Từ lâu, nhiều chiến dịch làm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân trong việc sử dụng BCS cùng các biện pháp tránh thai khác được đẩy mạnh. Thế nhưng, dù xã hội đã cởi mở, tân tiến thế nào, việc đi mua BCS vẫn còn nhiều ngại ngần...
Một khách nam đang hỏi mua BCS |
“Vợ chồng tôi dự định sinh con, bác sĩ khuyên vợ tôi nên ngừng uống thuốc tránh thai. Trong vài tháng sắp tới, nên sử dụng BCS để đợi hết tác dụng phụ của thuốc. Lấy nhau cũng vài năm, nhưng lần đầu tiên tôi mới sử dụng biện pháp này. Trưa vắng, tôi chạy đến một nhà thuốc nhỏ, cách xa nhà vài cây số. Người bán trong quầy thuốc là một phụ nữ còn trẻ. Đợi khách mua thuốc xong hết, chỉ còn lại một mình, tôi ngại ngùng hỏi mua một hộp BCS. Cô bán thuốc cũng bẽn lẽn hỏi tôi mua loại nào, rồi nêu giá cả từng loại.
Đang trả tiền, có 1-2 người khách đến mua thuốc. Thấy hộp BCS tôi đang cầm trên tay, họ nhìn như tôi là “người ngoài hành tinh”. Không hẳn là xấu hổ, mà tôi cảm thấy khó chịu vì mình “tình ngay, lý gian”, bị xem như đang làm việc gì xấu xa” – anh H.T.N (30 tuổi, ngụ phường Bình Khánh, TP. Long Xuyên, An Giang) chia sẻ.
Chị N.M.N (19 tuổi, ngụ phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) cũng cùng tâm trạng: “Chồng tôi rất ngại mua “thứ này”, nên tôi thường tranh thủ đến nhà thuốc mua một loại thuốc nào đó cho gia đình, rồi “nhân tiện” mua BCS luôn. Bản thân là nữ, nên tôi xấu hổ lắm, cứ để nguyên khẩu trang, mắt kính che mặt, đề phòng người quen nhìn thấy”.
Tâm lý e ngại khi phải nhắc tới BCS còn ở ngay cả những người bán sản phẩm này. Chị Phụng, chủ một hiệu thuốc nhỏ ở phường Mỹ Hòa (TP. Long Xuyên), cho biết: “BCS được xem là một loại hàng hóa phụ bán kèm ở hiệu thuốc, nên chỉ có vài loại. Khách tới mua có tâm lý không thoải mái, khiến mình cũng bị ảnh hưởng lây, cứ vội vàng bán cho xong. Có khách hỏi thêm này nọ, mình cứ trả lời qua loa”.
Hiện nay, một số cửa hàng chuyên bán BCS đã xuất hiện, khi nắm bắt nhu cầu trên thị trường. Chị Nguyễn Thị Nga, 40 tuổi, chủ một cửa hàng BCS phường Bình Đức (TP. Long Xuyên), chia sẻ: “Phong tục tập quán in sâu trong tâm trí, khiến mọi người có ác cảm với BCS. Chỉ cần thấy ai đó cầm một gói BCS, chắc chắn họ sẽ bị mọi người chú ý và cho rằng “làm việc bậy bạ”. Bản thân tôi, khi mới bước vào nghề thật sự rất ngại, thậm chí muốn nghỉ việc. Trải qua nhiều khóa tập huấn, với kinh nghiệm làm việc, tôi mới nhận thấy mình lạc hậu quá. Chính vì vậy, tôi quyết định mở cửa hàng để kinh doanh BCS.
Thời gian đầu, nói thật là buôn bán ế ẩm lắm, hầu như khách chỉ chạy ngang, không dám bước vào mua. Khi được truyền thông rộng rãi về sự an toàn, tiện dụng của BCS, nhiều người ý thức hơn, ghé lại cửa hàng nhờ tư vấn kỹ trước khi mua. Hiện nay, mỗi ngày tôi bán được từ 20-30 chiếc, nhưng đa phần là khách quen. Còn số lượng khách vãng lai mua không nhiều. Điều quan trọng nhất là người bán phải nắm rõ tâm lý khách hàng, thật tự nhiên, nhiệt tình trong quá trình trao đổi với khách thì khách sẽ giảm sự ngại ngùng”.
Phó Trưởng phòng Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh An Giang) Đỗ Văn Hữu cho biết: “Đến thời điểm này, đã có gần 300.000 chiếc BCS được tiếp thị xuống tất cả địa phương trong tỉnh, nhưng số lượng đó chỉ đáp ứng 10% nhu cầu sử dụng; 90% còn lại được cung ứng từ thị trường bán lẻ, các hiệu thuốc… Như vậy, có thể thấy nhiều người đã dần quen với việc sử dụng BCS trong đời sống tình dục. Tuy nhiên, chắc chắn vẫn còn một bộ phận người dân chưa hiểu rõ về BCS nên còn ngại ngần, kỳ thị chúng. Cần nhận thức rằng, sử dụng BCS để bảo vệ mình và phòng tránh thai là một hành vi đúng đắn, được xã hội và Nhà nước ủng hộ”.
Trong một báo cáo công bố tháng 3/2013, ông Nguyễn Đức Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cho hay, một phần ba thiếu niên Việt Nam dưới 18 tuổi cho rằng sử dụng bao cao su là hành vi "không phù hợp" và có tới 16% nói rằng bao cao su chỉ dành cho gái mại dâm và những người ngoại tình.