Theo dự luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, Ban soạn thảo đưa ra hai phương án tính lương hưu hàng tháng. Nhiều đại biểu không đồng tình với cả hai phương án tính lương hưu mới.
Phương án một, từ năm 2018, mức lương hưu tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng của lao động nữ và 20 năm của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, lao động được tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Phương án hai, số năm đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 45% mức bình quân tiền lương tháng để tính lương hưu cho người nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm; mỗi năm sau tăng thêm một năm và từ 2022 là 20 năm. Sau đó cứ thêm mỗi năm thì tính thêm 2% với nam và 3% với nữ, mức tối đa bằng 75%.
Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, thực hiện lộ trình theo phương án một sẽ tạo điều kiện để người lao động có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo nguyên tắc đóng - hưởng.
Trong khi đó đại biểu Trần Thanh Hải (TP.HCM) lại đề nghị giữ nguyên cách tính như luật hiện nay, không phải như hai phương án trên.
Đại biểu Trần Thanh Hải cho rằng, người lao động sẽ bị thiệt khi thay đổi cách tính lương hưu. Theo dự thảo, nam phải mất 35 năm, nữ phải 30 năm mới được hưởng tối đa 75%, trong khi bình quân hiện nay là nam 30 năm và nữ 25 năm. Ngoài ra, nữ nghỉ hưu từ 1/1/2018 sẽ bị giảm 30% so với nghỉ từ 31/12/2017.
Đại biểu Lê Trọng Sang (TP.HCM) cho biết, cách tính theo dự thảo luật sẽ làm thiệt hại quyền lợi của người lao động. Mức lương hưu vào năm 2018 của lao động nam sẽ là 45% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 10%.
Mức lương hưu của lao động nữ vào năm 2018 là 55% cho 20 năm đóng, thấp hơn so với người nghỉ hưu vào năm 2017 là 5%. Như vậy, sau 5 năm điều chỉnh lao động nam phải có 35 năm đóng và nữ là 30 năm mới đạt mức hưởng tối đa là 75%.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, (Thanh Hóa), Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, hiện nay mức đóng bảo hiểm xã hội thấp chỉ bằng 70% lương thực tế, trong khi hưởng lương hưu rất cao 75% của 5 năm hoặc 10 năm cuối.
Ông Lợi dẫn chứng, hiện có một trường hợp rất đặc biệt là ông Nguyên Minh, Tổng giám đốc Nhà máy bia Huda Huế hiện hưởng lương hưu 65 triệu/tháng cao hơn rất nhiều lương của Chủ tịch Quốc hội. Về hưu sớm, bình quân tuổi nghỉ hưu 54 tuổi; tuổi thọ cao- 73. Nếu không thay đổi cách tính lương hưu để đảm bảo cân đối quỹ thì sẽ rất khó khăn.
“Chúng tôi đang suy nghĩ có nên chăng tính lương bình quân cho người về hưu bằng số năm người đó sống. Ví dụ 54 tuổi nghỉ hưu, thọ 73- chênh nhau 19 năm thì chúng ta lấy toàn bộ tiền đóng bảo hiểm xã hội chia cho 19 năm được sống thay vì chia cho toàn bộ thời gian đóng”, đại biểu Bùi Sỹ Lợi nêu ý kiến.
Theo ông Lợi, điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, quy định là nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 61% trở lên, trong khi luật hiện hành là nữ 45 năm và nam 50 năm. Nguyên nhân chính khiến nhiều người lao động nghỉ hưu trước tuổi vì lý do suy giảm khả năng lao động trong những năm qua là do công tác giám định chưa được thực hiện một cách nghiêm túc.
Theo Khám phá