Triển lãm Hà Nội ơi được trưng bày ở bờ hồ Hoàn Kiếm vào tháng 10/2014 tái hiện phong phú nhịp sống của người dân thủ đô. Ảnh: TTO |
Lần đầu tiên đến TP.HCM, Le Thuan Uyen rất muốn chuyển vào đây lập nghiệp. Bốn thế hệ trong gia đình Thuan Uyen đều sinh sống tại Hà Nội. Với cô gái từng du học tại Anh, TP.HCM hứa hẹn một cuộc sống mới dễ dàng hơn so với thủ đô. “Mọi thứ đều được quy hoạch và sắp đặt khéo léo”, Thuan Uyen nói trên The Diplomat (Nhật Bản).
Tuy nhiên, khi càng tìm hiểu sâu về các hình thái nghệ thuật tại Hà Nội, Thuan Uyen quyết định không rời khỏi thủ đô.
Cổ kính so với hiện đại
Theo Dan, việc cho rằng những thương hiệu phương Tây không phát triển mạnh ở Hà Nội có thể vừa là góc nhìn tiêu cực và tích cực. "Chúng tôi vẫn bán những loại cà phê ngon. Tại sao phải mua những thương hiệu ngoại với giá cao gấp 3 mà chất lượng chưa chắc ngon bằng?"
Một số người so sánh sự cổ kính và nét năng động, hiện đại giữa Hà Nội - TP.HCM như Bắc Kinh - Thượng Hải hoặc Kyoto - Tokyo. Tuy nhiên, nguyên nhân chính nằm ở yếu tố lịch sử và văn hóa hơn là ý thức hệ.
Người Hà Nội không phủ nhận sự thành công kinh tế ở TP.HCM. Điều họ quan tâm là những thành công ấy thực sự cần thiết và đáng khao khát tới mức nào, hoặc chúng có giúp thành phố trở nên hấp dẫn hơn không. "Sài Gòn có vẻ giống Bangkok", Minh Nguyet Bui, một người Hà Nội "gốc", nhận xét.
Những người Hà Nội "gốc" như Minh Nguyet rất tự hào về truyền thống lịch sử lâu đời của thủ đô. Hà Nội mệnh danh là "thủ đô văn hóa" của Việt Nam kể từ thế kỷ 11. Ngày nay, cộng đồng sáng tạo tại Hà Nội ngày càng phát triển mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật.
Tại 6 tuyến phố đi bộ mới gồm Hàng Buồm, Mã Mây, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Tạ Hiện, Đào Duy Từ, du khách còn được thưởng thức nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật truyền thống như hát xẩm, chầu văn, ca trù. Ảnh: Vietnamplus |
Dù TP.HCM cũng có một nền nghệ thuật phát triển, nhiều người cho rằng các chương trình chỉ mang tính trình diễn, các nghệ sĩ mải mê chạy theo thị trường. Điều này tương phản mạnh với không gian nghệ thuật sáng tạo thực thụ ở Hà Nội.
"Người Sài Gòn chuộng những nghệ sĩ dễ nhìn và các bài hát, các sản phẩm văn hóa bình dân. Trong khi sản phẩm nghệ thuật ở Hà Nội chú trọng tính phê bình và hàn lâm về mặt nhận thức hơn", Thao Nguyen, một nghệ sĩ tại TP.HCM, cho biết.
Kết hợp nghệ thuật - thương mại
Tuy nhiên, ông Bill Nguyen, chủ quán cà phê Manzi, chỉ ra những nhược điểm khi không màng đến tư duy kinh doanh. "Những người bạn của tôi ở Sài Gòn nói rằng người Hà Nội không biết kiếm tiền từ óc sáng tạo của họ".
Khoảng cách giữa thành tựu sáng tạo của Hà Nội và thành công thương mại của TP.HCM thể hiện rõ trong ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Một số bộ phim Việt Nam trình chiếu ở các liên hoan phim (LHP) quốc tế đều sản xuất tại Hà Nội.
Đoàn làm phim Đập cánh giữa không trung tại LHP Venice. Ảnh: Người Lao Động |
Phim Đập cánh giữa không trung giành giải thưởng ở LHP Venice hồi tháng 9, phim Bi, đừng sợ cũng đoạt một số giải thưởng tại LHP Cannes và Stockholm năm 2010. Tuy nhiên, những bộ phim thống trị các rạp trong nước lại là các phim hành động phong cách Hollywood hoặc phim hài lãng mạn của những nhà làm phim trong Sài Gòn.
Ngày càng nhiều ý tưởng và nỗ lực sáng tạo phi thương mại triển khai ở Hà Nội. Vào năm 2013, một nhóm DJ và nhạc sĩ ở Hà Nội đã tổ chức đêm hội âm nhạc Quest mà không kêu gọi tài trợ.
Chương trình nghệ thuật đường phố diễn ra tại khu vực quảng trường chợ Đồng Xuân, Hà Nội với sự tham gia của nhiều ca sĩ nhằm quảng bá cho Lễ hội âm nhạc Gió mùa diễn ra tại bãi cỏ trước Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Ca/Zing.vn |
Theo Zing