Phát biểu tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đại biểu Cù Thị Hậu đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tạm dừng hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng với người chấp hành hình phạt tù nhưng không được hưởng án treo.
Đại biểu QH Cù Thị Hậu, Hưng Yên.
Bởi người phải chấp hành hình phạt tù do lỗi của họ theo các quy định khác của pháp luật, không phải sai phạm trong quá trình đóng bảo hiểm.
Hơn nữa, về nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng và hưởng tương ứng với nhau. Trước khi chấp hành hình phạt tù, người lao động có trách nhiệm đóng bảo hiểm xã hội. Do vậy, người lao động đóng bảo hiểm, đương nhiên họ phải được hưởng.
Đại biểu Hậu phân tích thêm, con cái ở gia đình có bố hoặc mẹ bị phạt tù sẽ có cuộc sống rất khó khăn, thậm chí đứa con có thể bị thất học.
“Ban soạn thảo nên nghiên cứu cho phép người chấp hành hình phạt tù nhưng vẫn được hưởng lương hưu”, đại biểu Cù Thị Hậu đề nghị.
Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng cần mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của UB thường vụ QH, cần thiết phải đưa nhóm lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, bổ sung đối tượng ký hợp đồng lao động từ 1 đến dưới 3 tháng tham gia bảo hiểm xã hội là phù hợp nhằm tiếp tục mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và mở rộng diện an sinh xã hội.
Đại biểu đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn, cơ quan bảo hiểm xã hội và chính quyền địa phương có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện chính sách này.
Đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho rằng, nhiều chủ doanh nghiệp thường lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động dưới 1 tháng. Trường hợp này, khó có căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
Do vậy, cần bổ sung, chỉnh lý theo hướng người làm việc có thời hạn dưới 3 tháng theo hợp đồng lao động được xác lập bằng văn bản tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Theo Khampha