chặt an toàn thực phẩm bia rượu, chỉ cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm”, ông Việt nói.
Theo các chuyên gia kinh tế, nếu dự thảo Thông tư này được phê duyệt, chắc chắn sẽ tạo ra những “giấy phép con” cho Bộ Công thương, một Bộ đang dẫn đầu danh sách “nhà vô địch” giấy phép con theo kết quả sơ bộ rà soát các ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện mà Viện Quản lý kinh tế T.Ư vừa công bố ngày 6/10. Hiện Bộ Công thương có 68 điều kiện kinh doanh thuộc những ngành nghề kinh doanh do Bộ này quản lý và ban hành.
Theo Giao thông vận tải