Báo Nhật:Trung Quốc dùng tàu cá "gặm nhấm" Senkaku

Thứ sáu, 24/10/2014, 10:09
Trang tin Business Insider (Mỹ) vừa dẫn tin từ tờ Nikkei Asian Review (NAR) của Nhật Bản cho rằng, Trung Quốc dường như đang dùng chiến thuật “gặm nhấm” hòng giành sự kiểm soát Senkaku/Điếu Ngư.

Hôm 23/10, Business Insider dẫn lại bài viết từ NAR cho biết: “Từ tháng 1 đến tháng 9/2014, Cảnh sát biển Nhật Bản đã phải yêu cầu tàu đánh cá Trung Quốc ngừng hoạt động trong vùng biển của Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 208 lần, gấp 2,4 lần so với năm ngoái và gấp 26 lần so với năm 2011.

Đoàn tàu cá Trung Quốc.

Trung Quốc đã tăng đáng kể số lượng tàu đánh cá đi vào các khu vực tranh chấp, đồng thời giảm số lượng tàu tuần tra hoạt động xung quanh quần đảo tranh chấp.

Trung Quốc đang cố gắng sử dụng tàu dân sự để làm xói mòn các tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với Senkaku/Điếu Ngư. Đây là một chiến lược xảo quyệt nhưng có thể có hiệu quả, NAR nhận định. Nó bình thường hóa hoạt động của các tàu Trung Quốc xung quanh quần đảo, nhưng không đủ để Nhật Bản can thiệp quân sự.

Sự thay đổi chiến lược này có nét tương đồng lớn với quá trình “gặm nhấm” lãnh thổ tranh chấp dọc biên giới với Ấn Độ của Trung Quốc.

Một chiến đấu cơ của Nhật Bản.

Từ những năm 1960, Trung Quốc đã dần dần di chuyển binh sĩ tới các khu vực tranh chấp dọc biên giới với Ấn Độ với tốc độ không đủ mạnh để gây ra một phản ứng quân sự (từ phía Ấn Độ). Trong nhiều năm, Trung Quốc đã dần dần chiếm được một lãnh thổ đáng kể.

Có thể sự thay đổi trong chiến lược của Trung Quốc ở quần đảo Senkaku tương tự như với Ấn Độ. Đó là một phần của kế hoạch từ từ mở rộng ảnh hưởng thông qua các biện pháp thúc đẩy chính sách của Trung Quốc mà không đủ gây khiêu khích để dẫn tới một phản ứng quân sự.

Tranh chấp giữa Nhật Bản và Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku, cũng như giữa các quốc gia khác nhau trên Biển Đông, có khả năng gây bất ổn khu vực, và thậm chí là cả thế giới. Hồi tháng Chín, một giáo sư Trung Quốc tại một học viện quân sự đã cảnh báo rằng các tranh chấp hàng hải này có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba”.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ tờ Business Insider, một trang tin công nghệ lớn của Mỹ. Business Insider nổi tiếng bởi các bài viết tổng hợp từ nhiều nguồn tin với các chủ đề nổi trội liên quan đến công nghệ, chính trị, quân sự…

Theo Infonet

Các tin cũ hơn